Đã định hình là vùng động lực phát triển của tỉnh

11/06/2012 17:19

(Baonghean) - Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Nghệ An được thành lập ngày 11/6/2007, có diện tích 18.826 ha. Đến nay, sau 5 năm xây dựng, với những ưu thế về vị trí địa lý cũng như chính sách ưu đãi đặc biệt đầu tư, KKT Đông Nam đã định hình là một vùng động lực phát triển của tỉnh ta, đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Quy hoạch chung xây dựng KKT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1534/QĐ-TTg ngày 21/10/2008. Theo đó, KKT Đông Nam có 2 Khu công nghiệp (KCN): Thọ Lộc, diện tích quy hoạch 1.178 ha và Nam Cấm, diện tích quy hoạch 1.453 ha; 5 Khu đô thị (KĐT) là KĐT số 1; số 2 ở phía Bắc KKT thuộc địa bàn huyện Diễn Châu và KĐT số 3, 4, 5 ở Phía Nam KKT trên địa bàn huyện Nghi Lộc.

Ngoài ra, KKT còn có 1 Khu phi thuế quan, 1 Khu công nghệ cao, 1 Khu trung tâm đào tạo nhân lực, Các khu du lịch được quy hoạch dọc theo bờ biển thuộc KKT theo sông Cấm và các hồ Xuân Dương, hồ Ồ,Cảng nước sâu Cửa Lò gắn với KKT Đông Nam và các KĐT (1.440 ha). Đến nay, hầu hết các khu chức năng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết.



Một góc Khu kinh tế Đông Nam.

KKT Đông Nam được Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt, nhiều chính sách về thuế, đất đai, lao động... được áp dụng đối với địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của KKT do ngân sách nhà nước đầu tư theo phương thức bố trí kế hoạch vốn ngân sách hàng năm. Tính đến tháng 6/2012, 13 dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu trong KKT Đông Nam đã được lập. Bao gồm: 10 đường giao thông: N1, N2, N3, N4, N5, D1, D2, D3, D4 và D5.

Trong đó, 10 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt (N1, N2, N4, N5, D1, D3, D4); Dự án nhà máy nước phía Bắc công suất 17.000 m3/ngày đêm; Nhà máy nước phía Nam công suất 45.000 m3/ngày đêm và Dự án Đầu tư xây dựng Khu xử lý nước thải tập trung tại KCN Nam Cấm. Hiện trong KKT đang triển khai xây dựng 3 tuyến đường giao thông (N2, N5, D4) với tổng mức đầu tư trên 2000 tỷ đồng.

Dự kiến, cuối năm 2012 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng một phần 2 tuyến đường N2, N5, còn tuyến đường D4 dự kiến đến cuối năm 2013 sẽ hoàn thành. Việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 3 tuyến đường giao thông thiết yếu này tạo điều kiện để thành lập các KCN Thọ Lộc ở phía Bắc và KCN Nam Cấm mở rộng ở phía Nam KKT. Còn đường D4 nối Quốc lộ 1A với Cảng nước sâu Cửa Lò sẽ phục vụ cho xây dựng và hoạt động của Cảng nước sâu Cửa Lò, một trong những yếu tố quan trọng thu hút các dự án đầu tư vào KKT Đông Nam nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung (giai đoạn 1 bao gồm các hạng mục: Đê chắn sóng dài 1.450m, cầu cảng có diện tích 33.000 m2, 2 bến cho tàu 3 vạn và 5 vạn tấn có chiều dài 537m với năng lực bốc dỡ từ 3,5 đến 4,5 triệu tấn/năm và khu hậu cần cảng rộng 35 ha; Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 3.300 tỷ đồng). Ngoài ra, hạ tầng Khu C KCN Nam Cấm cũng đã cơ bản hoàn thành.

Đến tháng 6/2012, KKT đã thu hút được 72 dự án đầu tư, trong đó có 5 dự án đầu tư nước ngoài. Tổng mức đầu tư đăng ký đạt 10.642 tỷ đồng và 48,45 triệu đô la Mỹ. Trong số các dự án đầu tư nước ngoài có dự án sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử viễn thông hightech của Tập đoàn BSE Hàn Quốc, công suất 250 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký 30 triệu đô la Mỹ. Đây là dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Nghệ An. Có hơn 40 dự án đã đi vào hoạt động. Hàng năm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 200 tỷ đồng. Trong đó có các dự án đóng góp ngân sách nhà nước khá như: Nhà máy Bia Hà Nội- Nghệ An, Nhà máy Ván nhân tạo MDF Tân Việt Trung…

Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường trong KKT, công tác quản lý lao động được quan tâm. Số lao động làm việc trong KKT Đông Nam hơn 2500 lao động địa phương. Thu nhập bình quân của người lao động hàng năm đã có cải thiện đáng kể. Ban quản lý KKT Đông Nam đã phối hợp với Công an tỉnh xây dựng và thực hiện Quy chế phối hợp quản lý an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trong KKT. Hàng năm tổ chức tập huấn và định kỳ kiểm tra việc chấp hành của các doanh nghiệp, nhờ đó, tình trạng mất an toàn cháy nổ hoặc mất an ninh trật tự ở KKT diễn ra rất ít.

Theo ông Võ Văn Hải – Trưởng Ban quản lý KKT Đông Nam, nhìn lại 5 năm sau ngày thành lập, KKT Đông Nam Nghệ An mặc dù gặp rất nhiều khó khăn và vẫn còn một số tồn tại, nhưng kết quả đạt được là rất khả quan. Có được kết quả đó là nhờ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của các cấp, ngành, địa phương. Đồng thời là thành quả của sự nỗ lực không biết mệt mỏi của tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An.

Nghệ An là một tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho đầu tư xây dựng hạ tầng trong và ngoài hàng rào KKT còn ít, chỉ dựa chủ yếu vào nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Do đó, hạ tầng KKT chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Mặt khác, do Nghệ An chưa nằm trong khu vực tập trung ưu tiên phát triển của Trung ương, từ đó chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư hạ tầng có năng lực thật sự. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới chưa hồi phục sau khủng hoảng, kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn và sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư của các nước trong khu vực ngày càng quyết liệt, Ban quản lý KKT Đông Nam xác định, năm 2012 là năm tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư. Do đó, các chương trình, mục tiêu đề ra đều nhằm phục vụ, tạo điều kiện cho công tác thu hút các dự án đầu tư vào KKT. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, Ban quản lý KKT xác định một số giải pháp như: Tập trung xây dựng các công trình hạ tầng trong KKT gồm: mạng lưới giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, xử lý nước thải, chất thải công nghiệp, xây dựng một số nhà ở cho công nhân...

Thời gian tới, một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án. Ban quản lý xác định, nhiệm vụ là sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án để đưa các dự án đi vào hoạt động đúng kế hoạch, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội của KKT. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp hạ tầng được tiếp cận các nguồn vốn đầu tư phát triển của Chính phủ; giải quyết kịp thời các ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Trung ương và của tỉnh.

Phối hợp chặt chẽ trong công tác lập kế hoạch vốn và phân khai vốn hàng năm để đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu vốn cho từng công trình, dự án đã được phê duyệt. Ưu tiên tập trung vốn cho các công trình, dự án trọng điểm, tạo đà phát triển và thu hút các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ trong KKT Đông Nam. Điều chỉnh, ban hành một số cơ chế, chính sách, Cải cách hành chính, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư. Bên cạnh đó, liên hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các cơ chế chính sách pháp luật của Nhà nước về đền bù giải phóng mặt bằng để doanh nghiệp và người dân hiểu rõ và ủng hộ.


Thu huyền