"Thơ bây giờ không phải ở trên cao"

28/05/2012 16:50

(Baonghean) - Trong 38 nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học trên toàn quốc được nhận Giải thưởng Nhà nước đợt này (2012), riêng Nghệ An đã có 4 tác giả: Nguyễn Trọng Tạo, Cao Tiến Lê, Thái Bá Lợi, Phan Hồng Giang. Dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo để hiểu thêm về con đường sáng tạo của một nhà thơ xứ Nghệ.


- Đổi mới thơ đối với anh bắt đầu từ bao giờ? Đó là một nhu cầu tự thân hay có một động lực nào khác?



Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo


- Nguyễn Trọng Tạo : Tôi thuộc thế hệ những nhà thơ chống Mỹ. Thời đó thơ đi nhiều vào đời sống kháng chiến, với hình tượng người anh hùng. Hết chiến tranh, dòng thơ tụng ca vẫn còn tiếp diễn. Tôi bắt đầu cảm nhận được thơ tụng ca đã dần xa lạ với cuộc sống. Vì vậy, từ năm 1979 tôi đã chủ trương một lối "thơ đời thường", kéo những cái gì của đời sống về gần với thơ ca, chống lại những gì lý tưởng hoá quá khiến thành viển vông.


Thơ bây giờ không phải ở trên cao

Bay lượn màu mè như bóng thả

Để mỏi mắt em nhìn còn xa lạ

Lúc quay về mưa nắng chẳng gì che.


- Bài "Tản mạn thời tôi sống" của anh đến bây giờ vẫn được nhiều người đọc tâm đắc. Có nhà phê bình đã gọi anh là "người tiền trạm" của văn học đổi mới. Sự đổi mới trong bài thơ này, nói một cách ngắn gọn nhất, là ở khía cạnh nào?


- Nguyễn Trọng Tạo: Ở cách nhìn hiện thực và ở chất liệu trong thơ. Trước đây người ta nhìn hiện thực thiên về khía cạnh tốt. Người ta ca tụng thần tượng. Người ta lý tưởng hóa đời sống. Những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống có nhiều khó khăn và thất vọng. Bài Tản mạn thời tôi sống là một cách nhìn khác, một sự nhận thức lại đời sống hiện thực của đất nước, một cách nhìn đưa người đọc đến với sự thật và những tâm sự ngổn ngang thời bấy giờ.


- Bài thơ "Tản mạn thời tôi sống" đổi mới về cách nhìn hiện thực và chất liệu thơ, nhưng về hình thức câu thơ, kết cấu đoạn thơ thì vẫn dựa trên cái nền truyền thống. Vậy từ khi nào anh nghĩ đến việc cần phải tìm ra một hình thức mới cho thơ?


- Nguyễn Trọng Tạo: Sau 1975, ngoài sự nôn nóng thay đổi về thi pháp, chính tôi là người muốn thay đổi ngay về tư tưởng trong thơ, tất nhiên không phải theo cách áp đặt, anh muốn tư tưởng là có tư tưởng. Đổi mới hình thức thơ thì có kiểu đổi mới theo phương Tây, cũng có kiểu đổi mới theo phương Đông. Tập thơ Sóng thuỷ tinh có nghiêng về đổi mới theo kiểu phương Tây. Nhưng sau đó lại khác, tôi đã có sự "nhận thức lại": phải làm mới thơ bằng tư duy phương Đông và ngôn ngữ của chính dân tộc mình.


- Tập Đồng dao cho người lớn, cùng với Trường ca Đồng Lộc (Con đường của những vì sao) của anh được trao tặng Giải thưởng Nhà nước đợt này. Đó là 2 tập thơ tiêu biểu cho phong cách của anh?


- Nguyễn Trọng Tạo: Tôi đi từ truyền thống của thơ chống Mỹ và sau đó hòa vào dòng chảy của công cuộc đổi mới. Hai tập thơ này có thể nói, thể hiện khá rõ những nét đặc trưng trong phong cách thơ của tôi. Trường ca Đồng Lộc trữ tình, bi tráng, tiếp tục thi pháp thơ chống Mỹ, còn Đồng dao cho người lớn là kết quả của sự tìm tòi, đổi mới thơ ở cả nội dung và hình thức.


- Ngoài việc đổi mới chất liệu, đổi mới hình thức thơ, anh còn là một nhà thơ cổ vũ quá trình cách tân thơ Việt Nam. Nhiều người nói rằng, thời kỳ đầu làm thơ của họ đã được anh động viên rất nhiều.


- Nguyễn Trọng Tạo: Đổi mới là con đường sống của thơ. Đổi mới luôn khó khăn, có thành có bại, nhưng không thể không đổi mới. Thời kỳ những năm 90 của thế kỷ trước, đã xuất hiện những cây bút có cá tính như Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh... Là một người đi trước, tôi đã nhận ra khả năng mạnh mẽ của các cây bút trẻ này và cổ vũ họ. Những nhà thơ trẻ ấy nay đã trở thành những tên tuổi, đóng góp cho nền văn học nước nhà.


- Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi thú vị này.


Thiên Sơn (Thực hiện)