Xây dựng không gian và hình thức diễn xướng - khó khăn của các CLB dân ca
(Baonghean) - Từ ngày 23 đến 25/6/2012, tại TP. Vinh sẽ diễn ra Liên hoan Dân ca ví, dặm xứ Nghệ lần thứ nhất. Đây là dịp để các câu lạc bộ trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tôn vinh Dân ca ví, dặm xứ Nghệ. Tuy nhiên, khó khăn nhất đang đặt ra về lâu dài đối với các CLB làm thế nào để xây dựng được một không gian, môi trường diễn xướng phù hợp?
Lâu nay, các câu lạc bộ Dân ca ở Nghệ An hoạt động chủ yếu là tự phát do những người yêu thích câu hò, điệu ví Dân ca xứ Nghệ sáng lập nên. Các CLB Dân ca ra đời đã góp phần tích cực vào nâng cao đời sống văn hóa, bảo tồn dân ca ví, dặm mà cha ông để lại.
Bản chất sinh hoạt dân ca là gắn bó với loại hình diễn xướng, không gian diễn xướng, trang phục, đạo cụ bình dị của quần chúng nhân dân. Trong Liên hoan Dân ca ví, dặm xứ Nghệ lần thứ nhất diễn ra trong tháng 6 tới đây, mỗi chương trình tham dự đòi hỏi phải đảm bảo cho được 70% yếu tố nguyên gốc ở các môi trường, không gian, hình thức diễn xướng kể cả trang phục, đạo cụ, nhạc cụ. Để xây dựng được chương trình đảm bảo các yếu tố đó đòi hỏi các CLB phải tìm hiểu, nghiên cứu để có chương trình tham dự phù hợp với đặc trưng vùng miền. Thế nhưng, khó khăn nhất với các CLB lúc này đó là xây dựng môi trường, không gian diễn xướng của dân ca cổ.
Không gian diễn xướng dân ca đã được các CLB đầu tư nhưng chưa hợp lý.
Ông Trương Hoài
Các làn điệu dân ca bắt nguồn từ cuộc sống lao động của nhân dân. Để phục hồi lại không gian diễn xướng như thế không phải CLB nào cũng có điều kiện làm được. Và đặt Dân ca xứ Nghệ trong không gian diễn xướng cổ khi mà không gian gốc không còn cũng là khó khăn hiện nay của các CLB.
Chị Võ Thị Vân - Chủ nhiệm CLB Dân ca xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương khẳng định: Khó khăn nhất của CLB lúc này là xây dựng không gian diễn xướng, mua sắm đạo cụ và bồi dưỡng hạt nhân dân ca. Các hạt nhân, nghệ nhân ở các lứa tuổi rất ít đòi hỏi các CLB dân ca ở cơ sở phải công phu trong tìm hiểu từ các nghệ nhân cao tuổi, sưu tầm các đạo cụ của dân ca cổ để diễn xuất đúng với bản sắc vùng miền.
Ông Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở VHTT và DL Nghệ An cho biết: Sự tồn tại, phát triển lên tầm cao mới của ví đò đưa, ví phường cấy, ví trèo non, ví phường chè, ví đồng ruộng, ví phường vải trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xứ Nghệ hôm nay là minh chứng sinh động cho sức sống trường tồn của dân ca vốn ra đời từ trong lòng nhân dân. Vì vậy, kết cấu một chương trình Liên hoan Dân ca ví, dặm xứ Nghệ lần thứ nhất được tổ chức là hợp lý.
Vấn đề đặt ra ở đây đó là các CLB lựa chọn và xây dựng nội dung như thế nào cho phù hợp với bản sắc không gian vùng miền để trong liên hoan khẳng định được tính đặc sắc, quảng bá với bạn bè trong và ngoài nước di sản văn hóa phi vật thể dân ca ví dặm xứ Nghệ. Từ đây, tạo tiền đề vững chắc có tính thuyết phục cao về khoa học, minh chứng giá trị truyền đời Dân ca xứ Nghệ để trình UNESCO công nhận dân ca ví, dặm là Di sản Văn hóa của nhân loại.
Thanh Thủy