Hoàng Sa, Trường Sa chưa bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc!

29/07/2012 17:23

Với bao công sức tìm tòi, lắp ghép, xây dựng lý lẽ trong mấy chục năm qua, Trung Quốc vẫn không chứng minh được rằng nước này đã chiếm hữu các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ bao giờ, đã thực hiện "chủ quyền" đó ra sao. Đó là một việc mà họ không bao giờ có thể làm được, bởi từ trước tới nay, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc.

Qua nghiên cứu thấy rằng, đúng là Hoàng Sa và Trường Sa đã được ghi nhận và mô tả trong các tài liệu của Trung Quốc, nhưng chúng chỉ dừng lại ở việc ghi chép những hiểu biết của người Trung Quốc đương thời về địa lý, lịch sử, phong tục… các nước thuộc khu vực Đông Nam Á và Nam Á và đường hàng hải từ Trung Quốc ra nước ngoài mà không có bất kỳ sự ghi chép nào về việc nhân dân Trung Quốc "đến hai quần đảo này sản xuất". Các tác phẩm đó chỉ được xem như các tài liệu chứng minh sự hiểu biết chung các địa điểm chứ không có ý nghĩa trong pháp lý. Theo ông Nguyễn Đình Đầu - Ủy viên Ban chấp hành Hội Sử học Việt Nam, thật khó có thể chấp nhận với các tác giả Trung Quốc khi họ rút ra từ đó kết luận: Hoàng Sa, Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ của Trung Quốc: “Bản đồ cổ của Trung Hoa vẽ về Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ XV ghi rõ địa điểm của Việt Nam là Giao chỉ quốc, nước Giao chỉ và biển thì ghi rõ là Giao chỉ dương, tức là ghi rõ đất liền là Giao chỉ quốc và biển là biển của Giao chỉ. Hàng trăm bản đồ quốc tế khác cũng đều chỉ rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Tất cả đều rất thống nhất với nhau”.

Người Trung Quốc còn đưa ra các dẫn chứng khác để chứng minh chủ quyền từ lâu đời của mình đối với hai quần đảo này.



Bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613 khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam- Ảnh: TS Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng cung cấp.

Đó là dưới thời Bắc Tống (thế kỷ thứ X-XII), các cuộc tuần tra quân sự của nước này đã được tổ chức, xuất phát từ Quảng Đông đi tới Hoàng Sa, rồi kết luận rằng "triều đình Bắc Tống đã đặt quần đảo Tây Sa và phạm vi cai quản của mình", "hải quân Trung Quốc đã đi tuần tra đến vùng quần đảo Tây Sa". Tuy nhiên, khi phân tích kỹ dữ liệu này thấy rằng, đó không phải là cuộc tuần tra mà chỉ là chuyến thăm dò địa lý cho tới tận Ấn Độ Dương, không minh chứng một sự chiếm hữu nào.

Sự kiện thứ hai là việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn sự kiện đo đạc thiên văn đầu đời Nguyên ở "Nam Hải" để nói rằng, "quần đảo Tây Sa đã nằm trong cương vực Trung Quốc đời Nguyên". Tuy nhiên, từ sự ghi chép trong Nguyên Sử, thấy rõ việc đo đạc thiên văn ở 27 nơi không phải là "đo đạc" "toàn quốc" như văn kiện của Bắc Kinh nói mà là "đo đạc bốn biển", cho nên mới có cả một số nơi ngoài "cương vực Trung Quốc" như Cao Ly nay là Triều Tiên, Thiết Lặc nay thuộc vùng Xi-bia của Nga, Nam Hải tức Biển Đông. Mặt khác, chính Nguyên Sử cũng đã nói rõ "cương vực" Trung Quốc đời Nguyên, phía Nam chỉ đến đảo Hải Nam.

Qua việc xem xét kỹ các tư liệu do người Trung Quốc đưa ra, bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia châu Âu kết luận: Người Trung Quốc cách đây khá lâu đã biết ở Biển Đông có nhiều đảo mọc rải rác nhưng chúng không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng, Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khai phá, khai thác và quản lý hai quần đảo này.

Trong khi đó, các tài liệu của Việt Nam cho thấy, Việt Nam không chỉ có sự hiểu biết lâu đời đến hai quần đảo này mà còn chiếm hữu thực sự chúng ít nhất từ thế kỷ XVII, là nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền trên các quần đảo này.


P.V (tổng hợp)