Bài cuối: Cần có chính sách dài hơi

16/07/2012 16:01

> Xem Bài 1: Kỹ sư "nông dân" và chiếc máy ép gạch

Theo một báo cáo gần đây, cả nước trung bình tiêu thụ mỗi năm hơn 20 tỷ viên gạch cho các công trình xây dựng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới lượng đất sét, diện tích đất nông nghiệp cũng như các nhiên liệu phụ trợ như than, củi, điện… và đặc biệt là mối nguy hại tới môi trường. Với mức tiêu thụ này, tính ra hàng năm nước ta sẽ tiêu tốn khoảng 600 triệu m3 đất sét, tương đương với 30 nghìn ha đất canh tác.

Dự kiến tới năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 42 tỷ viên gạch mỗi năm để phục vụ nhu cầu xây dựng và như thế, lượng đất sét cũng như diện tích đất canh tác sẽ bị tiêu tốn tăng lên theo cấp số nhân. Do đó, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cần phải tiến tới sản xuất sạch, tức là chuyển từ vật liệu nung sang vật liệu không nung. Trong đó, gạch xi măng cốt liệu là sản phẩm được nhiều doanh nghiệp hướng tới. Sản phẩm này không chỉ bảo vệ được tài nguyên môi trường mà còn tận dụng được tài nguyên sẵn có, không phải phụ thuộc vào giá than.

Tuy nhiên, trong khi người dân đã quá quen thuộc với "gạch đỏ" truyền thống, gạch không nung sản xuất bằng công nghệ mới khi tiếp cận thị trường đã gặp không ít thách thức. Chủ doanh nghiệp Đức Thịnh ở Quỳnh Lưu, năm nay đã 70 tuổi, vì niềm đam mê với vật liệu xây dựng, ông Đức đã cùng với các con vay mượn hàng trăm triệu đồng đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung có công suất 15 triệu viên/năm đặt tại Quỳnh Lưu. Sản phẩm được Sở Xây dựng Nghệ An đánh giá đạt chất lượng cao, song, vì đầu ra khó khăn nên hàng tồn kho, đọng vốn. Nguyên nhân là người dân chưa hiểu, còn hoài nghi về sản phẩm mới, mặt khác, trên thị trường hiện nay còn thiếu những dây chuyền gạch không nung tự động, công nghệ cao.



Sản xuất vật liệu không nung sản xuất bằng máy Hoàn Cầu.

Trở lại câu chuyện chiếc máy sản xuất gạch không nung của doanh nghiệp Hồ Hoàn Cầu, theo đánh giá của Sở Xây dựng, dù đã mang lại nhiều ưu việt nhưng nó mới chỉ dừng lại ở bán tự động, máy nhỏ gọn, cơ động, phù hợp với công trình nhỏ lẻ trong dân. Ngoài ra, việc sản xuất mang tính tự phát, nguyên liệu sử dụng mang tính "cảm tính", các chỉ số thành phần chất liệu chưa qua kiểm định của các cơ quan kiểm tra chất lượng. Do đó, nó mới chỉ có thể thay thế lò gạch thủ công trong tương lai gần, còn một giải pháp mang tính bền vững, sản phẩm sử dụng đại trà cần dây chuyền lớn, đầu tư quy mô và chính sách dài hơi hướng tới tăng trưởng xanh.

Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An, ngoài các cơ sở sản xuất bằng máy Hoàn Cầu, thì Tổng công ty Xi măng Việt Nam đang xúc tiến đầu tư tại Hoàng Mai dây chuyền sản xuất bê tông khí chảy áp ACC công suất 400.000m3/năm, thiết bị hiện đại, nhập khẩu từ châu Âu hoặc tương đương, tổng vốn đầu tư trên 800 tỷ đồng. Dự kiến sau khi sản xuất ổn định sẽ đầu tư thêm dây chuyền 2. Tại buổi làm việc mới đây, UBND tỉnh đã thống nhất tạo điều kiện hỗ trợ chủ đầu tư giải phóng mặt bằng, hệ thống điện nước, phấn đấu năm 2014 đi vào sản xuất, cho ra sản phẩm. Ngoài ra, Tập đoàn Bắc Á cũng đang làm thủ tục đầu tư nhà máy sản xuất gạch không nung ở Nghĩa Đàn...

