Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới làm việc tại Nghệ An

05/07/2012 18:29

(Baonghean.vn) - Thực hiện chương trình làm việc, sáng nay 5/7, đoàn công tác Ban chỉ đạo trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do đồng chí cố vấn Chương trình Lê Huy Ngọ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Nghệ An. Làm việc với đoàn, về phía tỉnh có đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới tỉnh và các thành viên trong Ban chỉ đạo.



Quang cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An, đến ngày 30/6, toàn tỉnh đã có 422/435 xã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung nông thôn mới, đạt 97%. Hiện còn 13 xã chờ phê duyệt hoặc ngừng quy hoạch. Số xã đã hoàn thành đề án xây dựng nông thôn mới đạt gần 60%. Từ năm 2011, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ đầu tư thực hiện 133 mô hình phát triển sản xuất, làm kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp.

Mặc dù còn gặp khó khăn về nguồn lực, nhưng hiện nay, UBND tỉnh đã có văn bản về chủ trương cho dân vay xi măng làm đường giao thông nông thôn đợt 1, trả nợ trong 2 năm 2013 – 2014, với khối lượng trên 123.200 tấn, tương đương 205 tỷ đồng để cấp cho 38 xã làm đường giao thông. Đến nay, nguồn ngân sách tỉnh, huyện, xã đầu tư xây dựng cho nông thôn mới gần 518 tỷ đồng; nguồn vốn dân đóng góp (chưa kể hiến đất) là 119 tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng và lồng ghép là 791 tỷ đồng.



Đồng chí Lê Huy Ngọ phát biểu tại cuộc họp



Đồng chí Đinh Viết Hồng báo cáo tiến độ xây dựng nông thôn mới của tỉnh

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo tỉnh, đồng chí Lê Huy Ngọ biểu dương những nỗ lực của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới, từ tiến độ quy hoạch cho đến hoạt động của bộ máy ban chỉ đạo các cấp. Nghệ An cũng đã chủ động, tìm ra những cách làm phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương. Đồng chí nhấn mạnh, để xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, cần tập trung vào 3 vấn đề: phát triển kinh tế, lao động việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Lưu ý các địa phương nên chọn những vấn đề thiết thực để làm, phù hợp với yêu cầu cuộc sống của người dân. Nhưng cũng phải giữ được bản sắc văn hoá riêng của từng vùng, từng địa phương./.


Công Sáng