Hàng giá rẻ chiếm vỉa hè

30/07/2012 16:46

(Baonghean.vn) - Gần đây, sinh viên và người thu nhập thấp thích đi mua hàng sale off (hàng đại hạ giá). Những mặt hàng này là hàng nhái, hàng tồn kho, lỗi mốt, cũng có khi là hàng đã qua sử dụng, trong đó phổ biến nhất là áo quần, giày dép. Chúng tôi dạo quanh các phố TP Vinh có điểm bán loại hàng này, phần lớn là tự phát, tạm bợ trên vỉa hè, góc phố, đầu cầu...

Buổi chiều, khi trời vừa dịu nắng, những tấm bạt trải vội hay những chiếc xe đẩy cơ động có dàn móc treo... với đầy đủ các sản phẩm, từ dày giép, quần áo, ví da, đến kính mắt, túi sách. Chỉ cần một tấm bạt, dăm ba chiếc bao tải và vài mét vuông vỉa hè là có ngay một “sạp hàng”, không thuế, không thuê mặt bằng; Với người mua thì giá rẻ "bất ngờ" và thoải mái lựa chọn. Áo mùa hè có giá từ 40.000 - 80.000 đồng/ chiếc, áo khoác nam, nữ giá dao động từ 60.000 - 100.000 đồng/chiếc, giày da, giày thể thao có giá 70.000 -110.000đồng/đôi, kính mắt, ví da 15.000 - 30.000đồng/cái...

Một điểm bán hàng ở vỉa hè

Bạn Nguyễn Thị Vân (SV trường Đại học Y Nghệ An) vui vẻ bày tỏ: “Sinh viên bọn em không có tiền mua trong shop, ra đây hàng hoá rẻ hơn nhiều mà mẫu mã cũng đa dạng để lựa chọn. Nhưng tiền nào của nấy, mình chấp nhận mua rẻ thì dùng thời gian rồi bỏ thôi. Khi mua phải lựa chọn cẩn thận vì nhiều cái nhìn có vẻ mới nhưng thật ra là hàng đã sử dụng; người bán chỉ giặt tẩy, là lại cho bắt mắt, đến lúc mua rồi mới biết bị nhầm, mua hàng ở đây miễn trả lại ”.

Hầu hết khi khách hàng thắc mắc về nguồn gốc của hàng hoá, đều nhận được câu trả lời: hàng công ty thanh lý, hàng mẫu mã chưa chuẩn không xuất khẩu được nên mới có giá như vậy. Tại một xe đẩy di động bán quần áo nam, nữ trên vỉa hè đường Lê Duẩn, chúng tôi “bắt” được một số lỗi của sản phẩm đang được mời chào là “hàng cao cấp thanh lý” như ống quần mỗi bên một màu chỉ, khoá kéo, túi áo may bị lệch... Chị bán hàng cười lấp liếm: “Sản phẩm ít nhiều cũng phải có lỗi thì công ty mới thanh lý với giá này chứ!, những cái lỗi này thì có ảnh hưởng gì, miễn hàng tốt là được”.

Thông thường, ở mỗi điểm bán hàng đều có một người canh chừng, nhác thấy bóng dáng cảnh sát trật tự từ xa họ lập tức báo cho nhau gom hàng ôm chạy, khi lực lượng chức năng đi qua, mọi việc đâu lại vào đấy. Hiện nay, nhiều đoạn đường trong thành phố xuất hiện khá nhiều các sạp hàng "di động" như trên đường Lê Duẩn, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Sỹ Sách... hàng bày bán la liệt, chiếm hết vỉa hè, khách mua thường dừng xe dưới lòng đường, tụm năm tụm ba gây cản trở giao thông. Người bán đa số là dân ngụ cư, dân từ những miền quê nghèo khó tìm đến thành phố kiếm sống. Với số vốn bỏ ra không nhiều, chỉ khoảng từ 3 - 5 triệu đồng là có “sạp hàng” khá phong phú, trung bình mỗi ngày có thể thu lãi từ 100.000 - 150.000 đồng, gặp hôm đắt khách có thể cao hơn.

Tuy nhiên, việc lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán đã gây ra nhiều hệ luỵ về an toàn giao thông, môi trường và mỹ quan đô thị. Mong các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý, hạn chế những hệ lụy xấu và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nghèo thiếu việc làm có cơ hội kiếm sống.


Ngọc Anh