Khẩn trương hoàn thiện kè chống sạt lở ở Nam Cường (Nam Đàn)

13/06/2012 16:44

(Baonghean) - Sông Lam, đoạn qua xã Nam Cường huyện Nam Đàn đổi dòng gây xói lở hàng chục ha đất sản xuất của bà con. Người dân ở đây cho biết lòng sông hiện nay cách đây hàng chục năm là một làng đông đúc trù phú. Đất lở, làng phải di dời vào trong đê. Cách đây dăm năm, ngành đường sắt cũng đã xây dựng hệ thống kè chống sạt lở bằng hệ thống cọc bê tông, nhưng vẫn không ngăn được đất lở.


Theo ông Đinh Xuân Quế, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, tốc độ lở đất ngày càng tăng, suốt một quãng bờ sông dài 2 km, cứ qua một mùa lũ đất sông lại tiến sâu vào đất liền vài chục mét. Trước nguy cơ đe dọa đến đường sắt Bắc - Nam (sông cách đoạn gần nhất chỉ dăm chục mét) và hàng ngàn dân của xã Nam Cường không có đất sản xuất, năm 2008 huyện khởi động dự án “kè chống sạt lở bờ sông Lam qua xã Nam Cường”, với tổng mức đầu tư gần 24 tỷ đồng, (nay trượt giá phát sinh đã gần 30 tỷ).



Thi công kè chống sạt lở ở Nam Cường (Nam Đàn).

Năm 2011 được bố trí 5 tỷ, 2012 bố trí 2 tỷ đồng từ nguồn chống sạt lở của Chính phủ, cộng với 1 tỷ từ nguồn vượt thu của tỉnh. Với nguồn vốn chưa được 1/3 , huyện Nam Đàn vẫn quyết tâm thi công công trình, vì để chậm ngày nào mất đất thêm ngày đó.

Theo cách nói vui của ông Quế, đây là Nam Đàn “xé rào”. Theo Nghị quyết 11 thì công trình đang thi công có vốn đến đâu thi công đến đó. Làm kè trên sông thì không thể áp dụng điều đó được phải thi công dứt điểm trước mùa mưa lũ, nếu dang dở thì năm sau phải làm lại từ đầu.

Hiện nay, qua 4 tháng khởi công, công trình đã cơ bản hoàn thành, các đơn vị thi công đang phấn đấu bàn giao công trình trước mùa mưa lũ. Trong tiết tiểu mãn, chúng tôi ghé thăm công trình, ông Thái Doãn Bốn - Đội trưởng phụ trách thi công của Công ty Việt Lào, cho biết: Tổng chiều dài toàn tuyến là 1,83 km, được chia làm 5 gói thầu, Công ty Việt Lào đảm nhận 1 gói. Ngày16/3 mới khởi công, đến nay 2/3 khối lượng công việc đã hoàn thành. Để ngăn dòng chảy xói lở bờ, nhà thầuphải tạo nên một “bức tường” ngăn không cho nước tiếp xúc với đất bờ. Bức tường ở đây được thiết kế: Từ đáy sông lên đến mái bạt lòng sông được phủ một lớp rọ đá. Tiếp đến là đường chân cỡ 2m bằng bê tông, giữ ổn định phần rọ đá, đồng thời làm điểm tựa cho chân mái kè. Mái kè được thiết kế bằng khung bê tông, chia thành các ô độc lập, dưới đáy các ô phủ một lớp bạt địa mềm để giữ đất cát không cho chảy qua. Phía trên ghép đá hộc, mặt kè rộng 2m đổ bê tông. Với thiết kế này từ đáy sông lên đến mặt kè là một khối liên hoàn ngăn không cho dòng nước xói vào bờ đất. Cũng theo ông Bốn cách làm này đã thấy hiệu quả, những đoạn thi công trước đây 2 tháng đã thấy bùn lắng đọng. Theo tính toán khoảng 2 năm sau lớp lắng đọng này sẽ thành bờ cứng.


Tuy vậy, trao đổi với ông Bốn cũng như ông Quế, cả 2 ông đều có một nỗi lo chung đó là tình trạng khai thác cát bừa bãi trên sông Lam là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sông đổi dòng, làm biến dạng đáy sông. Một mai, khi công trình hoàn thành, việc khai thác cát bừa bãi, không quy hoạch như hiện nay thì không có gì đảm bảo cho gần 2 km thảm rọ đá trải dưới đáy sông. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc thăm dò, quy hoạch cấp phép vùng khai thác cát trên sông Lam, có như thế mới bảo vệ công trình một cách bền vững.


Công Sáng