Xử lý dịch bệnh khi nuôi tôm thương phẩm
(Baonghean) Thời gian qua, do thời tiết thay đổi bất thường, dịch bệnh tôm diễn biến khá phức tạp, tôm chết chưa rõ nguyên nhân vẫn tiếp tục diễn ra ở các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh ta, để giảm thiểu dịch bệnh trên tôm và hạn chế rủi ro cho người nuôi, vừa qua Sở NN và PTNT đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thành, thị, các cơ quan chuyên môn chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống và các vùng nuôi tôm trên địa bàn triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách sau:
Đối với các cơ sở kinh doanh tôm giống: Yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định về sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản được quy định tại Chỉ thị 01/2012/CT- UBND ngày 15/01/2012 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống và vùng nuôi mặn lợ trên địa bàn tỉnh. Đối với tôm giống nhập từ ngoại tỉnh vào phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giống nhập về phải được gieo trong bể từ 2 ngày trở lên, sau đó lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu virus đốm trắng, taura, MBV, kiểm tra phát sáng đạt yêu cầu mới được xuất bán.
Các đơn vị, cơ sở nuôi tôm thương phẩm: Những diện tích chưa thả tôm giống cần cải tạo ao, đầm đúng quy trình kỹ thuật, xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi tôm bằng chlorin nồng độ 30ppm (tức 30g/m3 nước). Cùng với đó, phải thường xuyên theo dõi thông báo kết quả quan trắc môi trường định kỳ tại các vùng Nuôi tôm của Chi cục nuôi trồng thuỷ sản để có biện pháp lấy và xử lý nước đảm bảo; theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn, khi thấy ổn định mới thả giống, nên thả giống mật độ thưa hơn chính vụ ( 50-60 con/m2 đối với tôm thẻ chân trắng, 10-15 con/m2 đối với tôm sú).
Các hộ nuôi tôm cần bổ sung Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm. Ảnh: Quỳnh Lan.
Đối với những diện tích đã thả tôm giống: Hiện nay thời tiết thay đổi bất thường làm biến động lớn môi trường trong ao nuôi tôm khiến tôm bị sốc, đặc biệt là sốc nhiệt độ và pH gây hiện tượng tôm bị cong thân, bơi lượn nhiều, giảm ăn.... Các hộ nuôi phải thường xuyên kiểm tra môi trường nước trong ao, sử dụng một số chế phẩm sinh học, bột đá làm ổn định môi trường, bổ sung Vitainm C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi. Thường xuyên theo dõi thông báo kết quả quan trắc môi trường của Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản và tình hình dịch bệnh tôm của các vùng lân cận, rải vôi bột xung quanh bờ ao ngăn chặn các vật chủ trung gian từ bên ngoài vào ao nuôi. Thực hiện các biện pháp ổn định nhiệt độ như: Nâng cao, duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1,2-1,4m, hạn chế thay nước; đồng thời thường xuyên báo cáo tình hình, diễn biến sản xuất cho các cơ quan chức năng để phối hợp chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Khi tôm trong ao nuôi có hiện tượng bất bình thường hoặc nghi tôm bị bệnh phải báo ngay với cán bộ thú y xã, UBND xã, HTX, tổ cộng đồng lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời có phương án xử lý, Sau khi có kết quả kiểm tra tôm bị nhiễm bệnh cần tiến hành xử lý: Nếu tôm đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch để tránh thiệt hại, chỉ được sử dụng làm thực phẩm và chế biến làm chín theo hướng dẫn của cơ quan ATVSTP, phương tiện chuyên dùng vận chuyển phải kín, không gây rò rỉ nước hoặc rơi vãi ra ngoài môi trường trong quá trình vận chuyển và phải được khử trùng trước và sau khi ra khỏi vùng nuôi tôm bệnh. Sau khi thu hoạch chủ cơ sở phải xử lý diện tích nuôi tôm bị bệnh bằng hoá chất được phép sử dụng. Việc khử trùng tiêu độc phải được thực hiện theo đúng hướng dẫn với sự giám sát của cán bộ điạ phương và cơ quan chuyên môn.
Nếu tôm chưa đạt kích cỡ thương phẩm thì các hộ nuôi tôm phải xử lý diện tích nuôi tôm bị bệnh bằng hoá chất được phép sử dụng. Đóng cống cấp, thoát nước chặt chẽ không để nước trong ao rò rỉ ra môi trường bên ngoài, rải vôi xung quanh bờ ao ngăn chặn các vật chủ trung gian đưa tôm bị bệnh ra môi trường bên ngoài, ao nuôi tôm bằng chlorin nồng độ 25-30 ppm (tức 25-30g/m3), thời gian xử lý sau 7-10 ngày mới được xả nước ra ngoài. Không mang ra khỏi vùng có bệnh các loại thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi, chất thải động vật thuỷ sản có khả năng lây lan dịch bệnh đã phát hiện.
Khi ao nuôi tôm có tôm bị chết phải xử lý, tiêu huỷ như sau: Đối với những ao, đầm nuôi tôm có điều kiện đưa nước ngọt vào ngâm nhằm làm thay đổi môi trường trong ao nuôi, hạn chế được dịch bệnh, thời gian xử lý 15-20 ngày. Đối với những cơ sở, hộ nuôi tôm có kế hoạch nuôi tôm tiếp cần thực hiện xử lý ao đầm nuôi tôm đúng quy trình kỹ thuật, thời gian cải tạo lại không ít hơn 30 ngày mới được thả nuôi tiếp, theo dõi diễn biến dịch bệnh các vùng nuôi lân cận, chọn tôm giống chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, trước khi thả nuôi phải được kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, mật độ thả giống nên từ 50-60 con/m2 đối với tôm thẻ chân trắng, từ 10-15 con/m2 đối với tôm sú.
Đối với những cơ sở, hộ nuôi tôm không đủ điều kiện kỹ thuật, kinh tế để tiếp tục nuôi tôm thì có thể thả một số đối tượng khác như cá rô phi đơn tính, cá vược... nhằm cải tạo môi trường, hạn chế được dịch bệnh trên tôm vụ nuôi tiếp theo.
Trần Trung Thành