Ngày 18-5, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Di sản văn hóa biển Việt Nam”. Đây là dịp để chúng ta giới thiệu, quảng bá tới công chúng trong và ngoài nước về biển đảo Việt Nam trong lịch sử giao thương hàng hải quốc tế. Đồng thời, những tài liệu, hình ảnh, hiện vật giới thiệu trong chuyên đề cũng là những thông điệp khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Chân đèn hình người - văn hóa Đông Sơn
(thế kỷ 7 TCN - thế kỷ 2 SCN)
Triển lãm tập trung trưng bày vào 3 giai đoạn: Di sản văn hóa biển Việt Nam từ tiền sử đến thế kỷ X; Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII; Từ thế kỷ XIX đến hiện đại. Khách tham quan có cơ hội chiêm ngưỡng rất nhiều hiện vật độc đáo như những hiện vật khảo cổ học các di chỉ Hạ Long, Quỳnh Văn, Xóm Ốc (đảo Lý Sơn), phản ánh sự giao lưu, giao thoa văn hóa giữa các nhóm cư dân lục địa và hải đảo. Những tài liệu quý như: Bản đồ Con đường gia vị thời cổ đại, bản đồ Đông Nam Á; bản ảnh: Tượng Thiền sư Khâu Đà La (Chùa Tổ, Bắc Ninh), Thạch Sàng - dấu tích của Thiền sư Khâu Đà La (Chùa Nành, Gia Lâm), tượng cừu Chùa Dâu và đền Sĩ Nhiếp (Bắc Ninh); Bản đồ khảo cổ học Vân Đồn; Bản trích Đại Việt sử kí toàn thư về việc lập thương cảng Vân Đồn; Bản đồ Đông Nam Á (bao gồm Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa) của Blaeu, 1635; Bản in sao tranh vẽ thương cảng Kẻ Chợ (Smuel Blaron, 1683)... Đặc biệt, ở nội dung Di sản văn hóa biển Việt Nam từ thế kỷ XIX đến hiện đại trưng bày những tài liệu khoa học quan trọng như bản in sao Đại Nam nhất thống toàn đồ triều Minh Mệnh, bản in sao An Nam đại quốc họa đồ của Đức giám mục Jean - Louis Taberd, bản in sao Châu bản triều Nguyễn niên hiệu Minh Mạng 19 (1838) về việc đo đạc, cắm mốc và vẽ bản đồ Hoàng Sa; bản số hóa Châu bản triều Nguyễn niên hiệu Bảo Đại 13 (1939) về Hoàng Sa; bản in trang nội dung trong Đại Nam thực lục về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và ngoại thương hàng hải thời Nguyễn... Bên cạnh đó là những hình ảnh, tài liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam từ 1945 - 1975; đặc biệt là những tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến công tác biên giới, lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam...
Dấu in hoa văn (Hậu Lộc, Thanh Hóa)
Theo TS. Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Biển, đảo là bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta. Từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà giành lại được nền độc lập, tự chủ cho đến nay, công tác chủ quyền biển đảo của Việt Nam luôn được các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt.
Theo Daidoanket-M