Thành quả từ công tác dân vận

20/07/2012 18:38

(Baonghean) Về xã Nghĩa Long (Nghĩa Đàn), dưới cái nắng và nóng hầm hập của thời tiết giữa hè, nhìn những người già, trẻ, phụ nữ, ai nấy mồ hôi nhễ nhãi đang tập trung tháo dỡ bờ rào, đốn hạ cây xanh để mở rộng đường giao thông nông thôn, chúng tôi cảm nhận được rất rõ việc xây dựng nông thôn mới (NTM ) đã thực sự trở thành phong trào sâu và rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Dừng tay thuổng, anh Nguyễn Công Khoa (xóm Nam Long) đưa tay quệt vội mồ hồi đầm đìa trên khuôn mặt chín rần vì nắng, nóng, hào hứng nói: “Vì phong trào chung, gia đình tôi tự nguyện tháo dỡ 60m bờ rào và hiến 150m2 đất”. Ở Nghĩa Long, còn nhiều gia đình ủng hộ và tự nguyện hiến đất, phá dỡ các công trình để mở rộng đường, như hộ ông Hà Văn Phong, xóm Nam Thái, hiến 309m2 đất, và cùng xóm với ông Phong có gia đình bà Ngân Thị Hương cũng hiến 317m2; hay như gia đình ông Lê Minh Dũng, xóm Nam Tân, hiến 264m2; gia đình ông Hà Văn Bắc, xóm Nam Hòa, hiến 279m2 đất vườn.

Xã Nghĩa Long được huyện Nghĩa Đàn chọn làm điểm thực hiện chương trình NTM. Đầu năm 2012, xã tập trung triển khai quyết liệt, trong đó xác định việc xây dựng NTM trước hết phải từ việc mở đường. Đồng chí Nguyễn Ngọc Đức – Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng phụ trách Mặt trận Dân vận xã Nghĩa Long, cho biết: “Chủ trương của xã là như vậy, nhưng điều quan trọng có ý nghĩa quyết định phải có sự đồng thuận của nhân dân. Vì vậy, trước khi ra quân đồng loạt, xã đã dành thời gian 1 tháng để tập trung tuyên truyền và làm công tác tư tưởng cho nhân dân, trong đó phân công cụ thể cho các thành viên trong ban vận động xây dựng nông thôn mới của xã, mỗi người phụ trách 1 xóm để vận động với quan điểm dễ trước, khó sau.

Tiếp đó, xã ấn định thời gian ra quân đồng loạt, lấy các đoàn thể quần chúng làm lực lượng chính để giúp đỡ các gia đình khó khăn, thiếu lao động để thực hiện di dời, dỡ bỏ bờ rào, ki ốt, công trình phụ, cột điện, cây xanh. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể như Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh tổ chức vận động các hội viên không bị ảnh hưởng quyên góp ủng hộ tiền để mua xi măng xây dựng lại tường rào, công trình phụ và giúp đỡ ngày công lao động cho các hội viên bị ảnh hưởng và giải tỏa. Đơn cử như hội viên Hội Phụ nữ đóng góp được gần 3 triệu đồng và 150 ngày công; Hội Cựu chiến binh góp được hơn 1 triệu đồng và 160 ngày công; Hội Nông dân góp được 1 triệu đồng, 65 ngày công và trích để mua 6 tạ xi măng hỗ trợ 2 hội viên”.

Toàn xã Nghĩa Long có 830 hộ trong diện phải giải tỏa để mở đường đạt chuẩn NTM. Đến thời điểm này đã có trên 750 hộ thực hiện giải tỏa, với diện tích đất được hiến lên đến hơn 100.000m2; trên 3.000m tường rào xây và nhiều cây trồng lâu năm khác. Song song với tập trung việc mở mang nền đường đảm bảo tiêu chuẩn, xã tiếp tục tập trung củng cố hệ thống chính trị; xây dựng và đảm bảo trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống cho nhân dân; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa… Nhờ đó, từ một địa phương chỉ đạt 2/19 tiêu chí, nay Nghĩa Long đã đạt 7/19 tiêu chí.



