Mô hình thâm canh lúa lai hiệu quả ở Nam Đàn

26/06/2012 18:09

(Baonghean) Được sự hỗ trợ của Dự án Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Nghệ An, vụ xuân 2012, Trạm Khuyến nông Nam Đàn đã xây dựng mô hình "Thâm canh lúa lai chất lượng cao" tại xã Nam Thái (từ 5/1/2012 đến 5/6/2012).

Ông Hồ Công Quế, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Nam Đàn cho biết: Qua kết quả rà soát hộ nghèo theo tiêu chí mới, hiện xã đang còn trên 229 hộ nghèo nghĩa là còn nhiều hộ thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất để phát triển kinh tế hộ... Trước thực trạng trên, từ nguồn kinh phí của Dự án KHCN-NN tỉnh, xã đã chọn 100 hộ nghèo tham gia mô hình "Thâm canh lúa lai Nhị ưu 986". Các hộ có đủ tiêu chuẩn để tham gia mô hình là phải có ruộng sản xuất, tuân thủ đúng lịch thời vụ, 100% diện tích bắc mạ có che phủ nilon, đầu tư theo quy trình và chấp hành nghiêm các lần bón phân theo sự thống nhất của Trạm...



Mô hình thâm canh lúa lai chất lượng cao - giống Nhị ưu 986 vụ xuân 2012 ở xã Nam Thái (Nam Đàn) cho năng suất 7 tấn/ha.

Mục tiêu của dự án là thâm canh tăng năng suất, sản lượng lúa xuân từ 60 tạ/ha lên 70 - 75 tạ/ha, áp dụng gieo vãi, thâm canh đồng bộ, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả bằng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; quy mô triển khai mô hình là 10 ha. Theo tiêu chuẩn của Dự án, mức đầu tư thâm canh cho 1 ha Nhị ưu 986 là 280 kg đạm, 200 kg kaly, 560 kg lân và 30 kg lúa giống; mỗi hộ được nhận 3 kg thóc giống, 20 kg đạm, 10 kg kaly và thuốc phòng trừ sâu bệnh. Cách bón phân theo phương pháp "nặng đầu nhẹ đuôi", chủ yếu là bón lót...


Chị Nguyễn Thị Nguyên (xóm 4- xã Nam Thái) phấn khởi cho biết: " Vụ xuân nămnay được cán bộ khuyến nông cung cấp và hướng dẫn kỹ thuật canh tác giống lúa Nhị ưu 986, chúng tôi thấy lúa ít bị rầy và đạo ôn, năng suất cũng cao hơn 5 tạ/ha so với các năm. Trước đây sử dụng giống cũ, sản xuất theo tập quán, kinh nghiệm của mình thì năng suất lúa cao nhất cũng chỉ đạt65 tạ ha/ha, nhưng vụ này được hỗ trợ trồng giống mới với các quy trình tiên tiến nên năng suất lúa đã đạt 70 tạ/ha". Cũng theo anh Nguyễn Văn Hưng - Trưởng Ban Khuyến nông xã, mô hình thâm canh lúa lai đã cho kết quả khả quan, mặc dù vụ xuân thời tiết diễn biến phức tạp, đầu vụ rét đậm rét hại kéo dài làm một số diện tích mạ bị chết, cây kém phát triển nhưng cuối vụ vẫn đạt năng suất 70 tạ/ha. Với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật và đưa giống lúa lai mới vào sản xuất đã tăng thêm nguồn thu đáng kể cho người dân chúng tôi ".


Để dự án mang lại hiệu quả, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với cán bộ khuyến nông cơ sở, hàng tuần kiểm tra tại các ruộng sản xuất; phối hợp với chính quyền địa phương bổ cứu sản xuất qua hệ thống truyền thanh xã. Đồng thời tiến hành tổ chức tập huấn để người dân nắm bắt những kỹ thuật cần thiết như cách ngâm ủ giống, che phủ nilon cho mạ, phát hiện sâu bệnh; mức đầu tư phù hợp cho ruộng cấy, cách bón lót, bón thúc ở từng thời kỳ... Ngoài ra, các hộ dân còn được tổ chức hội thảo đầu bờ 3 lần nhằm bổ cứu thêm kiến thức về kỹ thuật thâm canh, cách pha chế và sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh phù hợp, đúng lúc, đúng nồng độ và thời điểm phun. Thông qua các cuộc tham quan, được sự hướng dẫn của cán bộ Trạm, không chỉ bà con trong xã mà ở các xã có điều kiện tương tự cũng đã đến tận ruộng để tham khảo ý kiến, học hỏi đúc rút kinh nghiệm...


Qua đó cho thấy, xây dựng mô hình "Thâm canh lúa lai chất lượng cao” giống Nhị ưu 896 là hoàn toàn phù hợp với điều kiện đất đai, trình độ tham canh của bà con nông dân xã Nam Thái (Nam Đàn). Kết hợp với sự cần cù chịu khó áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên cây lúa phát triển tốt, năng suất cao, từ đó làm thay đổi nhận thức, giúp người nông dân tin tưởng hơn về ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất thực tế, lấy đó là phương pháp cần thiết để ứng dụng cho các mùa vụ tiếp theo.


N.A