Bài 1: Vi phạm tràn lan

26/06/2012 18:39

(Baonghean) Hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc vi phạm sở hữu trí tuệ lưu thông trên thị trường đang là một vấn đề làm đau đầu cơ quan chức năng và tiềm ẩn những hệ lụy không nhỏ cho người tiêu dùng. Thực trạng đó diễn ra phổ biến khắp địa bàn toàn tỉnh và việc kiểm tra, phát hiện và xử lý đang gặp nhiều khó khăn…

Năm 2011, trị giá hàng giả, hàng kém chất lượng được cơ quan chức năng tịch thu và tiêu hủy trên địa bàn tỉnh ta là 1.079 triệu đồng; Từ đầu năm 2012 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An đã kiểm tra và xử lý 30 vụ vi phạm do hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, xử phạt hành chính 53,5 triệu đồng, giá trị hàng tiêu hủy gần 290 triệu đồng. Đó chắc là những con số hết sức khiêm tốn so với thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường.



Tịch thu hàng giả chuẩn bị tiêu hủy ở Chi cục QLTT Nghệ An.


Qua công tác đấu tranh chống hàng giả trên địa bàn tỉnh cho thấy, hàng giả tập trung ở một số mặt hàng trọng điểm như hàng tiêu dùng, hàng may mặc, thực phẩm, thuốc tân dược, mỹ phẩm và vật tư nông nghiệp. Nhiều mặt hàng làm giả có nguồn gốc đặc biệt từ Trung Quốc tràn vào nhái thương hiệu của một số hãng nổi tiến như GUCCI, CHANEL, ADIDAS, NIKE… Hầu hết các mặt hàng này đều bị làm giả, làm nhái với trình độ ngày càng tinh vi từ kiểu dáng đến nhãn mác và thậm chí cả tem chống hàng giả, khiến cho lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, phân biệt, xử lý vi phạm. Có thể nói, việc nhận diện hàng giả một phần là từ phản ánh của người tiêu dùng; trong khi công tác thanh kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan…


Năm 2012 tình hình vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái vẫn phổ biến. Các đối tượng lợi dụng những bất cập và kẽ hở trong cơ chế chính sách để sản xuất, kinh doanh buôn bán phi pháp gây nhiều khó khăn cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường. Một trong những mặt hàng “ nhạy cảm” trong biến động giá cả dẫn đến những vi phạm về chất lượng trong kinh doanh là xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng như khí gas.

Trong 5 tháng đầu năm, mặt hàng gas đã 3 lần điều chỉnh giá cả lên mức cao hơn. Trong khi đó, tình hình sang chiết gas lậu vẫn còn diễn ra, các vi phạm sở hữu trí tuệ về nhãn hàng hóa, chiếm dụng bình gas, kinh doanh gas không đảm bảo điều kiện an toàn vẫn tồn tại khá nhiều… Về cơ bản, thị trường xăng dầu tại Nghệ An đáp ứng đủ các điều kiện về số lượng, chất lượng cũng như các phương án phòng chống cháy nổ. Nhưng vẫn còn một số sai phạm trong khâu tổ chức kinh doanh loại mặt hàng này, như việc đăng kí ngành nghề kinh doanh, các loại thủ tục giấy tờ hợp lệ khác.


Trước tình trạng trên, đoàn kiểm tra liên ngành từ cấp Trung ương đến địa phương đã tổ chức xử lý các vi phạm của các đơn vị, doanh nghiệp liên quan. Người kinh doanh nhận thức khá tốt về vấn đề an toàn chất lượng cũng như an toàn phòng chống cháy nổ. Về thị trường khí gas, có khá nhiều hãng bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như việc sử dụng bình mang thương hiệu của công ty để tổ chức chiết nạp trái phép, việc sử dụng nhãn mác niêm phong giả để đánh lừa khách hàng.

Tuy nhiên, việc giám sát hoạt động kinh doanh gas khá phức tạp, khó khăn. Hiện tỉnh ta chưa có một đơn vị quản lý chuyên trách nào có chức năng giám sát, kiểm định chất lượng và độ an toàn của vỏ bình gas. Khách hàng sử dụng gas phải chấp nhận may rủi, dùng bất kỳ thương hiệu gas nào mà không được biết về chất lượng gas, độ an toàn của vỏ bình...

Theo kết quả thanh tra của Sở KH&CN, trong đợt 1 năm 2012, Thanh tra Sở đã phối hợp thanh tra 57 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, phát hiện vi phạm xử phạt 3 doanh nghiệp với số tiền 41,3 triệu đồng; trong đó có 1 phương tiện vi phạm về đo lường, 2 mẫu xăng A92 không đạt quy chuẩn. Trong khi đó, từ kiểm tra chất lượng phân bón vụ xuân 2012,Sở NN&PTNT hầu như chưa xử lý được những tồn tại, xung quanh ngành hàng này.


Trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, trong 4 tháng đầu năm 2012, Chi cục QLTT Nghệ An đã phát hiện và xử lý 5 vụ vi phạm VSATTP. Các mặt hàng vi phạm bao gồm: nước cam ép, thức ăn gia súc giả nhãn hiệu, trứng gia cầm, thịt và mỡ động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Sau khi phát hiện và bắt giữ các loại mặt hàng nói trên, lực lượng QLTT đã chuyển giao tới các cơ quan chức năng để tiếp tục giám định sai phạm và tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lượng hàng hóa vi phạm pháp lệnh VSATTP; tổng giá trị hàng hóa bị tịch thu, tiêu hủy gần 300 triệu đồng.

Một trong những nguồn gốc thực phẩm vào thị trường Việt Nam nói chung trong đó phổ biến cả ở thị trưởng tỉnh ta là từ Trung Quốc, mà chất lượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, đó là thực phẩm được chế biến sẵn từ các loại rau củ quả, như củ cải, xu hào, măng tre; chân gà, đuôi – nội tạng bò, cao nấu lẩu, bột ngọt… được chế biến rồi tuồn sang Việt Nam bằng nhiều con đường mà ta gọi là hàng lậu, nên rất khó kiểm soát để xác định chất lượng.


Trênthị trường thuốc chữa bệnh, trong khi mặt hàng tân dược đang đặt ra nhiều vấn đề về thực trạnglộn xộn về thị trường và cả chất lượng nhưng khó kiểm soát, xử lý; thì đáng lưu ý về mặt hàng thuốc Đông dược “giá rẻ” cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc lẫn lộn tiêu thị trên thị trường như sâm củ, “Đông trùng hạ thảo”… mà hiện nay cơ quan chức năng gần như chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả.


Điểm qua một số thực trạng về hàng giả, hàng kém chất lượng, mặc dù đang còn phiến diện, cũng đã cho thấy sự phức tạp và nguy cơ tiềm ẩn về hậu quả cho người tiêu dùng; đồng thời cũng cho thấy những khó khăn, bất cập trong thanh, kiểm tra, xử lý và công tác quản lý thị trường nói chung.


(Còn nữa)


Đình Sâm