Giải pháp nào để ổn định vùng nguyên liệu dứa?

27/06/2012 17:44

(Baonghean) Những ngày qua, vùng nguyên liệu của Nhà máy chế biến dứa xuất khẩu đang “nóng” lên vì những bất đồng giữa nhà máy và người trồng dứa. Qua sự việc này cho thấy, cùng với trách nhiệm của nhà máy, người nông dân cũng cần có cách làm “chuyên nghiệp” hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Chúng tôi có mặt ở Nhà máy chế biến dứa xuất khẩu đúng lúc người dân đang đến thương lượng để ký kết hợp đồng mua bán. Anh Hồ Hữu Diễn (Đội 6- Tổng đội TNXP I) bày tỏ: “Gắn bó với nhà máy cả chục năm nay, chúng tôi đã “đổi đời” nhờ cây dứa.

Năm nay, giá dứa quá thấp, phương thức thu mua lại có nhiều điểm gây khó khăn cho dân. Đã gần cuối tháng 6 mà nhà máy vẫn chưa tiến hành sản xuất nên chúng tôi đang phải nhập cho tư thương đem đi bán ở các chợ với mức giá trên 3.000 đồng/kg. Mỗi ngày, toàn xã Tân Thắng cũng tiêu thụ được khoảng vài ba chục tấn dứa quả, nhưng người ta cũng chỉ mua những quả to và đẹp, còn lại giá rất thấp. Chúng tôi hy vọng nhà máy có cơ chế thu mua phù hợp để bà con có thể tiêu thụ dứa một cách ổn định”.



Thu hoạch dứa ở Quỳnh Lưu.

Khác với mọi năm, vụ dứa năm nay Nhà máy có những thay đổi khá rõ trong thu mua. Nếu trước đây, từng hộ dân trực tiếp ký hợp đồng bán dứa thì năm nay, chỉ những hợp đồng có khối lượng tối thiểu 50 tấn/năm mới được ký. Bên cạnh đó, mỗi chuyến hàng nhập tại nhà máy cũng phải có khối lượng tối thiểu là 2 tấn.

Trong khi đó,việc thu mua dứa xanh để sản xuất trong dây chuyền rau củ quả đông lạnh (IQF) chỉ có giá 2.500 đồng/kg và thực hiện đến khoảng ngoài 20/6, sau đó, giá mua dứa chín sẽ thay đổi theo từng tuần và chắc chắn là sẽ thấp hơn nữa. Đây chính là những nguyên nhân gây bức xúc, lo lắng trong bà con vùng nguyên liệu, vì theo tính toán, năm nay giá thành sản xuất được 1kg dứa đã lên đến 2.000 đồng.


Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Chuỗi cung ứng (Nhà máy chế biến dứa xuất khẩu) cho biết: Năm 2011, nhà máy trực tiếp ký hợp đồng tiêu thụ với các hộ dân, đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ về phân bón, che rám nắng... nhưng vào vụ sản xuất, đơn vị chỉ thu mua được 23% tổng sản lượng dứa toàn vùng- tương đương 1.400 tấn/6.000 tấn. Phần lớn bà con không tuân thủ hợp đồng đã ký mà tuồn dứa xanh bán ra ngoài cho tư thương và các nhà máy đồ hộp khác, gây rất nhiều khó khăn trong thực hiện kế hoạch kinh doanh và đặc biệt là làm mất uy tín trong giao dịch với khách hàng quốc tế. Do vậy, năm nay, đơn vị chủ trương thay đổi về phương thức thu mua để có thể chủ động hơn, tuy nhiên, trong đó sẽ ưu tiên những hộ có khối lượng “tương đối” và những năm qua luôn chung thủy, gắn bó với nhà máy.


Năm 2012 được coi là năm tồi tệ nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của thị trường nước dứa cô đặc. Giá nước dứa cô đặc giao trong tháng 4, đầu tháng 5/2012 đang nằm ở mức 1.100 - 1.200 USD/tấn và được dự báo sẽ giảm còn 1.000 USD vào tháng 6. Theo ông Nguyễn Trung Kiên, sự suy thoái trầm trọng của nền kinh tế châu Âu đã kéo theo sự sụt giảm mạnh về nhu cầu mua bán nước dứa cô đặc ở thị trường được coi là lớn nhất này. Trong khi đó, các quốc gia sản xuất dứa lớn đều tung ra thị trường nguồn hàng dồi dào với giá cả cạnh tranh do năm nay dứa rất được mùa.

Theo tính toán, với mức giá trên thì doanh nghiệp Việt Nam phải thu mua dứa nguyên liệu với giá từ 1.000- 1.200 đồng/kg mới có thể hòa vốn chứ chưa nói đến là có lãi. Hiện Nhà máy dứa Đồng Dao (Ninh Bình) vẫn còn tồn kho khoảng 400 tấn dứa cô đặc từ tháng 6/2011, các nhà máy sản xuất đồ hộp ở miền Bắc còn khó khăn hơn do chất lượng kém, giá cả thiếu cạnh tranh. Bởi vậy, nếu trước đây bà con có thể bán dứa cho các nhà máy nhỏ ở miền Bắc với mức giá khả quan, số lượng lớn, thì năm nay dứa bắt đầu vào vụ chín rộ nhưng khách hàng rất ít.


Theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu - ông Nguyễn Xuân Dinh, năm nay dứa chín muộn hơn mọi năm nên hiện tại, lượng dứa ứ đọng trong dân là chưa có. “Trước hết, chúng tôi cũng tuyên truyền để người dân hiểu và chia sẻ với nhà máy trong giai đoạn khó khăn, giá sản phẩm đầu ra thấp và khó tiêu thụ, bên cạnh đó, đề nghị nhà máy nghiên cứu, tính toán để có được mức giá thu mua nguyên liệu cao nhất có thể trên cơ sở giá thị trường, giúp người dân yên tâm với cây dứa.

Từ 20/6- 20/7 là thời gian chính vụ, sản lượng toàn vùng dự kiến lên đến khoảng 2.000 tấn, huyện đã thống nhất với nhà máy, hoạt động hết công suất để thu mua cho dân, mục tiêu là không để dứa ứ đọng. Về lâu dài, để vùng nguyên liệu phát triển ổn định, nhà máy cần có kế hoạch sản xuất cụ thể để từ đó địa phương có hướng chỉ đạo phát triển sản xuất phù hợp.


Nhiều năm qua, cây dứa đã trở thành loại cây hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Yên Thành, Quỳnh Lưu. Tuy nhiên, mối liên kết giữa nhà máy và nông dân ngày càng lỏng lẻo, do chưa vượt qua được quyền lợi từ thị trường tự do mang lại. Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng chưa có biện pháp quản lý hiệu quả. Để vùng nguyên liệu dứa phát triển ổn định, tỉnh cần có cơ chế quản lý hiệu quả hơn, tránh tình trạng tiêu thụ cũng như trồng dứa theo kiểu tự phát, không ổn định như hiện nay.


Phú Hương