Huy động vốn vẫn ổn định

29/05/2012 17:06

(Baonghean.vn) - Chỉ trong vòng thời gian ngắn, NHNN liên tục điều chỉnh lãi suất huy động theo chiều hướng giảm.Từ 14%/năm của tháng 3, xuống còn 13%/năm (13/3), 12%/năm (11/4) và mới đây, trên cơ sở thực tiễn diễn biến của kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, NHNN đã ban hành văn bản điều chỉnh lãi suất điều hành có hiệu lực từ ngày 28/05/2012.

Cụ thể, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 13%/năm xuống 12%/năm, lãi suất cho vay thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 14%/năm xuống 13%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 11%/năm xuống 10%/năm.



Lãi suất giảm nhưng huy động vẫn ổn định.

Giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng từ 4%/năm xuống 3%/năm, và với kỳ hạn trên 1 tháng từ 12%/năm xuống 11%/năm; riêng quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng trở lên giảm từ 12,5%/năm xuống còn 11,5%/năm.

Lãi suất cho vay với những lĩnh vực khuyến khích như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ từ mức 15%/năm như hiện nay giảm xuống còn 14%/năm.

Ngay sau khi quyết định có hiệu lực thi hành, sáng ngày 28/5, đồng loạt các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc chấp hành. Tại Ngân hàng Đầu tư, một cán bộ tín dụng chia sẻ, lãi suất huy động giảm, đến nhân viên ngân hàng như chúng tôi cũng bất ngờ. Từ lãi suất 12%, ban hành chưa lâu, lại nhận được chỉ thị giảm xuống còn 11%. Mặc dù lãi suất giảm mạnh nhưng theo quan sát, lượng khách hàng cũng như vốn huy động cơ bản vẫn ổn định.

Ông Cao Văn Hợi – Phó GĐ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho hay: Trong những tháng qua, tốc độ huy động ổn định, huy động vốn trên địa bàn Nghệ An vẫn đạt mức cao so với cả nước vì có một thực tế là dù lãi suất giảm nhưng dân không biết đầu tư vào đâu trong khi thị trường vàng, bất động sản, chứng khoán đều tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, trong tháng 5/2012, tình hình huy động vốn ổn định, việc gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng vẫn được người dân lựa chọn nên tiền gửi tiết kiệm vẫn tiếp tục tăng.

Cụ thể, đến 31/5, nguồn vốn huy động tại địa bàn ước đạt 37.279 tỷ đồng, so với đầu tháng tăng 1.132 tỷ đồng, bằng 3,1%, so với đầu năm tăng 4.267 tỷ đồng, bằng 12,9%. Trong số này, nguồn vốn huy động chủ yếu bằng nội tệ (ước đạt 33.440 tỷ đồng, chiếm 90%).

Ông Hợi cho biết thêm, diễn biến của lạm phát trong 5 tháng đầu năm đang theo chiều hướng tích cực (dưới 10%). Theo dự báo, trong năm nay lạm phát sẽ duy trì ở mức 1 con số; thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo và dư thừa, thị trường tiền tệ ổn định, vì thế, lãi suất sẽ tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, do sức mua của thị trường giảm, hàng tồn kho cao, khả năng hấp thụ vốn tín dụng của ngân hàng để tái tạo và mở rộng sản xuất – kinh doanh hạn chế, lãi suất cho vay đã giảm nhưng sức giảm chậm do chi phí huy động vốn cao và nguy cơ rủi ro tín dụng tăng.

Được biết, cho vay toàn quốc đang ở con số “âm”. Trên địa bàn tỉnh, dư nợ một số ngân hàng cũng đang có biểu hiện giảm. Tại Ngân hàng VIB chi nhánh Vinh, dư nợ tháng 5/2012 giảm 50 tỷ đồng. “Nhiều ý kiến cho rằng chính sách ngân hàng quá chặt, tuy nhiên, cần phải thấy thực tế là chính sách không điều chỉnh chặt hơn thậm chí còn tháo gỡ cho DN nhưng khó của doanh nghiệp và cũng là cái khó của ngân hàng bởi doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện vay.” Anh Ngô Xuân Bình ­ - GĐ Trung tâm giao dịch khách hàng doanh nghiệp (Ngân hàng Quốc tế VIB Vinh) cho hay.

Là doanh nghiệp kinh doanh đồng vốn, ngân hàng cũng muốn đầu tư, vốn tại một số ngân hàng đang có biểu hiện đọng lại. Song có một thực tế là ngân hàng cũng không dám cho vay và không ít doanh nghiệp không dám vay.

(Còn nữa)


Thu Huyền