Để có một vụ đông thắng lợi
(Baonghean) Xác định, sản xuất vụ đông năm nay sẽ rất khó khăn do nhiều yếu tố bất lợi, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang gấp rút thực hiện nhiều biện pháp để có được một vụ đông “ăn chắc”, thắng lợi, “bù” vào thiếu hụt về sản lượng lương thực do trên 3.000 ha đất sản xuất hè thu bị bỏ hoang.
Hợp Thành là một trong những xã hiện có nghề trồng nấm phát triển rất mạnh của huyện Yên Thành. Đến thăm gia đình anh Nguyễn Trọng Bình- xóm 8, mới thấy nghề này thực sự đã đem lại những đổi thay không nhỏ. Nhà có 4 lao động, vốn làm ruộng chỉ đủ ăn, từ khi có chủ trương phát triển nghề trồng nấm của huyện, được hỗ trợ về giống, kỹ thuật, hiện gia đình anh đã có trên 600 bịch trồng nấm, mỗi ngày hái bình quân 15 - 20 kg nấm, đem lại nguồn thu nhập đáng kể.
Ông Nguyễn Sỹ Hưng - phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Vụ đông năm nay, diện tích ngô chỉ còn ổn định ở mức 2.300- 2.500 ha so với 4.000- 5.000 ha như trước, tập trung chủ yếu ở các xã vùng núi, trên đất 2 lúa và đất 1 lúa- 1 màu. Bù lại, huyện sẽ tập trung chỉ đạo mở rộng và đưa sản xuất nấm trở thành mũi chủ lực trong vụ đông, tập trung phát triển nấm mỡ tại 10 xã với quy mô từ 300-500 hộ tham gia, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động, dự kiến sẽ ký hợp đồng tiêu thụ với các công ty lớn khoảng 750 tấn sản phẩm, ngoài ra tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh và nội huyện khoảng 400 tấn.
Tuy nhiên, đây cũng là vụ sản xuất khó khăn nhất trong năm, đặc biệt, năm nay lúa hè thu gặt muộn 10- 15 ngày nên ảnh hưởng đến gieo trồng cây vụ đông, đặc biệt là ngô đông trên đất 2 lúa. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, lượng mưa trên toàn tỉnh mới đạt 20 - 30% tổng lượng mưa trung bình hàng năm, nên khả năng mưa lụt sẽ tập trung vào dịp cuối năm. Ngoài thực tế giá các loại nông sản xuống thấp, đi ngược với giá các loại giống, vật tư làm ảnh hưởng tâm lý người nông dân, còn có một bất lợi nữa là hiện các địa phương đều tranh thủ thời gian sau vụ hè thu và trước vụ xuân để tập trung dồn điền đổi thửa thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, với hơn 3.000 ha đất bỏ hoang trong vụ hè thu thì vụ đông năm nay càng đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong hoàn thành kế hoạch sản xuất cả năm. Bởi vậy, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, thực hiện chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh xuống cơ sở, nhằm hoàn thành chỉ tiêu toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 49.500 ha cây ngắn ngày (trong đó 30.000 ha ngô, còn lại là lạc, khoai và rau đậu các loại). Số diện tích bỏ hoang lớn như vậy phản ánh thực tế người nông dân ở một số nơi không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp do hiệu quả kinh tế thấp. Từ đó, cần xác định rõ, phải làm vụ đông với tinh thần nhằm giải quyết tốt vấn đề hiệu quả kinh tế chứ không làm theo phong trào. Với trên 3.000 ha bị bỏ hoang hầu hết nằm ở vùng thấp, các địa phương cần khuyến khích người dân ở vùng thấp trũng khó trồng cây vụ đông thì chuyển nuôi cá vụ 3, những vùng khác làm được vụ đông tiến hành trồng cây vụ đông sớm hơn, với điều kiện phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ và cơ cấu giống để đảm bảo an toàn.
Dưa chuột vụ đông ở Nam Đàn.
Ngành Nông nghiệp đã xây dựng một cơ cấu bộ giống phù hợp, đặc biệt là giống ngô với nhiều loại giống ngắn ngày phù hợp với yêu cầu sản xuất vụ đông. Theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ gieo trồng 30.000 ha ngô, tăng 7.206 ha so với vụ đông 2011. Do quỹ thời gian năm nay hạn hẹp, những giống ngô có thời gian sinh trưởng ngắn được ưu tiên. Với những vùng có thể thâm canh ngô dài ngày hơn như vùng thu hoạch muộn, vùng bán cao ở các lưu vực sông hoặc đất đồi vệ khác, có thể sử dụng các giống ngô dài ngày hơn như CP888, LVN10 để phát huy tiềm năng năng suất. Các giống ngô trung ngày như LVN14, Bio06, CPA88, CP999... là những giống có có triển vọng, tiềm năng nên đưa vào khai thác ở những vùng có điều kiện sản xuất thâm canh như vùng bãi, ven sông, trung du, đất 2 lúa ở những diện tích hè thu gặt sớm. Còn ở những vùng không có quỹ thời gian dài, đặc biệt trên ruộng 2 lúa gặt muộn và một số vùng bãi thấp của huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên thì chỉ được gieo trồng các giống ngô thật ngắn ngày như DK6919, LVN61... để thu hoạch cây vụ đông, kịp thời sản xuất vụ xuân, trong đó ưu tiên các giống ngô nếp ngắn ngày, tiến hành gieo trồng sớm xen với các cây rau màu khác. Cần ưu tiên tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng để tổ chức sản xuất ngô hàng hóa phục vụ cho chế biến (nhóm ngô ngọt, ngô nếp) để nâng cao hệ số an toàn cũng như hiệu quả trong sản xuất ngô đông.
Được biết, hiện nay Tổng công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An đã chuẩn bị sẵn sàng hai mặt hàng chính là giống và phân bón để phục vụ cho sản xuất vụ đông, với trên 100 tấn giống ngô LVN14 là loại giống ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, với thời gian sinh trưởng 95- 100 ngày; đồng thời, chuẩn bị đủ giống lạc L26 hiện đang được đánh giá là giống có tiềm năng năng suất cao nhất trong tập đoàn giống lạc của Việt Nam.
Lúa hè thu đã gần cho thu hoạch. Để có một vụ đông thắng lợi, các địa phương và người dân phải chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ đông như phân bón, giống ngay từ bây giờ, thu hoạch cây hè thu đến đâu, làm vụ đông đến đó, với phương châm ”thà làm ít, đầu tư thâm canh cao để đưa lại năng suất, giá trị cao, còn hơn là làm nhiều mà bấp bênh, không hiệu quả.
Phú Hương