CPI tháng 5 chỉ tăng 0,18%, diễn biến đáng mừng cho nền kinh tế?

24/05/2012 14:54




Diễn biến CPI qua các tháng. Nguồn: GSO

Tổng cục thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 5 năm 2012. Theo đó CPI cả nước tháng 5 tăng 0,18% so với tháng trước. So với cùng kỳ, CPI tháng 5 tăng 8,34% và so với tháng 12/2011 tăng 2,78%. 5 tháng đầu năm 2012, CPI cả nước tăng 13,3% so với cùng kỳ.

Trong 11 nhóm hàng hóa tính chỉ số giá, có 7 nhóm tăng cao hơn mức tăng của chỉ số chung.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá giảm 0,14% so với tháng 4. Trong đó, nhóm lương thực giảm 0,54% và nhóm thực phẩm giảm 0,26% còn ăn uống ngoài gia đình tăng 0,66%.

Cùng với áp lực tăng giá xăng, chỉ số của nhóm giao thông tăng 1,32%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có chỉ số giá giảm 0,07% trong tháng này nhưng 5 tháng đầu năm 2012 vẫn tăng 15,15% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý là các hàng hóa, dịch vụ khác có mức tăng mạnh so với tháng 4 với mức tăng 3,09%. Tuy nhiên, nhìn chung 5 tháng đầu năm thì nhóm này vẫn kiềm chế ở 11,52%, thấp hơn mức tăng chung.

Không nằm trong các mặt hàng tính chỉ số giá, chỉ số giá vàng giảm 2,17% so với tháng trước và chỉ số giá Đô la Mỹ tăng 0,06%.

Như vậy lạm phát xuống đến mức mục tiêu chỉ trong non nửa đầu của năm có phải là diễn biến đáng mừng cho nền kinh tế?

Tổng cầu giảm tác động mạnh đến sức mua xã hội trong nhiều tháng nay. Các thống kê về tổng mức bán lẻ cho thấy, mức tăng là khá thấp so với giai đoạn trước. Chỉ số tồn kho công nghiệp chế biến tăng cao trên 32% vào đầu tháng 4/2012 cho thấy lực cầu rõ ràng còn yếu.

Tuy nhiên, chỉ số lạm phát thấp nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và yêu cầu tăng trưởng hợp lý. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn do khó tiếp cận và hấp thụ vốn; chi phí đầu vào lớn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho cao, dẫn đến quy mô sản xuất phải thu hẹp…

Nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể. Trong 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có trên 17,7 nghìn doanh nghiệp đã làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ.

Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh đó đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ hỗ trợ thanh khoản. Qua kênh mua ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra thị trường khoảng 130 nghìn tỷ đồng; đồng thời bơm ròng khoảng 30 nghìn tỷ đồng qua các kênh hỗ trợ thanh khoản và 30 ngàn tỷ đồng cho vay tái cấp vốn có mục tiêu.

Thị trường liên ngân hàng đã bớt căng thẳng thời gian gần đây cũng cho thấy thanh khoản của một số ngân hàng đã cải thiện đáng kể. Nhưng, mặt bằng lãi suất dù đã giảm, sức hấp thụ của nền kinh tế vẫn còn yếu.

Tính đến 20/4/2012, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước giảm 1,35%. Đây vẫn là chỉ báo bất thường nếu so sánh với các năm trước đây, tăng trưởng tín dụng luôn cao hơn gấp vài lần.

Do những lo ngại rủi ro dư nợ xấu gia tăng và nhằm đảm bảo an toàn vốn, nhiều nhà băng chuyển dịch dòng tiền tín dụng sang các kênh đầu tư, kinh doanh an toàn hơn trong vài tháng qua như mua trái phiếu Chính phủ và tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước, thay vì tăng trưởng dư nợ.

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội khóa 13 vừa chỉ ra 1 vài những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế, đây thực sự là đánh giá đáng lo ngại .

Biểu hiện dễ thấy là trong 4 tháng đầu năm đã có 171.639 người đăng ký thất nghiệp, tăng tới 61,4% so với cùng kỳ năm trước. Triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế cũng khiến những lao động còn việc làm không mạnh tay chi tiêu.

Trong khi đó, hợp lực với sức mua trong nước giảm sút, tác động giảm giá từ thị trường thế giới cũng diễn ra rất mạnh, đặc biệt là với mặt hàng gạo. Chỉ số giá nhóm lương thực giảm liên tục 5 tháng qua, trong đó khu vực đồng bằng Sông Cửu Long có giá nhóm lương thực giảm nhanh nhất.

Theo Tầm nhìn.net - H