Nợ xấu BĐS cao hơn 8 lần báo cáo của các ngân hàng

01/07/2012 16:18

Theo một báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), dư nợ BĐS thực tế là 348 nghìn tỷ, cao hơn 1,8 lần con số các ngân hàng báo cáo. Nợ xấu cũng tăng lên 56.770 tỷ đồng cao hơn 8,39 lần.

TPHCM dẫn đầu về tín dụng BĐS: 82,3 nghìn tỷ đồng (45%)

Năm 2011, tín dụng BĐS giảm ở tất cả các địa phương, so với 30/6/2011 tổng dư nợ giảm 21,4%. TP HCM dẫn đầu cả nước về tỷ lệ tín dụng BĐS (44,94%), tương đương khoảng 82,3 nghìn tỷ đồng. Hà Nội xếp ở vị trí thứ hai, chiếm 25%, giá trị cho vay khoảng 44,2 nghìn tỷ.



Dư nợ BĐS tính theo địa giới. Nguồn: UBGSTCQG

Dư nợ cho vay BĐS ngắn hạn chiếm tỷ trọng 16,34%, vay trung và dài hạn chiếm 83,66%.

Nhóm NHTM CP có tỷ lệ dư nợ BĐS cao nhất, chiếm 62,77%, giảm so với mức 63,27% tại thời điểm 30/6/2011. Nhóm NHTM NN cũng giảm từ mức 30,52% xuống còn 29,46%. Nhóm NH liên doanh, NH nước ngoài và Cty TC có tỷ trọng cho nợ cho vay BĐS tăng nhẹ so với 30/6/2011.

Báo cáo của UBGSTCQG nhận định thị trường BĐS đang gặp khó khăn (cung tăng nhanh, cầu giảm mạnh, giao dịch trầm lắng, giá cả sụt giảm) đã làm giảm chất lượng tài sản có và có thể gây ra rủi ro cho các NHTM.

Mất cân đối cung – cầu vốn tín dụng cho BĐS

Trong bối cảnh thị trường BĐS trầm lắng thì tăng trưởng tín dụng năm 2011 lại tập trung ở các phân khúc tạo cung cho thị trường (xây dựng khu đô thị; xây dựng văn phòng cho thuê; xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán).

Tuy nhiên, tín dụng BĐS tạo cầu cho thị trường lại giảm. Điều này càng làm cho cung và cầu vốn mất cân đối và thị trường BĐS thêm khó khăn. Kênh vay vốn ngân hàng bị kẹt đã có tác động tiêu cực đến việc huy động vốn từ các nguồn khác như FDI, doanh nghiệp và người dân vào thị trường.

Cho vay sửa chữa, mua nhà để ở chiếm 25% tổng dư nợ BĐS.

Tính đến 31/12/2011, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nhà để ở tiếp tục là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu cho vay BĐS của các TCTD. Đây là lĩnh vực ít rủi ro bởi các tác động của chính sách vĩ mô.

Tuy nhiên, dư nợ cho vay trong lĩnh vực kinh doanh văn phòng cho thuê, khu đô thị vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ, thậm chí dư nợ cho vay sửa chữa, mua nhà bán còn tăng 8,9% so với 30/6/2011.

Trong khi đó, tín dụng cho xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp lại giảm mạnh, bằng 48,9% so với 30/6/2011.

Dư nợ tín dụng BĐS theo nhu cầu vay vốn - 31/12/2011 (tỷ đồng)

Dư nợ BĐS điều chỉnh cao hơn 1,8 lần: 348 nghìn tỷ, nợ xấu BĐS là 56 nghìn tỷ cao hơn 8,4 lần con số báo cáo.

Theo báo cáo của UBGSTCQG trong khoảng thời gian từ giữa năm 2010 đến hết năm 2011 (cùng với thời gian chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng trưởng tín dụng bị khống chế), hầu hết các TCTD đều tăng mạnh các khoản mục tài sản khác mang bản chất tín dụng. Do đó, dư nợ tín dụng cần được điều chỉnh tiệm cận với thực tiễn. Dư nợ điều chỉnh tăng từ 2.484.780 tỷ đồng lên 2.794.247 tỷ đồng, tương đương 12,45% so với dư nợ báo cáo.

Tương tự, dư nợ BĐS và nợ xấu cũng cần được điều chỉnh, theo đó một phần số dư các khoản TPDN, ủy thác đầu tư, các khoản phải thu khác bên ngoài, các tài sản có khác được tính bổ sung vào dư nợ BĐS. Sau điều chỉnh, dư nợ BĐS đạt 348.079 tỷ đồng, gấp khoảng 1,8 lần dự nợ BĐS báo cáo.

Nợ xấu BĐS được đánh giá lại đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở TCTD đó có cho vay tập trung phát triển dự án BĐS hoặc cho vay kinh doanh đầu cơ BĐS, có góp vốn vào các công ty liên doanh liên kết hoặc cổ đông hoạt động trong lĩnh vực BĐS, hay tập trung cho vay bán lẻ BĐS. Nợ xấu BĐS sau điều chỉnh lên tới 56.770 tỷ đồng, gấp 8,39 lần so với nợ xấu BĐS báo cáo.


Theo Nguoiduatin - NT