Vượt biên vào thế giới hàng rởm Trung Quốc

20/07/2012 18:34

(Baonghean) Vượt qua biên giới Việt Nam tại khu vực Cửa khẩu Cổng Trắng (hay còn gọi là Cốc Nam, thuộc xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) vào lãnh thổ Trung Quốc, tới khu chợ Lũng Vài - thuộc tỉnh Quảng Tây bằng đường tắt qua núi. Đây là chợ bán sỷ hàng hóa lớn dành cho người Việt Nam tiêu thụ, tất cả mọi thứ hàng hóa "made in China" đều có mặt tại nơi này.

Qua hai ngọn đồi đất và một vách núi đá vôi thuộc Hang Dơi, địa danh nổi tiếng với vụ bắt giữ hàng lậu Trung Quốc ở vùng biên giới Lạng Sơn mấy năm trước là đường tắt của dân "đi chợ" sang bên kia biên giới nhằm tránh cửa khẩu phía Việt Nam. Không cần giấy tờ, chỉ mua một chiếc vé có giá 3 nhân dân tệ là có thể ung dung nhập cảnh. Một người Trung Quốc làm nhiệm vụ kiểm soát ngay tại hẻm núi không thèm hỏi, hay kiểm tra gì ngoài việc thu tấm vé rồi cho chúng tôi đi qua cửa. Ngay sát dưới chân núi là khu chợ bán sỷ với tên gọi "Khu kinh tế Lũng Vài - Bằng Tường - Trung Quốc".



Hàng tập kết chuẩn bị đưa vào Việt Nam

Tại đây, từ những mặt hàng tiêu dùng nhỏ như tăm xỉa răng, bia LiQuan, nước ngọt, bánh kẹo, mỹ phẩm, son phấn cho đến hàng điện máy như: Tivi, đầu đĩa, loa đài, máy lạnh, máy phát điện... được bày bán và cũng có loại hàng được mua ở sâu trong nội địa chở về tập kết tại đây để chờ vượt qua biên giới Việt Nam. Tất cả các loại hàng có xuất xứ từ đất nước Trung Hoa này đều rẻ vô cùng. Tôi cứ băn khoăn mãi câu hỏi: Với giá bán rẻ như thế, làm sao đủ chi phí để sản xuất ra các loại sản phẩm hàng hóa đẹp và phong phú như vậy?

Ghê rợn thực phẩm

Theo sự chỉ dẫn của "cửu" (những người đưa hàng hóa từ Trung Quốc về Việt nam) ở Lạng Sơn và đã kết nối trước, tôi tìm đến nơi bán các loại thực phẩm tại khu chợ này và được một người phụ nữ có tên A Múi tiếp chuyện bằng tiếng Việt, dù cách phát âm còn hơi ngọng nghịu. Sau khi biết tôi là người của "cửu K", A Múi dẫn tôi vào một kho chứa gần đó để xem các mặt hàng thực phẩm mà theo lời chị ta là: Đang bán sang cho Việt Nam nhiều nhất. Lướt qua một lượt, tôi thấy thực phẩm được chế biến sẵn từ các loại rau củ quả, như củ cải, xu hào, măng tre rất nhiều. Tất cả các sản phẩm này đều được tẩm ướp với một chất màu đỏ, đựng trong túi nilông, bên ngoài in tiếng Việt nhưng... có rất nhiều lỗi chính tả. Một túi củ cải ghi trọng lượng là 2,5 kg có giá 7 Nhân dân tệ - khoảng gần 22.000 VND, su hào cũng được đựng trong túi nilông với giá chưa đến 10.000 VN đồng/ kg.



Củ cải, măng tre Trung Quốc

Có loại củ gì đó được đóng trong túi nhỏ trọng lượng 120 g, phía ngoài bao bì ghi bằng tiếng việt "Món ăn cay nóng", phía mặt sau của bao đựng sản phẩm cũng viết bằng tiếng Việt "Phối liệu (có lẽ là thành phần): cải canh, muối ăn được, MSG, ớt, tỏi, dầu ăn, sodiumc yclamate, saccharin... với giá 1 nhân dân tệ/gói, tương đương 3.000 VND.