Ông Lê Cương Sơn – Phó phòng Quản lý VLXD (Sở Xây dựng) cho biết: Vật liệu xây dựng không nung giảm thiểu rất nhiều sự ô nhiễm môi trường, lại tận dụng được nhiều nguồn nguyên liệu rẻ tiền hiện có tại các vùng miền và tạo được nhiều loại gạch có giá thành thấp. Hiện nay Sở Xây dựng đang tích cực thực hiện chương trình phát triển VLXD không nung tới năm 2010 theo Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mục tiêu cụ thể là phải phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 20-25% vào năm 2015, 30-40% vào năm 2020. Hàng năm, sử dụng khoảng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao…) để sản xuất vật liệu xây không nung, tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Theo định hướng phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung đến năm 2020, từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) sẽ sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1000 kg/m3) trong tổng số vật liệu xây; Khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung khác có độ rỗng lớn hơn 30% và vật liệu xây không nung loại nhẹ.

Thực hiện Quyết định 567, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10, ngày 24/6/2010 về tăng cường sử dụng gạch không nung đã quy định cụ thể lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, hạn chế lò đứng, lò tuynel... Tuy vậy, mỗi chính sách đi vào cuộc sống đều có độ trễ, cần có thời gian thích ứng. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có những chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật trong quá trình sản xuất để cho ra đời những sản phẩm phù hợp với giá cả phải chăng. Giám đốc một công ty xây dựng nhà ở địa bàn Thành phố Vinh khi được hỏi về việc sử dụng gạch không nung hiện nay, ông cho rằng, cần đi tiên phong trong các công trình sử dụng vốn nhà nước, có quy định "cứng" cho công trình thì nhà thầu, chủ đầu tư mới có thể thanh quyết toán được.

Được biết, hiện Sở Xây dựng đã xây dựng xong đề án phát triển gạch không nung, trình HĐND tỉnh thông qua. Ông Lê Cương Sơn - một trong những người "chắp bút" xây dựng đề án cho biết thêm, đã đến lúc chúng ta phải hướng tới sự cân bằng giữa môi trường và nhu cầu phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng ngày càng cần những sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường. Mỗi người dân cần phải thật sự hiểu rõ giá trị của công nghệ xanh và có cái nhìn hướng tới môi trường một cách đầy đủ hơn. Để làm được điều đó, cùng với việc tạo hành lang pháp lý của nhà nước, các doanh nghiệp trong ngành chế tạo vật liệu xây dựng cần phải đầu tư nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hiện đại, công nghệ sạch trong quá trình hoạt động thì mỗi một người dân cũng cần thay đổi nếp nghĩ, có động thái tích cực hơn trong vấn đề sử dụng sản phẩm theo hướng bảo vệ môi trường sống.

Ông Nguyễn Trọng Do – Trưởng phòng Quản lý VLXD (Sở Xây dựng Nghệ An) cho biết: Trên thế giới, việc sử dụng dòng vật liệu xây dựng không nung cách đây hàng chục năm. Gạch không nung hiện có nhiều loại: Gạch không nung tự nhiên, gạch xi măng cốt liệu, gạch bê tông nhẹ (có 2 loại cơ bản là bê tông nhẹ bọt và bê tông nhẹ khí chưng áp). Trong đó, gạch không nung xi măng cốt liệu được tạo thành từ xi măng và một trong các cốt liệu như: mạt đá, cát vàng, cát đen, xỉ nhiệt điện, phế thải công nghiệp, đất,... được sản xuất và sử dụng nhiều nhất trong các loại gạch không nung. Về mặt kỹ thuật, gạch không nung hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu trong xây dựng giống như gạch đất nung, thậm chí nó có nhiều phẩm chất tốt hơn gạch đất nung như: Cường độ chịu lực, chịu uốn cao và rất ổn định, độ thấm nước thấp, có nhiều chủng loại để lựa chọn, cách âm cách nhiệt rất tốt...


Thu Huyền