Ngành du lịch sẽ mạnh tay với nạn “chặt chém”

31/08/2012 17:06

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chỉ đạo toàn ngành phải kiên quyết vào cuộc, giải quyết triệt để tình trạng chèo kéo, chặt chém... du khách.

Tại nhiều trung tâm du lịch lớn trên cả nước nhiều năm qua thường xuyên tái diễn cảnh tượng “chặt chém,” lừa đảo du khách, gian lận cước taxi, nạn bán hàng rong, đeo bám du khách… làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới diện mạo du lịch Việt.



Du khách nước ngoài mua đồ lưu niệm tại phố cổ Hà Nội.
(Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Các phương tiện truyền thông cũng tích cực phản ánh và nhiều địa phương đơn lẻ cũng đưa ra biện pháp chấn chỉnh song hầu như không mấy hiệu quả.

Trước thực trạng nhức nhối này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh tại cuộc họp giao ban trực tuyến mới đây đã chỉ đạo toàn ngành phải kiên quyết vào cuộc, giải quyết triệt để tình trạng chèo kéo, chặt chém, lừa đảo khách tại các trung tâm du lịch trong thời gian tới.

“Chuyện cơm bữa”

Trong một chuyến du lịch đến Cà Mau, chị Kiều Nhung ở Hà Giang đã phải trả giá hải sản đắt gấp ba, giá xe ôm đắt gấp hai người dân địa phương. Đặc biệt, tuy được các chú kiểm lâm gợi ý khéo đi ca-nô thăm quan một vòng sông nước đất mũi (khoảng 45 phút) với giá hữu nghị nhưng cuối cùng chị vẫn phải rút ví chi gần 1,3 triệu… tiền xăng.

Choáng váng trở về sau chuyến đi, chị Nhung tâm sự: "Cứ tưởng người miền Nam hiền lành, chân chất ai ngờ…" Và rằng, chị sẽ không bao giờ quay trở lại đó nữa.

Không chỉ riêng chị Nhưng, mỗi ngày, trên khắp dải đất hình chữ “S,” những tình huống như vị khách này gặp xảy ra “như cơm bữa.”

Có thể nói, “chặt chém” đã và đang là một vấn nạn chưa thể giải quyết dứt điểm của ngành du lịch. Bên cạnh đó, những hình ảnh mất mỹ quan như ăn xin, bán hàng rong, đánh giày chèo kéo, đeo bám du khách… khiến môi trường du lịch Việt càng kém phần “sạch sẽ.”

Nhiều nguyên nhân được lãnh đạo Tổng cục Du lịch đưa ra lý giải cho tình trạng này là do như an sinh xã hội tại các điểm du lịch chưa được giải quyết tốt. Lực lượng để thực hiện việc giải quyết tình trạng này tại các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương còn mỏng, hoạt động thiếu chuyên trách.

Đặc biệt, vấn đề nhận thức của cơ sở cung ứng dịch vụ, cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng và phát triển du lịch bền vững còn kém cũng như quản lý điểm đến, hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn chưa chặt chẽ, thiếu định hướng…

“Sóng gió” có qua?


"Để cải thiện hình ảnh cũng như chất lượng điểm đến, âu cũng phụ thuộc nhiều vào thái độ nhìn nhận của chính quyền địa phương," Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn thừa nhận.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt bày tỏ quan điểm, để giải quyết tận gốc tình trạng chèo kéo, chèn ép du khách cần phải quan tâm đến nguồn nhân lực tại chỗ, tại các điểm di sản…

Bởi, theo ông Việt, tham gia rất đông vào lực lượng cung ứng dịch vụ du lịch chính là những người dân địa phương. Bản thân họ vốn có trình độ, nhận thức cũng như kỹ năng kém nên cần phải giáo dục, nâng cao trình độ để có thể tham gia vào cung ứng dịch vụ du lịch một cách hiệu quả, tránh tình trạng vì lợi ích cá nhân mà làm ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch quốc gia.

Thời gian qua, Vũng Tàu nổi lên là khu du lịch khiến dư luận bức xúc, do khách phải chi trả món tiền có giá trên trời cho bữa ăn bình dân và chất lượng phòng không đảm bảo…

Đến giờ khi “sóng gió” đã tạm lắng, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vũng Tàu trấn an rằng, chính quyền sẽ kiên quyết với các trường hợp chặt chém, tăng cường công tác kiểm tra cũng như lập đường dây nóng nhằm hỗ trợ du khách.

Mạnh mẽ hơn, lãnh đạo ngành khẳng định, trong thời gian tới sẽ thành lập các tổ, nhóm công tác liên ngành tại các trung tâm du lịch để kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để nắm bắt diễn biến thực tiễn các hoạt động dịch vụ du lịch tại một số “điểm nóng” như Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu và đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm các vụ việc.


Theo (Vietnam+) - NT