Nỗ lực thoát nghèo của người dân vùng lũ

16/07/2012 14:36

(Baonghean) - Ngoài đê sông Lam cuộc sống luôn ẩn chứa sự bấp bênh. Những cơn lũ lên bất ngờ, làng mạc nhiều phen chìm trong biển nước. Thế nhưng ở đó, không ít nông dân đã đón lũ, mong lũ đến để khai thác thế mạnh vùng bãi, vươn lên thoát khỏi đói nghèo…

Trong màu xanh ngút mắt của cây trái ven sông mùa hạ, chúng tôi đến nhà anh Dương Văn Phượng và chị Lê Thị Lam xóm 2, Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên. Anh chị có một khởi đầu cuộc sống lứa đôi khá vất vả, bởi gia đình bố mẹ của hai người quá nghèo, không cho các con được tài sản gì đáng giá. Hai vợ chồng ra riêng dựng được căn nhà cấp 4 hai gian ngoài vùng bãi sông Lam và bắt đầu xây dựng hạnh phúc.

Nhận thấy bãi sông mướt xanh, cây trái được phù sa bồi đắp, anh nghĩ chỉ có thể nuôi bò là thích hợp nhất. Mùa lũ thì nhốt lại, hoặc đưa sang đê, hết lũ là thả bãi. Nhưng vốn đâu ra? Là hộ nghèo, anh được Ngân hàng chính sách quan tâm cho vay 5 triệu đồng mua 1 con bê. Đó là năm 2007, anh vui sướng dắt bê về và dồn sức chăm nó. Hai năm sau, bò sinh sản được một đôi bê, anh bán đôi bê, trả hết nợ ngân hàng và được ngân hàng cho vay thêm 20 triệu đồng nữa. Nhưng khát vọng thoát nghèo mãnh liệt, anh nghĩ không thể ngồi trông chờ vào mấy bò sinh sản được. Anh quyết tâm lập dự án trang trại và vay thêm vốn của Ngân hàng Nông nghiệp với 60 triệu đồng nữa để đầu tư mua 8 con bò và 1 con trâu, một đàn lợn thịt. Anh còn vay mua hẳn một máy cày đa chức năng để vừa phục vụ cho mình vừa cày cho người khác. Thấy nhiều gia đình do neo người để ruộng hoang, anh nhận khoán 1 mẫu vừa trồng cỏ, vừa trỉa ngô, lạc để tăng thêm thu nhập, đồng thời có nguồn thức ăn dự trữ cho trâu, bò. Ở vùng lũ, thức ăn cho trâu bò được quan tâm không kém gì lo cho người. Anh cho biết: “Đã không đầu tư thì thôi, còn đầu tư thì phải đầy đủ, nếu không dễ thất bại lắm. Chuồng trại phải đảm bảo, ấm về mùa đông, thoáng về mùa hè, phải xây cao để tránh lũ. Làm hoa màu cũng cần có máy để kịp thời vụ, tránh được lũ”. Chính vì vậy, anh đã đầu tư khá đồng bộ chuồng trại, hệ thống điện để chăn nuôi. Anh trồng ngô mật độ dày làm thức ăn cho trâu bò, tận dụng lá lạc sau thu hoạch, xay bột ngô cho trâu bò thêm dinh dưỡng. Ngắm đàn bò của anh, ai cũng phải khen anh chị mát tay, khéo chăm. Anh cho hay, 1 con bò của anh giờ bán cũng được khoảng 25 triệu đồng. Anh vừa bán lứa lợn được 15 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi một vụ mùa, anh còn thu hoạch thêm hàng tấn lạc, ngô. Giờ thì anh chị đã có số vốn kha khá, nhưng chủ yếu vẫn là vốn vay. Đồng vốn được sử dụng hiệu quả từ nuôi bò thịt, bò sinh sản, bò hàng hóa.



Mô hình nuôi bò nhốt của gia đinh anh Dương Văn Phượng
(Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên).

