Cần có luật quản lý những mặt hàng đặc thù

24/05/2012 20:34

Gạo, xăng dầu, ô tô đã qua sử dụng, thuốc lá điếu, xì gà, gỗ, hàng hóa phục vụ an ninh - quốc phòng... là các mặt hàng đặc thù sẽ được Chính phủ xây dựng cơ chế quản lý, điều hành riêng trong thời gian tới đây.



Nhiều quy định cũ gây khó khăn trong hoạt động
xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu và cảng biển Ảnh: HỒNG PHÚC

Ngày 23-5, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công thương đã chủ trì hội thảo lấy ý kiến của các tỉnh/thành, các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp phía Nam góp ý sửa đổi Nghị định 12/2006/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 12) của Chính phủ quy định về các hoạt động mua bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.

Nghị định 12 đã lạc hậu so với thực tiễn

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết: Nghị định 12 của Chính phủ được ban hành cách nay đã 6 năm và xây dựng trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO. Do đó, đến nay nhiều luật và quy định thuộc Nghị định đã bộc lộ hạn chế khó định lượng đối với các quan hệ kinh tế, xã hội phức tạp, vốn tác động tới nhiều đối tượng. Tiêu biểu như các quy định liên quan đến xuất nhập khẩu như: Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Hóa chất, Luật Chất lượng, sản phẩm hàng hóa; Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật An toàn thực phẩm, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ...

Ngoài luật, một số quy định riêng của Chính phủ về cơ chế quản lý một số mặt hàng đặc thù: sản xuất, kinh doanh phân bón, sản xuất kinh doanh rượu, xăng dầu, kinh doanh xuất khẩu gạo... đã bộc lộ những hạn chế rất lớn, phát sinh không ít khó khăn, bất cập, thậm chí kìm hãm các quan hệ kinh tế liên quan. Cụ thể, theo ông Trần Thanh Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, quy định về kinh doanh xăng dầu được ban hành từ cách đây nhiều năm, chưa dự tính được các thay đổi chóng mặt trong thời gian gần đây (tăng giá xăng dầu, cạnh tranh quốc tế...), đòi hỏi phải được quy định cụ thể hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh quốc tế. Ngoài xăng dầu, các văn bản quản lý một số mặt hàng khác như gạo, ô tô, đồ gỗ, thuốc lá... hiện cũng bị chồng chéo, do đó rất khó thống nhất về cơ chế quản lý.

Luật phải hoạch định chiến lược cho dài hạn

Nghị định sửa đổi phải quy định chặt chẽ về thủ tục, các danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu; cơ chế quản lý đối với một số mặt hàng đặc thù như gạo, xăng dầu, ô tô đã qua sử dụng, thuốc lá điếu, xì gà, gỗ, hàng hóa phục vụ an ninh - quốc phòng... Trên thực tế, việc quản lý các mặt hàng nêu trên gặp rất nhiều khó khăn. Ông Huỳnh Văn Gành – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang cho biết, nhiều mặt hàng thuộc danh mục cấm xuất nhập khẩu tự do như thuốc lá, rượu..., trên địa bàn thời gian qua được nhập lậu qua biên giới rất nhiều. Tình trạng này diễn biến hết sức phức tạp, khiến lực lượng chức năng quản lý không nổi. Tuy nhiên, khi hàng hóa đã được đưa qua biên giới chót lọt thì người dân, tư thương bày bán la liệt, công khai thì lại không thấy cơ quan chức năng nào tới xử lý (!?).

Ngoài hạn chế trong quản lý buôn lậu, ông Nguyễn Xuân Hồng – Phó GĐ Sở Công thương tỉnh Long An cũng chia sẻ thực tế không thống nhất quy định về cửa khẩu thông quan hàng hóa. Chẳng hạn, hàng hóa xuất khẩu được thông quan tại các cửa khẩu phụ phải được chứng nhận kiểm soát chuyên ngành theo quy định. Trong khi đó, hàng hóa thông quan tại các khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu song phương lại nới lỏng hơn. Việc quy định không thống nhất nêu trên chính là kẽ hở cho nạn buôn lậu, cũng như gây trở ngại đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Xung quanh thực trạng nêu trên, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cũng thừa nhận: hiện công tác quản lý hàng lậu qua biên giới như "bắt cóc bỏ đĩa”. Chẳng hạn, hiện nay Nhà nước chỉ giao cho Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) độc quyền kinh doanh và chịu trách nhiệm nhập khẩu thuốc lá, nhưng trên thực tế các loại thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn tràn lan trên thị trường. Nghị định có quy định về xử phạt hành chính, nhưng việc xử lý hiện mới chủ yếu thực hiện đối với các lô hàng lớn, còn đối với các tạp hóa, đại lý nhỏ lẻ trên thị trường thì dường như còn bỏ ngỏ, dẫn tới việc hàng lậu còn đất sống trên thị trường.


Theo Daidoanket-M