Tiếp tục giới thiệu thêm một thứ mà dân nhậu ở Việt Nam ta rất ưa chuộng trong mấy năm qua, đó là: Chân gà! Đã từng được nghe nói nhiều nhưng thật sự tôi không thể tưởng tượng nổi, hàng nghìn chiếc chân gà được đựng trong những bao nilông lớn, tất cả đều bốc mùi khăn khẳn, cộng thêm mùi ngai ngái của thuốc bảo quản và những chiếc chân gà này đã bị mốc xanh xen lẫn xỉn màu đen. Thấy tôi nhăn mặt, A Múi nói như trấn an: "Nhìn vậy thôi, nhưng ngâm vào thuốc tẩy chừng 5 phút là nó trắng tinh ngay mà".

Nghe tôi lấy cớ là mở quán lẩu nên không cần đến chân gà, A Múi lấy ra một loại gia vị màu đen, đóng thành bánh giống như một miếng cao động vật ở Việt Nam, rồi nói: "Đây là cao để nấu lẩu, nếu em định mở nhà hàng bán lẩu thì nên dùng loại này mới kiếm ăn được. Có đủ loại hương vị gà, bò, hay hải sản để phục vụ khách". A Múi cho biết thêm: "Cái này có 6 nhân dân tệ à... chỉ cần 1 miếng cao này sẽ được một nồi lẩu 7 - 8 người ăn mà không cần đến nhiều xương...". Nhìn miếng cao lẩu có giá chưa đến 20.000 VND và mấy bao tải chân gà trong góc kho, bất chợt tôi rùng mình khi nghĩ đến nồi lẩu nghi ngút khói hay đĩa chân gà nướng vàng rộm mà tôi đã từng ăn ở các nhà hàng khi mùa mưa đến.

Mì chính không rõ nguồn gốc

Trước khi đi thu thập tìm hiểu để viết bài này, tôi đã tận mắt chứng kiến hàng tấn mỳ chính (bột ngọt) và đường hóa học được vận chuyển vào miền Nam. Hôm nay, khoác trên người bộ quần áo "cửu vạn", cộng thêm đã có thời gian gần 10 năm làm "cửu" tại khu vực chợ Lũng Vài, nên tôi có điều kiện để xâm nhập các kho hàng tại chợ Lũng Vài này. Trong kho của A Quý, tôi thấy từng bao tải mỳ chính 60 kg, không nhãn mác hay chữ đang được đội quân bốc vác đóng thêm bao tải đen ở phía ngoài, sau đó mang ra tập kết tại bãi hàng để chuẩn bị vượt biên giới vào Việt Nam. Địa chỉ nơi nhận những bao mỳ chính này được ghi bằng bút lông mực "T.. Sài Gòn. Số ĐT: 09086...".

D... một "cửu" ở thị trấn Đồng Đăng - huyện Cao Lộc - là người có thâm niên “bao” hàng Trung Quốc, cho tôi biết: "Một ngày em chuyển vào Sài Gòn hàng chục tấn mỳ chính cũng như đường hóa học, hàng này chủ yếu tiêu thụ ở miền Nam thôi anh ạ". Tôi tự hỏi: Không hiểu nguyên nhân gì khiến thị trường phía Nam phải nhập nhiều mỳ chính và đường hóa học đến như vậy?

Sau khi lượn lờ khắp khu vực Lũng Vài, tôi lên xe bus loại 7 chỗ đi vào thị trấn Bằng Tường, cách biên giới Việt- Trung 40 km. Người phiên dịch đưa tôi đến gặp ông chủ người Trung Quốc đặt vấn đề. Qua người phiên dịch, ông ta nói: "Mỳ chính có 2 loại, loại hạt nhỏ mịn và loại hạt to, người Việt Nam lấy loại hạt nhỏ, mịn nhiều hơn. Đường hóa học thì có 1 loại thôi. Nếu mua thì phải đặt tiền, hàng sẽ được chở ra Lũng Vài cho". Tôi khai thác thêm ông chủ và được biết mỳ chính, đường hóa học này được sản xuất ở Quảng Châu, muốn mua phải thông qua những người như ông chủ này. Sau khi lấy 2 gói mỳ chính để làm "mẫu", chúng tôi quay trở về Việt Nam bằng con đường đã ra đi lúc sáng, hú hồn không bị bắt vì tội vượt biên!

