Mỹ, Nhật kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế về Biển Đông

15/07/2012 08:29

Mỹ, Nhật Bản và các cường quốc khu vực khác đã thúc giục Trung Quốc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, thay vì đe dọa hay các tuyên bố liên quan đến lịch sử.

Tại diễn đàn an ninh khu vực hôm 12/7, Mỹ, Nhật Bản và các cường quốc khu vực khác đã thúc giục Trung Quốc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, thay vì đe dọa hay đưa ra các tuyên bố liên quan đến lịch sử.



Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Bộ trưởng ngoại giao các nước tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) gồm 27 thành viên đã bày tỏ hy vọng rằng Bắc Kinh và 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á sẽ đàm phán về bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) để điều chỉnh hành vi của các nước liên quan.

"Chúng tôi tin rằng các quốc gia trong khu vực nên làm việc phối hợp với nhau và theo kênh ngoại giao để giải quyết các tranh chấp mà không cần sự ép buộc, không đe dọa sử dụng vũ lực và chắc chắn là không sử dụng vũ lực" - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết tại một cuộc họp báo sau khi ARF đã kết thúc.

"Không một quốc gia nào không lo ngại về sự gia tăng căng thẳng, những lời lẽ đối đầu gay gắt và các bất đồng về khai thác tài nguyên" - bà Clinton nói.

Sau khi đề cập đến "tình trạng đáng lo ngại về sức ép kinh tế và sử dụng các tàu quân sự và của chính phủ" liên quan đến bế tắc giữa Trung Quốc và Philippines trong tranh chấp bãi cạn Scarborough, bà nói: ''Vì vậy, chúng ta trông chờ ASEAN và Trung Quốc đạt được sự tiến bộ có ý nghĩa trong việc hoàn thiện COC dựa trên luật pháp quốc tế và các thoả thuận."

Cũng cùng một quan điểm với Ngoại trưởng Mỹ Clinton, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã bày tỏ rõ ràng, "những tuyên bố hợp pháp về Biển Đông phải căn cứ vào luật pháp quốc tế và không thể nói căn cứ vào lịch sử" - theo một nguồn tin ngoại giao ASEAN cho biết.




Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba

Những tuyên bố của ông Dương Khiết Trì về vấn đề biển Đông bên lề diễn đàn ARF lần này chẳng qua chỉ là một cách lập lờ đánh lận con đen nhằm cố tình che giấu âm mưu của Trung Quốc độc chiếm biển Đông đã trở nên ngày càng lộ liễu

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã từ chối thẳng thừng các tuyên bố nêu trên, ông Trì khăng khăng cho rằng tất cả các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là "quyền vốn có của nước này" và "tất cả điều đó đều phù hợp với luật pháp quốc tế và bằng chứng lịch sử"?!

Đại diện cao cấp nhất của Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh đã thực hiện "những nỗ lực to lớn" trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực"???. Dương Khiết Trì nhấn mạnh: Trung Quốc đang "tôn trọng" luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển!?

Trong khi đó những gì đang diễn ra trên thực địa biển Đông và ngay cả trên bàn đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc trong khuôn khổ diễn đàn ARF đang hoàn toàn ngược lại với những điều ông Dương Khiết Trì vừa trình bày.

Sắp tới, các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc dự kiến sẽ tổ chức vòng tham vấn đầu tiên về cuộc thảo luận có thể diễn ra trong tháng 9 tới tại Campuchia, nhưng trong các cuộc đàm phán với những người đồng cấp ở ASEAN, ông Dương Khiết Trì đã từ chối thông qua thỏa thuận.

Ngoài ra, Trung Quốc luôn muốn bác bỏ sự can thiệp của Mỹ trong tranh chấp ở Biển Biển Đông và khăng khăng đòi đàm phán tay đôi với từng quốc gia khác.

Hiện nước này đang theo dõi thận trọng sự theo đuổi sự trở lại chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ sau một thập kỷ chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, một động thái khiến Bắc Kinh nghi ngờ Mỹ muốn bao vây và kiềm chế sự lớn mạnh của nước này.

Theo GDVN-M