Toạ đàm "Sinh vật cảnh Nghệ An, tiềm năng và triển vọng"

17/05/2012 12:04

(Baonghean.vn) - Sáng 17/5, Ban Thường trực UB.MTTQ tỉnh Nghệ An phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cùng Hội Sinh vật cảnh tỉnh tổ chức Toạ đàm "Sinh vật cảnh Nghệ An, tiềm năng và triển vọng ". Tham dự có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, UBND Thành phố Vinh và các tổ chức đoàn thể.


Các đại biểu đã nghe báo cáo về đặc thù chung của sinh vật cảnh và tiềm năng, thực trạng sinh vật cảnh Nghệ An nói riêng. Là tỉnh có đất rộng, nhiều núi đá nguyên liệu, nhiều khu rừng đặc dụng với sự đa dạng các loại động, thực vật sinh sống... Hiện toàn tỉnh có trên 4.000 hội viên sinh hoạt ở 200 chi hội của 104 hội SVC cấp xã, phường, thị trấn; 8 hội SVC cấp huyện, thị xã, thành phố. Có 400 ha sinh vật cảnh, 40 công ty, nhà vườn, 5 làng nghề SVC, 69 cơ sở chế tác gỗ lũa, 35 cơ sở đắp non bộ, 109 cơ sở sản xuất ang chậu và 16 cơ sở nuôi cá cảnh... thu hút trên 3.000 lao động; nộp ngân sách nhà nước mỗi năm hàng chục tỷ đồng.




Toàn cảnh buổi toạ đàm

Tuy chưa rộng khắp nhưng tỉnh cũng đã có nhiều mô hình làm kinh tế SVC có hiệu quả từ các ngành nghề khác nhau như: Mô hình trồng hoa ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, TP Vinh, Đô Lương; mô hình chế tác gỗ lũa ở Đô Lương, Anh Sơn, Tân kỳ; mô hình nuôi chim cảnh ở Yên Thành, Tân Kỳ; chế tác đá cảnh ở đá mỹ nghệ ở TP Vinh, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp...

Qua việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học "Điều tra thực trạng và giải pháp bảo tồn cây cổ thụ , cây cảnh quý hiếm trên địa bàn tỉnh Nghệ An" cho thấy, tỉnh Nghệ An có 461 cây - thuộc 43 loài có từ 100 - 1.000 năm tuổi (trong đó có 5 cây thị cổ ở Nghi Lộc đã được công nhận Di sản Việt Nam)...

Tại buổi toạ đàm, các đại biểu có nhiều ý kiến: Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và nhân dân thấy được tầm quan trọng của SVC trong tiến trình CNH- HĐH, trong quá trình đô thị hoá và trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Qua đó quan tâm công tác quy hoạch SVC trong quy hoạch phát triển KT-XH và quy hoạch phát triển đô thị; có cơ chế chính sách trong việc đào tạo nghề, vay vốn, chuyển đổi đất nông nghiệp... gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư. Hội nên tổ chức nhiều lớp học bồi dưỡng, tập huấn để nâng tầm nhận thức, hiểu biết về SVC, kỹ năng thực hành SVC; gây dựng đội ngũ kỹ thuật về SVC đáp ứng nhu cầu của người dân.


Ngọc Anh