Còn gia đình ông Tạ Đình Dung- một hộ nghèo ở xóm 1a Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên cũng từng bước thoát nghèo nhờ đàn bò sinh sản. Từ 15 triệu đồng vay của Ngân hàng Chính sách huyện Hưng Nguyên, đến nay ông đã có 5 con bò thịt. Ông nói: Mỗi con giờ bán cũng được 30 triệu đồng. Sống ngoài vùng bãi trái với lo lắng của chúng tôi, ông nói: “Dân ở đây chỉ mong cho lũ đến”. Lũ đến mới có phù sa, mới có cỏ non, có bầu, có bí, măng tre mọc dày lên. Đi trong những bờ tre rợp mát, tôi được biết ở đây người dân không bẻ măng. Tre bảo vệ làng, tre chở che cho dân vùng lũ. Gia đình ông vụ nào theo vụ ấy trồng lạc, ngô, rau bầu, rau bí. Và nay với đàn bò thịt, ông còn trồng nhiều ngô để có thức ăn cho bò. Nhìn “tiền lãi” đang sinh sôi một cách chắc chắn từ đàn bò, ông hi vọng đến Tết, cả nhà sẽ có nguồn thu lớn, từ đó thoát nghèo, con cái khỏi đi tha phương làm thuê kiếm sống.

Anh Nguyễn Quốc Hùng - xóm 5 Hưng Lợi, Hưng Nguyên đã đón bắt được con nước mùa lũ, cải tạo lại các đầm trũng thành ao nuôi cá, thả vịt rất hiệu quả. Anh Hùng thường xuyên nuôi trên 1000 con vịt đẻ, mỗi ngày cho hơn 900 quả trứng. Năm nay nhuần hai tháng 4, nhu cầu trứng vịt lộn tăng cao, tuy giá trứng sụt giảm hơn năm ngoái nhưng mỗi tháng tiền lãi từ vịt cũng được gần 10 triệu đồng.

Anh còn nuôi cá để tạo môi trường cho vịt và tăng thêm thu nhập. Tranh thủ thả cá trước mùa lũ, đến lũ lại bán và sau một đợt “thay nước mới”, anh lại bắt đầu vụ nuôi mới.

Gia đình anh Nguyễn Văn Quế - xóm 3 Hưng Lĩnh – là Bí thư Đoàn xã, lại có cơ ngơi chỉ cách mép sông Lam khoảng chục thước. Quanh nhà anh ken dày tre và cây giới.Trong khu vườn rộng hàng ngàn mét vuông đó anh thả hàng trăm con gà cỏ, rồi trồng ngô để lấy thức ăn cho bò. Anh còn vay vốn ngân hàng để nuôi bò nhốt, trước mùa lũ anh bán bò để chạy lụt, sau lụt lại mua bò nuôi tiếp. Trong ngôi nhà khang trang được đắp nền cao gần 2m để chống lũ, một cồn rơm cao được chuẩn bị sẵn sàng. Chuồng bò nhà anh cũng xây rất cao và đặc biệt chuồng bò luôn sạch sẽ tinh tươm.

Anh Quế cho hay: Nhà sát bờ sông, năm nào lũ cũng lên ngập ngang bụng, sau nhiều năm chung sống, ước mơ làm được ngôi nhà cao đã thực hiện được. Đó cũng là từ những thành quả phát triển kinh tế của gia đình.

Không chỉ có gia đình anh Phượng, ông Dung, anh Quế……nhiều nông dân nữa ở vùng bãi dọc sông Lam đã vượt lên những khắc nghiệt của thiên tai, của điều kiện tự nhiên để làm giàu. Họ vốn là những người rất nghèo khó, nhưng nhận ra tiềm năng của phù sa, con nước, họ đã mạnh dạn vay vốn của ngân hàng, từ đó thoát nghèo, làm giàu ngay chính vùng rốn lũ.


Châu Lan