Chúng tôi có mặt tại Cửa khẩu Chi Ma thuộc huyện Lục Bình, tỉnh Lạng Sơn. Cửa khẩu này phía bên Trung Quốc gọi là Ái Điểm, tại đây cũng nhiều không kém như ở Cửa khẩu Cốc Nam, Văn Lãng. Trong đó, chủ yếu là các loại hàng hóa cồng kềnh, như thuốc đông dược hay còn gọi là thuốc bắc thì chủ yếu tập trung tại đây, cũng có thể do đường từ Quảng Châu về đây thuận tiện hay tại "cơ chế" ở cửa khẩu này thoáng hơn. Ngay tại đường vào cửa khẩu đã nghe nồng nặc mùi thuốc bắc. Những chiếc xe tải chất đầy đông dược xếp thành hàng dài đang chờ được thông quan.

Cạnh đó, từng đoàn người kẻ gánh, người gồng đi qua chiếc barie bằng tre về hướng Việt Nam. Cơ man nào là thuốc, thuốc được đựng trong bao tải, trong thùng xốp với đủ vị như nhân sâm, đương quy, thục địa, bạch thược và nhiều loại khác bốc mùi thơm rất đặc trưng của loại đông dược này. Khi chúng tôi đưa máy ảnh lên để chụp những bao thuốc đang được tập kết tại đây thì một người đàn ông Trung Quốc hùng hổ tiến tới tịch thu chiếc máy ảnh của tôi kèm theo mấy câu “xì xà xì xồ”... Tôi đoán đó là câu chửi thề của anh ta dành cho tôi.. nhưng nhìn dáng vẻ cũng không kém dân "cửu" nên hắn ta bỏ đi sau khi bắt tôi xóa hết các hình ảnh mới chụp.

Ngập tràn thuốc đông dược rởm

Sách y học cổ truyền của Trung Quốc từ xa xưa đã coi Đông trùng hạ thảo là vị thuốc cải lão hoàn đồng, hồi xuân sinh lực, là vị thần dược mà các vua chúa thời xưa tin dùng. Quý như vậy, nhưng tại đây, vị thuốc này được đóng bao nylong có trong lượng 500gr bán với giá 20 nhân dân tệ/gói. Còn các loại sâm cũng nhiều vô kể. Chị H, người "bao hàng" tại cửa khẩu này nói với tôi: "Anh lấy mẫu thì cứ vào chợ Đông Kinh (Lạng Sơn) mà lấy, ở chợ có đủ các loại như ở đây". Chúng tôi vào chợ Đông Kinh để kiểm chứng lời của H thì quả thật có đủ các loại thuốc đông dược nguồn gốc từ Trung Quốc được bày bán rất công khai ở chợ này. Đông trùng hạ thảo gói 500 gr có giá 70.000 đồng, 1 củ sâm to được đóng trong túi rất đẹp mắt có giá 65.000 đồng...

Sau mấy ngày tìm hiểu, được tận mắt thấy các mặt hàng thực phẩm và các loại thuốc đông dược với giá cả vô cùng rẻ như vậy, chúng tôi vô cùng hoang mang và thật sự lo lắng với sức khỏe của người dân khi mà những mặt hàng này tỏa đi khắp các miền, từ thành thị cho tới nông thôn Việt Nam. Chúng ta đều biết, thời gian qua, các thương lái Trung Quốc đã tìm về tận các làng xóm xa xôi trong nước để tận thu, mua các loại thực phẩm, nông sản, gia súc và các loại dược liệu của Việt Nam với giá cao, đưa về Trung Quốc chế biến, sản xuất đáp ứng cho nhu cầu của một đất nước có dân số đông nhất hành tinh này. Vậy lấy đâu nguyên liệu để sản xuất ra các loại sản phẩm bán sang thị trường Việt Nam với giá rẻ bèo như vậy? Chúng ta có quyền nghi ngờ và đặt câu hỏi về thành phần, chất lượng, cũng như quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các loại sản phẩm này.


Thế Sơn