Thiết lập quan hệ cung – cầu, trong đó có cung – cầu về vốn

31/05/2012 18:40

Xem bài 3: Vấn đề là cơ hội, phương án kinh doanh



Cắt giảm đầu tư công, nhiều dịch vụ, doanh nghiệp ăn theo như thị trường vật liệu xây dựng sắt thép, xi măng… chịu ảnh hưởng nặng.

Khó khăn hiệu ứng dây chuyền


Đó là ý kiến của ông Nguyễn Tài Dũng – Phó GĐ Sở Công thương. Ông Dũng cho rằng hiện doanh nghiệp sống chủ yếu theo đầu tư công. Nghị quyết 11 của Chính phủ cắt giảm đầu tư công thì hàng loạt công trình “đừng” lại, nhiều dịch vụ, doanh nghiệp ăn theo như thị trường vật liệu xây dựng sắt thép, xi măng… ảm đạm. Lao động không có việc làm, doanh nghiệp khó khăn. Và theo đó, ngân hàng cho vay vốn cũng khó giải ngân.


Cần mạnh dạn xóa, giãn hoặc giảm lãi suất món vay cũ


Xung quanh vấn đề lãi suất, tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, ông Bùi Thành Chung – Tổng GĐ Công ty CP CP đầu tư HTKT Việt Lào nêu quan điểm: Các ngân hàng cần mạnh dạn xóa, giãn hoặc giảm lãi suất món vay cũ của khách hàng. Một khi đã được tiếp sức, DN mới dám tính lại bài toán chi phí để vay vốn. Và để làm được điều này, ngân hàng phải chấp nhận chịu thiệt và cần có sự hỗ trợ của nhà nước. Ngoài 4 nhóm được hưởng ưu tiên (doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu và doanh nghiệp nhỏ và vừa) cần nới rộng đối tượng bởi thực tế trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, 3 đối tượng còn lại rất ít… Có như vậy mới góp phần khơi thông nguồn tín dụng từ ngân hàng đến với những DN đang cần vốn.

Thiết lập quan hệ cung – cầu, trong đó có cung – cầu về vốn

Đồng quan điểm về vấn đề hiệu ứng dây chuyền, ông Nguyễn Duy Tuấn – Trưởng Văn phòng đại diện VCCI tại Nghệ An cho rằng doanh nghiệp hiện nay quá phụ thuộc vào đầu tư công. Trưởng Văn phòng đại diện VCCI tại Nghệ An còn nhận định: Trước khó khăn mới thấy được khả năng “đề kháng” của doanh nghiệp chúng ta chưa cao. Rất nhiều doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, yếu năng lực. Tất nhiên, không phải doanh nghiệp đều thất bại. Rủi ro, khó khăn của doanh nghiệp này lại là cơ hội của doanh nghiệp khác. Đây là thời điểm mà thị trường thiết lập quan hệ cung – cầu, trong đó có cung – cầu về vốn.

… Và cái khó của ngân hàng

Đó là chia sẻ của anh Ngô Xuân Bình ­ - GĐ Trung tâm giao dịch khách hàng doanh nghiệp (Ngân hàng Quốc tế VIB Vinh). Anh Bình cho rằng ngân hàng cũng có những khó khăn nhất định. Tại VIB Vinh, tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp (chiếm 25% tổng nguồn vốn huy động) không bị ảnh hưởng của lãi suất. Riêng huy động từ cá nhân có biến động. Ngay ngày đầu thực hiện giảm lãi suất xuống 11%/năm, giảm 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, một ngày thì không thể phản ánh hết, có thể do khoản tiền đến hạn. Dư nợ cho vay trong tháng 5 của VIB Vinh giảm 50 tỷ đồng. Doanh nghiệp không vay vì những lý do: hàng tồn kho lớn (bất động sản, vật liệu xây dựng…); tỷ suất lợi nhuận thấp so với lãi suất ngân hàng… Ngân hàng kinh doanh vốn cũng muốn cho vay nhưng không đáp ứng được điều kiện làm sao dám mạo hiểm?

Thu Huyền (Thực hiện)