Nhân dân xã Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) hiến đất làm đường.

Không chỉ ở Nghĩa Long mà ở nhiều địa phương khác của huyện Nghĩa Đàn cũng đang tập trung triển khai thực hiện xây dựng NTM ở từng nội dung, phần việc cụ thể trên cơ sở thực tiễn đang đặt ra ở từng địa phương. Quá trình chỉ đạo xây dựng NTM ở Nghĩa Đàn luôn bám sát phương châm: Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi.

Đồng chí Nguyễn Nam Phương – Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nghĩa Đàn, chia sẻ: “Nghĩa Đàn là huyện miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn, trong khi đó chương trình xây dựng NTM là một chương trình rộng lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực và cần một nguồn lực rất lớn để thực hiện. Ban đầu khi mới triển khai chương trình, một số cán bộ, đảng viên và người dân vẫn nhận thức rằng, Nhà nước sẽ đưa vốn về xã để xây dựng NTM. Xác định được những khó khăn đó, bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo khá bài bản từ cấp ủy đến chính quyền và các đoàn thể quần chúng, huyện đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay xây dựng NTM. Kinh nghiệm vận động, thuyết phục người dân tích cực đóng góp xây dựng NTM ở Nghĩa Đàn là chỉ đạo các xã lựa chọn các cán bộ lão thành, nguyên là cán bộ xã, cán bộ xã đương chức và đảng viên trong vùng giải tỏa bị ảnh hưởng để vận động tiên phong làm trước, vừa trực tiếp đi tuyên truyền, thuyết phục bà con trong xóm, khu dân cư làm. Điều quan trọng là trong quá trình tuyên truyền vận động, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp đã làm cho người dân hiểu được mục tiêu của việc xây dựng NTM là đưa vùng nông thôn phát triển một cách toàn diện và đối tượng hưởng lợi đầu tiên chính là người dân.

Đơn cử như việc mở đường rộng rãi thì ô tô có thể vào tận nhà để thu mua nông sản, cung cấp vật tư phân bón, góp phần khai thác được những tiềm năng, lợi thế của địa phương. Thực tế, trên địa bàn huyện, vào vụ thu hoạch mía, ở một số nơi ô tô không thể vào được phải chở bằng xe kiến an, hoặc xe công nông, thậm chí là bằng sức người nên chi phí cao hơn rất nhiều và hiệu quả lao động thấp.

Gắn với công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng NTM, Nghĩa Đàn cũng đã triển khai xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” xây dựng NTM, như mô hình phát triển cây trồng, vật nuôi, làng nghề, nâng cao thu nhập cho người dân; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; giữ gìn bản sắc văn hóa; giữ gìn an ninh trật tự; bảo vệ môi trường…

Bên cạnh đó, tổ chức huy động nhân dân đóng góp gắn với lồng ghép, tranh thủ các dự án, chương trình để triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, như trường học đạt chuẩn quốc gia, kiên cố hóa đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa, trạm y tế, nước sinh hoạt… Riêng huy động sức dân để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 toàn huyện đạt trên 20 tỷ đồng, làm gần 30 km đường bê tông, mở rộng trên 200 km đường giao thông nông thôn.

Nhờ chuẩn bị chu đáo và tổ chức phát động ra quân rầm rộ, trong đó biết làm tốt công tác vận động, thuyết phục nên tuy mới triển khai chương trình NTM nhưng phong trào xây dựng NTM ở Nghĩa Đàn đã mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay, đã có 12/24 xã đạt từ 5 – 10 tiêu chí (trước đây chỉ có 7/24 xã đạt 5 – 9 tiêu chí, chưa có xã nào đạt 10 tiêu chí); 12/24 xã đạt dưới 5 tiêu chí (trước khi triển khai có tới 17/24 xã đạt dưới 5 tiêu chí). Kết quả bước đầu trong xây dựng NTM ở Nghĩa Đàn đang trở thành động lực chung cho cả Đảng bộ và nhân dân huyện Nghĩa Đàn tiếp tục phấn đấu vì lợi ích chung.


Mai Hoa