Người nước ngoài vi phạm giao thông Việt Nam, xử lý sao?

19/06/2012 09:43

Ý kiến của nhà đương cục về tình trạng người nước ngoài sang Việt Nam "vô tư" vi phạm pháp luật về giao thông.

Theo ông Nguyễn Xuân Tân, phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội:

Người nước ngoài đang cư trú hoặc đang làm việc, học tập ở Việt Nam từ ba tháng trở lên có thể dự học và thi xin cấp giấy phép lái xe (GPLX). Tuy nhiên, họ phải đọc và hiểu được tiếng Việt. Đối với các trường hợp xin cấp đổi GPLX (họ đã có GPLX quốc tế hay nước ngoài cấp), nếu có nhu cầu lái xe phải làm thủ tục xin đổi sang GPLX của Việt Nam tương ứng. Các trường hợp giả khai báo mất hoặc tẩy xóa, làm sai lệch thông tin trên GPLX, sử dụng GPLX hoặc hồ sơ lái xe giả, cố tình gian dối để được đổi, cấp lại GPLX thì ngoài việc bị thu hồi giấy phép, các đối tượng này còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp GPLX trong thời hạn 5 năm.



(ảnh minh họa)

Ông Trần Văn Bình, giáo viên dạy lái xe, Trung tâm đào tạo lái xe Kiều Lê
cho biết: "nếu đủ điều kiện quy định, họ sẽ được cấp GPLX". Theo ông Bình, do sự phát triển của đất nước nên ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam công tác và sinh sống. Để đi lại thuận tiện, điều tất yếu là họ phải có phương tiện và tự mình điều khiển mỗi khi muốn di chuyển. Mặc dù hiện nay chúng ta đã có những quy định rất rõ về các tiêu chuẩn, tiêu chí cấp GPLX cho người nước ngoài như thế nào. Nhưng theo tôi cần phải tinh giản, rút ngắn các điều kiện, quy trình, thủ tục hơn nữa, để tạo điều kiện cho những người có nhu cầu thực sự, đến Việt Nam vì những mục đích trong sáng, rõ ràng có thể hoàn tất học, thi, lấy GPLX.

TS Lương Văn Tuấn, trưởng Văn phòng luật sư Tân Luật Hà Nội:

GPLX của nước ngoài chưa được sử dụng ở Việt Nam."Theo quy định hiện hành thì GPLX của nước ngoài hiện chưa được sử dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người nước ngoài vẫn mang theo GPLX đó tham gia giao thông. Khi bị xử lý, họ còn cãi lý rằng đã có GPLX để không chấp hành việc xử phạt vi phạm. Như vậy là trái quy định của pháp luật Việt Nam. Họ điều khiển phương tiện trên đường phố Việt Nam thì phải có GPLX do Việt Nam cấp thông qua thi sát hạch hoặc đổi. GPLX do Việt Nam cấp không được vượt quá thời hạn người nước ngoài hoặc Việt kiều được lưu trú tại Việt Nam. Giấy phép lái xe mới tương ứng với những hạng giấy phép mà người xin cấp đã được cấp ở nước ngoài"

Anh Lê Ngọc Kiên (trú tại Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội)cho biết:

Theo tôi, quy định về khoảng thời gian sinh sống là cần thiết vì người nước ngoài sang Việt Nam sinh sống và làm việc cần phải có khoảng thời gian thích ứng với môi trường Việt Nam, đặc biệt là môi trường giao thông đang hỗn loạn như hiện nay. Nói điều đó không có nghĩa là tiêu cực, hạn chế quyền lợi của họ mà trên thực tế giao thông Việt Nam có rất nhiều khác biệt so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, để đảm bảo an toàn tham gia giao thông, chúng ta cần phải chấp hành nghiêm những quy định. Nếu có thể, các cơ quan chuyên môn nên mở lớp đào tạo, bổ túc tay lái cho những người nước ngoài muốn có GPLX, nhất là những nước có các loại phương tiện tay lái nghịch so với ở Việt Nam.



Thượng tá Trần Sơn, phó trưởng phòng Hướng dẫn luật lệ và điều tra, xử lý TNGT, Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt, Bộ Công an:

Bên cạnh những người nước ngoài đang làm việc, học tập, lao động, sinh sống và du lịch tại Việt Nam rất tôn trọng pháp luật Việt Nam nói chung và Luật Giao thông nói riêng thì một bộ phận người nước ngoài không chấp hành pháp luật nước sở tại. Chưa có con số thống kê chính xác, nhưng trên đường ta không hiếm gặp người nước ngoài sử dụng mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ... thậm chí là gây tai nạn giao thông làm chết người. Vì thế, để phòng ngừa vi phạm, CSGT cần phải xử lý nghiêm, thông báo về cơ quan nơi họ công tác để giáo dục. Đồng thời, cũng nên phân loại để có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về Luật Giao thông ngay từ khi họ đặt chân xuống sân bay.

Thượng tá Nguyễn Đăng Hội, phó trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Bắc Ninh:

"Vi phạm nhiều lần, cần phải trục xuất về nước".

Pháp luật nhiều nước trên thế giới quy định rất rõ, công dân nước ngoài đến lao động, học tập, sinh sống và du lịch, vi phạm pháp luật sẽ bị trục xuất, thậm chí không được nhập cảnh lại trong một thời gian nhất định. Tuy giao thông ở nước ta có tính đặc thù nhưng không phải vì thế mà nương nhẹ xử lý đối với người nước ngoài vi phạm, thậm chí coi thường pháp luật. Nhiều người nước ngoài chấp hành tốt, vì họ hiểu biết nhưng một số người nước ngoài thì lại cực kỳ thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Những đối tượng vi phạm nhiều lần, cần xem xét trục xuất họ khỏi lãnh thổ nước ta.

Ông Tăng Hoà (tên Việt Nam) quốc tịch Hà Lan, lấy vợ người Việt, đang sống ở ngoại ô Hà Nộicùng vợ, con, cho biết:

Phương tiện đi làm của tôi là ô tô. Lúc mới sang Việt Nam, tôi cũng gặp rắc rối khi tham gia giao thông, vì chưa đổi được GPLX. Đó là lỗi của người tham gia giao thông nên tôi chấp hành việc CSGT xử lý vi phạm. Nhưng tôi thấy, việc xử lý vi phạm giao thông đối với người nước ngoài rất chậm bắt nguồn từ việc xác minh thông tin. Tôi bị nhỡ rất nhiều công việc vì chuyện chờ xử phạt. Đây có thể là lý do một số người nước ngoài “bỏ của chạy lấy người”, nhất là khi điều khiển xe mô tô.


Bà Trịnh Minh Hiền, vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ GTVT)cho biết:

Luật Giao thông đường bộ áp dụng với tất cả các đối tượng tham gia giao thông tại Việt Nam, không phân biệt người nước ngoài hay người Việt Nam. Ai vi phạm đều phải xử lý theo luật định. Quy định là như vậy nhưng trong quá trình thực thi nhiệm vụ, có thể nhận thấy, lực lượng cảnh sát giao thông còn e dè khi xử lý người nước ngoài vi phạm. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến vi phạm ngày càng gia tăng. Luật đã cho phép người nước ngoài được đăng ký xe ô tô thì không có lý do gì mà lại không xử phạt khi họ vi phạm.


Theo Phapluat-M