Ngân hàng và doanh nghiệp: Cần sự đồng hành

26/08/2012 21:45

(Baonghean.vn) - Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và ổn định thị trường, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP. NHNN chi nhánh Nghệ An đã triển khai kịp thời tới các TCTD trên địa bàn. Tuy nhiên, dù rất nhiều chủ trương của Chính phủ, NHNN rất đúng nhưng kết quả triển khai chưa được như mong muốn.

Bà Nguyễn Thu Thu – Giám đốc ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết: "Sau khi có chỉ đạo của NHNN, chúng tôi chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định về lãi suất huy động, lãi suất cho vay, tập trung vốn đối với những lĩnh vực, ngành cần ưu tiên để phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới trả nợ cũ không nhằm che dấu nợ xấu, giảm lãi suất các khoản vay cũ, miễn giảm lãi trả cho khách hàng... nhằm góp phần giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tiếp cận vốn sản xuất kinh doanh được thuận lợi hơn. Đặc biệt chủ trương giảm lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15% như luồng gió mới cứu cánh doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho họ có thêm vốn duy trì sản xuất và hồi phục kinh doanh."

Đến 31/7/2012, các TCTD đã thực hiện điều chỉnh gần 80.000 khoản vay cho khách hàng, chiếm 76% tổng số khoản vay có lãi suất trên 15%, với số dư nợ được điều chỉnh lãi suất về mức tối đa 15% là gần 13.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ lãi suất cho vay đến 31/7/2012 có lãi suất từ 15% trở xuống là hơn 46.000 tỷ đồng, chiếm 67% tổng dư nợ. Đặc biệt các ngân hàng khối nhà nước như Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Vietcombank, Vietinbank đạt 100% khoản vay cũ có lãi suất trên 15% được điều chỉnh về dưới 15%.

Tuy nhiên, trên địa bàn Nghệ An, việc điều chỉnh lãi suất các khoản vay cũ tại một số TCTD do hội sở xét duyệt nên tiến độ thực hiện vẫn còn chậm. Hơn nữa, trong quá trình triển khai Nghị quyết 13/NQ- Cp vẫn còn nhiều vướng mắc, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp thời gian qua, theo đánh giá NHNN và các tổ chức tín dụng trên địa bàn còn gặp khó khăn.

Toàn tỉnh hiện có 4.487 doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng chiếm 70% tổng số DN đang hoạt động với dư nợ đến 30/06 là 36.101 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, vốn tự có thấp, nguồn vốn sản xuất kinh doanh phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, đa phần DN có quy mô nhỏ nên năng lực tài chính hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp, quản trị nội bộ và quản lý tài chính chưa chặt chẽ, không tạo dựng được niềm tin đối với các ngân hàng. Một số DN nhỏ và vừa quản lý theo kiểu gia đình nên thiếu khoa học tính minh bạch còn yếu, độ tin cậy thấp, do đó khả năng tiếp cận vốn của họ cũng thấp, muốn vay được vốn phải có tài sản thế chấp. Đây chính là rào cản lớn trong việc tiếp cận vốn của DN nhỏ và vừa.



Thiếu vốn được coi là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.

Anh Nguyễn Văn Toàn – Phó GĐ Công ty CP 471 cho biết: Do nợ xây lắp, công trình chưa được thanh toán nên chưa có nguồn để trả nợ BHXH, BHYT cho người lao động. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp làm việc với ngân hàng để được vay thanh toán các khoản này thì không được chấp thuận. Công ty chúng tôi hiện có trên 400 lao động, trước tình hình khó khăn hiện nay chúng tôi hiện còn nợ BHXH, BHYT trên 1 tỷ đồng. Bị nợ vốn, lại không được vay khiến DN bị vây bủa bởi các khoản nợ BHXH, BHYT.

Xung quanh vấn đề này, ông Phan Hữu Phùng – Giám đốc ngân hàng TMCP Sài Gòn chi nhánh Nghệ An chia sẻ: Nhiều DN do sản phẩm đang ứ đọng, sức mua giảm, chi phí tăng, tồn kho tăng nên không đủ điều kiện vay vốn. Nhiều DN kinh doanh nhiều lĩnh vực, không quản lý tốt dòng tiền, không chứng minh được dòng tiền khi nào về, khi nào đi, khiến ngân hàng ngại cho vay, đặc biệt là trong bối cảnh NHNN ban hành văn bản quy định sử dụng phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay của TCTD. Các DN thường có mối liên hệ, liên kết bạn hàng với nhau, khi doanh nghiệp này khó khăn sẽ kéo theo sự khó khăn cho nhiều DN khác, ảnh hưởng đến quan hệ tín dụng với ngân hàng. Bản chất ngân hàng là một tổ chức trung gian, phải đảm bảo an toàn vốn, do đó khi ngân hàng cho vay, họ phải đảm bảo thu hồi lại vốn. Thực tế hiện nay, các ngân hàng đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu trong toàn hệ thống, nên càng cẩn trọng hơn trong các điều kiện cho vay

Trong khi đó, về phía các TCTD, mặc dù lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay chưa giảm được nhiều và còn ở mức cao nên khả năng hấp thụ vốn này rất khó, việc tìm kiếm những doanh nghiệp có sức khỏe và dự án tốt là rất khó khăn, bởi sức mua của thị trường giảm mạnh. Vì vậy, đến ngày 31/7/2012 có tới 19/33 NHTM, QTDND TW tăng trưởng tín dụng âm. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong thanh toán nợ khiến nợ xấu ngân hàng tăng rất nhanh (đặc biệt doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, xây dựng, công nghiệp chế biến....). Nợ xấu đến đầu tháng 8/2012 là hơn 2.300 tỷ đồng, chiếm 3,4% trên tổng dư nợ toàn địa bàn, trong đó nợ xấu doanh nghiêp là 1.111 tỷ đồng, chiếm gần 48%. Nợ xấu tăng cản trở rất lớn cho các dòng vốn của TCTD được đưa vào DN. Hiện tượng khách hàng lừa đảo khi làm thủ tục vay vốn ngân hàng, khách hàng vỡ nợ... khiến ngân hàng thận trọng hơn trong quá trình thẩm định dự án, phương án sản xuất kinh doanh, tài sản đảm bảo, xét duyệt cấp tín dụng, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng.

Ngoài ra, việc cụ thể hóa chính sách và những tiêu chí để giải quyết những vấn đề thủ tục, địa chỉ được vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tại một số TCTD chưa nhanh và thiếu cụ thể cũng hạn chế đối với DN trong tiếp cận vốn lãi suất ưu tiên. Nguồn vốn huy động của các TCTD chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn lại cần nhiều nguồn vốn trung và dài hạn, vì vậy các TCTD gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn trung dài hạn của DN.

Có thể nói rằng, sự phối hợp giữa một số TCTD với doanh nghiệp, cũng như sự chia sẻ để cùng tồn tại vượt qua khó khăn thiếu nhịp nhàng, cộng với độ trễ của quá trình thực hiện cho nên dù rất nhiều chủ trương của Chính phủ, NHNN rất đúng nhưng triển khai chưa được kết quả như mong muốn.


Thu Huyền