Quyền tự do tín ngưỡng chỉ có khi pháp luật được tôn trọng
(Baonghean) Trong khi chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng đang nỗ lực ổn định tình hình sau vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông vào ngày 1/7/2012, thì trong những ngày gần đây, tại một số giáo xứ treo băng rôn có nội dung bóp méo sự thật, kích động, chia rẽ mối đoàn kết giữa giáo với lương và giữa giáo dân với chính quyền.
Trên mạng internet, một số website tiếp tục đưa những thông tin bịa đặt, đổi trắng thay đen nhằm bôi nhọ chính quyền các cấp và tung tin thất thiệt, vu cáo chính quyền huy động công an, quân đội “tấn công, đàn áp tôn giáo ở Con Cuông”, “dùng côn đồ đánh đập giáo dân và linh mục”, và kêu gọi “hãy cầu nguyện cho giáo dân Con Cuông”... Ngang ngược hơn, một số linh mục, tín đồ giáo dân còn đòi cơ quan điều tra huỷ quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã Yên Khê; đòi công an dừng việc triệu tập số đối tượng liên quan... Ý đồ của những người thông tin sai sự thật, bóp méo sự thật đưa lên các trang web nhằm mưu đồ đánh lừa đồng bào theo đạo, đánh lừa dư luận quốc tế, tiếp tay cho các thế lực thù địch thực hiện âm mưu diễn biến hoà bình đối với Việt Nam.
Trước hết, phải nói rõ rằng trên thế giới, quốc gia nào, kể cả các quốc gia phát triển đều quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo bằng pháp luật. Luật ngày 9/12/1905 của nước Cộng hoà Pháp, tại Điều 26 quy định “Việc tụ tập để thực hiện các nghi lễ tôn giáo phải báo cáo và chịu sự kiểm soát của cơ quan chính quyền có chức năng giữ gìn trật tự công cộng. Cấm việc hội họp có tính chất chính trị ở nơi chuyên dùng vào việc thờ cúng và thực hành lễ nghi tôn giáo”. Điều 35 của luật này còn nêu rõ: "Giáo sĩ nào công khai bằng lời nói hoặc bằng văn bản kêu gọi, khước từ việc thi hành pháp luật của nhà nước sẽ bị phạt tù từ 3 tháng tới 2 năm".
Ở nước ta, “Quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của công dân” được Nhà nước khẳng định trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và gần đây là Pháp lệnh năm 2004 và luôn nhất quán trong các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Pháp luật Việt Nam cũng nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo để tuyên truyền trái pháp luật, trái chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; gây mất đoàn kết trong nhân dân, gây rối trật tự công cộng; xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm của người khác... Nhiều năm qua, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và chính quyền các cấp ở Nghệ An đã tạo nhiều điều kiện để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như quyền tự do không theo một tôn giáo nào của công dân được đảm bảo, thực hiện. Cùng với việc nhiều nhà thờ, chùa chiền, nơi thờ tự... của các tôn giáo mà pháp luật công nhận được tu sửa, xây mới khang trang; hoạt động tôn giáo của các nhà tu hành cũng như sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của các con chiên, phật tử được phát triển cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Thiết tưởng, điều đó bất cứ tín đồ tôn giáo nào, hay người không theo tôn giáo nào, ở bất cứ đâu trên đất Nghệ An cũng biết, người viết thấy không cần dẫn chứng cụ thể.
Và nữa, nếu vào trang mạng “Cổng thông tin chính thức của Giáo phận Vinh” người đọc sẽ thấy tràn ngập thông tin về hoạt động tôn giáo của các vị linh mục, tu sĩ, sinh viên các Trường đại chủng viện, Tiểu chủng viện, tiền Chủng sinh; lễ khởi công, khánh thành các cơ sở sinh hoạt tôn giáo... Đó là chưa nói đến một số trang mạng của một số giáo xứ, một số tổ chức có liên quan đến đạo Thiên Chúa ở Nghệ An cũng tràn ngập những thông tin tương tự thì liệu ai có thể tin rằng ở Nghệ An đang “trấn áp tôn giáo”, Nghệ An đang “bóp nghẹt tôn giáo”?
Trở lại cái gọi là “chính quyền Nghệ An trấn áp tôn giáo” ở Con Cuông mà các bài viết trên một số trang mạng rêu rao.
Việc một số linh mục và chức sắc tôn giáo ở Giáo xứ Quan Lãng (Anh Sơn) lôi kéo nhiều giáo dân (có khi lên 700 người) từ nơi khác đến Con Cuông làm lễ, giảng đạo, truyền đạo từ cuối năm 2010 mà chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận là gì? Nếu không phải là vi phạm pháp luật về tôn giáo! Việc một số giáo dân xô xát với dân địa phư ơng và bắt, giữ, giam trái pháp luật 43 người là bà con dân tộc Thái và một số cán bộ huyện, xã tại nhà ông Phạm Thế Trận ở bản Trung Hương xã Yên Khê (Con Cuông) vào ngày 1/7/2012 trong nhiều giờ là gì? Nếu không phải đó là hành vi gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật, chống người thi hành công vụ, vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009.
Đó là chưa nói đến việc chính linh mục Nguyễn Đình Thục gọi điện thoại cho Chủ tịch UBND tỉnh cầu cứu sự giúp đỡ khi sự việc xảy ra, nhưng khi số cán bộ công an đến làm nhiệm vụ, bảo vệ cho các linh mục và giáo dân rời khỏi Con Cuông thì lại bịa đặt “Công an, quân đội đến trấn áp, đánh đập linh mục, giáo dân”! Xin thưa, nếu lực lượng công an không có mặt thì liệu cuộc ẩu đả sẽ đi đến đâu khi mà sự bất bình của đồng bào các dân tộc ở địa phương đối với việc truyền đạo trái pháp luật của linh mục và nhiều giáo dân Giáo xứ Quan Lãng đang ở mức cao độ sẽ gây hậu quả như thế nào? Cuối cùng, xin hỏi, hôm đó có vị linh mục nào xây xát dù nhẹ không?
Sự thật là như thế. Tuy nhiên, một số phần tử lợi dụng tôn giáo, lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước đã bằng nhiều hình thức như viết bài vu khống trên các trang mạng, treo băng rôn “phản đối chính quyền” trước cổng một số nhà thờ Thiên Chúa giáo, phao tin đồn nhảm, tung tin thất thiệt ... Đó không chỉ là một sự bịa đặt trắng trợn để kích động bà con giáo dân lương thiện, chia rẽ đoàn kết lương - giáo mà còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng!
Điều khẳng định là, lợi ích tôn giáo luôn gắn liền với lợi ích dân tộc, quốc gia. Và, quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo chỉ có thể thực hiện được khi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật. Mọi hoạt động tôn giáo theo kiểu tự do vô chính phủ, lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đoàn kết toàn dân đều phải bị lên án và phải xử lý theo pháp luật.
Lê Thạch Vĩnh