Đừng để con tìm mẹ

15/06/2012 18:44

1. “Làm mẹ” của cháu mình

Đứa trẻ 3 tuổi gọi ông bà ngoại là bố và mẹ bởi nó chưa đủ lớn để hiểu về mẹ ruột của mình và sự có mặt của nó trên đời. Nhưng bà Hoan thì hiểu rõ và mỗi lần thấy cháu là một lần bà thấy ân hận về sự vô tâm của mình. Là một người phụ nữ thuần nông, sớm tối bà lo toan ruộng đồng để nuôi gia đình mà quên mất đứa con gái đầu đã bước vào tuổi yêu.



Một lần, con bé kêu đau bụng, bà đưa đi khám và ngã ngửa khi bác sỹ kết luận “Chuyển bệnh viện chuẩn bị sinh con". Đến lúc này con bé mới nói thật rằng trong một lần làm đồng lúc trời chập choạng tối có anh thợ bắt lươn đã rủ nó "làm trò người lớn" và nó đã đồng ý. Con gái bà mới 14 tuổi, bà chưa một lần tâm sự để biết con đã biết yêu. Bà chỉ biết làm lụng để lo cho nó đủ cái ăn, cái mặc. 9 tháng 10 ngày nó mang thai bà cũng không hề biết bởi nó vẫn đi học bình thường như bao đứa trẻ khác và không có biểu hiện lạ để bà lưu tâm. Đứa bé sinh ra không được sự chào đón của gia đình, bố nó cũng không hề biết sự có mặt của nó trên đời. Chuyện nhà bà trở thành đề tài bàn tán của làng trên, xóm dưới. Xấu hổ, tủi nhục bà không sợ nhưng bà hối hận vì sự vô tâm của người mẹ đã phá đi tương lai của con gái mình. Ở tuổi 14 nó đành bỏ dở việc học để tập làm mẹ. Khi đứa trẻ hơn 1 tuổi, bà cho con bé đi xa làm ăn những mong nó có cơ hội tìm được hạnh phúc và nguôi ngoai đi "nỗi đau" đầu đời.

2. "Con tôi chỉ bị lôi kéo"

Đó là câu duy nhất người mẹ ấy biện minh cho đứa con của mình mới 16 tuổi đã lần thứ 5 phạm tội "trộm cắp tài sản". Thằng bé sau một hồi được hỏi nguyên nhân phạm tội đã oà khóc: "Từ ngày bố mẹ ly dị không ai quan tâm con, con ở với mẹ nhưng từ ngày mẹ có bồ, mẹ thường xuyên vắng nhà nên con theo bạn bè “nổi loạn" để tìm niềm vui". Nói rồi thằng bé lại khóc, hướng mắt về người mẹ đang đứng ở góc phòng. Người phụ nữ đó là Minh- từng là cán bộ ngân hàng nhưng bị kỷ luật thôi việc vì có lối sống buông thả. Từ ngày bỏ chồng, Minh theo hết người đàn ông này đến người đàn ông khác chỉ vì mục đích trả thù đời. Mặc cho đứa con trai bước vào tuổi mới lớn cần bàn tay bao bọc của người mẹ, Minh sẵn sàng đi hàng tháng không về với những người đàn ông của mình. Con trai cô, từ một học sinh ngoan học giỏi, sau cú sốc gia đình trở nên trầm tính và lỳ lợm. Cậu bỏ học theo đám bạn xấu thực hiện các phi vụ trộm cắp để kiếm tiền chơi game. Và việc đứng trước vành móng ngựa hôm nay là điều tất yếu. Phiên toà kết thúc với bản án 18 tháng tù cho đứa trẻ. Còn người mẹ cúi gục người lau những giọt nước mắt hối hận muộn màng.

3. Giận chồng- " chém con"

Đứng trước vành móng ngựa, người mẹ ấy không nói được gì bởi tội ác thị gây ra không có lý do nào biện minh nổi. Có chồng và 3 đứa con gái xinh đẹp. Hạnh phúc giản dị tưởng như bền vững bỗng chốc tiêu tan vì chồng chị có bồ. Sau những ngày tháng rình mò vất vả, chị bắt được quả tang chồng mình với gái trẻ trong tình cảnh trai trên gái dưới. Chị chửi chồng những câu cay nghiệt, chồng chị không chịu nổi đã lỡ đánh chị bằng một cái tát. Chị uất hận và tìm cách trả thù chồng. Sự ghen tuông mù quáng đã biến chị thành một người vợ ghê gớm và người mẹ tàn nhẫn đến độc ác khi tự tay chị bỏ thuốc độc vào bát canh của 3 đứa con để … “trả thù chồng”. May mắn cho chị là chồng về kịp để cứu sống 3 đứa trẻ vô tội. Chị vào tù, chồng lấy vợ mới. Kết cục đau buồn mà chị chưa kịp nghĩ khi hành động ngông cuồng. Những tháng ngày dài trong trại giam là cơ hội để người đàn bà tội lỗi tự vấn lương tâm mình, lương tâm của một người mẹ đang tâm làm hại những đứa con do mình rứt ruột đẻ ra.

Thay lời kết:

Những câu chuyện trên đây chỉ là ba trong số rất nhiều những kết cục đau lòng mà người làm mẹ và những đứa trẻ phải gánh chịu chỉ vì sự vô tâm của chính người sinh thành ra chúng. Hi vọng rằng đó cũng là lời cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh hãy quan tâm và sống có trách nhiệm hơn với chính những đứa con của mình.


Dương Thị Hiền