“Danh tính” DN xăng dầu vi phạm tạm nhập, tái xuất sẽ được công bố ngày 5/9
Sau ngày 5/9, Tổng cục Hải quan sẽ công bố toàn bộ những thông tin liên quan của 14 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối như lượng hàng nhập ở đâu, xuất khi nào, cũng như những sai phạm và hình thức truy thu (nếu có)…
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã có kiến nghị Chính phủ cần chấm dứt ngay đối với tạm nhập tái xuất mặt hàng xăng dầu bằng đường biển.
Xăng dầu "nóng" chuyện tạm nhập, tái xuất (ảnh minh họa).
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: Thời gian gần đây có tỷ lệ không nhỏ nhiều mặt hàng đã “tạm nhập” (trong đó có xăng dầu) nhưng không hề “tái xuất” mà chờ thời điểm thuận lợi để chuyển sang tiêu thụ trong nước.
Trước thực tế này, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Bộ Công an làm rõ vụ việc, cũng như các đối tượng có liên quan. Theo đó, sau ngày 5/9, Tổng cục Hải quan sẽ công bố tổng thể về kết quả kiểm tra những mặt hàng này. Cơ quan này cũng sẽ công bố toàn bộ những thông tin liên quan của 14 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối như lượng hàng nhập ở đâu, xuất khi nào, cũng như những sai phạm và hình thức truy thu (nếu có)…
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, vừa qua, Bộ Tài chính đã tổ chức thanh tra hàng tạm nhập tái xuất tập trung các cửa khẩu trọng điểm như: Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, đồng thời tổ chức điều tra chống buôn lậu trong 3 tháng qua.
Với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính đã kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu từ tháng 5 đến đầu tháng 7/2012. Nội dung thanh tra tập trung vào thực hiện chấp hành các quy định của Nhà nước về đăng ký giá và các yếu tố hình thành giá bán của doanh nghiệp Nhà nước, kiểm tra việc chấp hành thuế, chi trả thù lao của đại lý, đơn vị đầu mối. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ sẽ ban hành kết quả thanh tra năm 2012 và xử lý sai phạm (nếu có) theo quy định, tiếp tục kiến nghị những giải pháp về cơ chế chính sách để phòng chống những tác hại rất to lớn của việc tạm nhập tái xuất đối với nền kinh tế…
Số liệu từ Bộ Tài chính cho hay, kim ngạch tạm nhập tái xuất gia tăng nhanh trong thời gian qua và bất thường trong thời gian gần đây với mức tăng cụ thể là 2006 là 1,3 tỷ USD, đến 2011 đã tăng lên 6,3 tỷ USD và 6 tháng 2012 tăng 3,8 tỷ USD. Trong vòng 5 năm, các con số trong lĩnh vực này tăng gần 5 lần.
Cũng theo đánh giá từ Bộ Tài chính, một con số bất thường tác động rủi ro tới nền kinh tế đó là số chênh lệch giữa tạm nhập và số tái xuất. Ví dụ trong năm 2007, các doanh nghiệp tạm nhập vào 1,755 tỷ USD mà tái xuất ra chỉ có 120 triệu; năm 2010 tạm nhập là 5 tỷ USD, tái xuất 4 tỷ USD.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, qua thanh tra ở những địa bàn trọng điểm, đã có 1.010 lô hàng đã quá 180 ngày tạm nhập thì có nhưng tái xuất chưa có hồ sơ. Nhiệm vụ của cơ quan thanh tra sẽ là phải làm rõ bản chất, có xuất khẩu hay không hoặc là phá hoại thị trường, bởi số lượng nhập vào là có, nhưng số ra không tương xứng.
Điều này cho thấy một lượng khá cao thẩm thấu vào nội địa. Một trong những nguyên nhân quan trọng để xảy tình trạng này theo nhận định của Bộ Tài chính là sơ hở trong cơ chế chính sách. Ví dụ như ở những mặt hàng quốc tế cấm hoặc hạn chế, mà chúng ta không cấm đặc biệt là những sản phẩm rác thải độc hại, linh kiện điện tử qua sử dụng rủi ro cao nhưng chúng ta vẫn cho tạm nhập tái xuất.
Theo quy định của quốc tế, hoạt động này phải có hợp đồng. Nhưng quy định hiện nay của Việt Nam chỉ cần có 1 hợp đồng tạm nhập mà không có hợp đồng tái xuất, vấn đề thời gian trong vòng 180 ngày cũng là một kẽ hở trong chính sách. Do đó, Bộ Tài chính đã có kiến nghị Chính phủ cần chấm dứt ngay đối với tạm nhập tái xuất mặt hàng xăng dầu bằng đường biển. Bộ Tài chính đề nghị làm rõ theo nguyên tắc trong khuôn khổ pháp luật hiện nay; phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế và bảo vệ hợp lý hàng sản xuất trong nước.
Theo (dantri.com.vn)-L.T