Điểm sáng Tam Quang

17/09/2012 21:33

(Baonghean) - So với các địa phương khác trong tỉnh, những kết quả ban đầu của quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Tam Quang (Tương Dương) còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh chung của một huyện nghèo thì Tam Quang thực sự là một “điểm sáng”.

Ngược Quốc lộ 7, đến địa phận xã Tam Quang - huyện Tương Dương, ai cũng bất ngờ bởi sự sầm uất, náo nhiệt của một xã miền núi cao. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên, khu chợ sầm uất, đường sá rộng rãi… vốn là những hình ảnh không có nhiều ở một huyện nghèo thuộc Chương trình 30a.

Ông Hồ Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã hồ hởi cho biết: Trong các kết quả triển khai thực hiện xây dựng NTM trên toàn huyện thì xã Tam Quang luôn dẫn đầu và đạt được hiệu quả cao nhất. Vì thế, huyện đã đưa Tam Quang vào danh sách đăng ký đạt chuẩn NTM vào năm 2015 cùng với 2 xã điểm là Thạch Giám và Tam Thái. Hiện tại, Tam Quang đã đạt được 5 tiêu chí trong 19 tiêu chí của nông thôn mới, bao gồm: quy hoạch và thực hiện quy hoạch, bưu điện, chợ nông thôn, y tế và an ninh trật tự. Nhưng như ông chủ tịch xã cho biết thì hiện Tam Quang còn đạt thêm 2 tiêu chí nữa, đó là điện và hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh. Ông Sơn lý giải, hiện nay, 100% người dân trong xã đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Hầu hết các cán bộ từ xã đến thôn bản đều có bằng cấp và kiến thức vững vàng.



Đường giao thông nông thôn tại bản Bãi Xa đã được bê tông hóa

Có được những kết quả trên, một động lực quan trọng và quyết định chính là sự đồng thuận từ mỗi người dân trong xã. Sau khi được quán triệt và tuyên truyền về mục đích và ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM, nhân dân toàn xã đã ra sức chung tay xây dựng NTM. Toàn xã đã hiến gần 3.200 m2 và giải tỏa gần 7.000 m hành lang, san gạt mặt đường giao thông nông thôn nội bản. Trong đó, bản Bãi Xa thực hiện tích cực nhất, hiến 218,4 m2 và giải tỏa 2.500m đường. Ông Lô Xuân Việt ở bản Bãi Xa cho biết: “Gia đình chúng tôi đã tự nguyện hiến hơn 100m2 và chặt bỏ hàng chục cây mít. Bà con ở đây khi nghe phổ biến xây dựng nông thôn mới thì ai cũng hào hứng. Vì nhận thức được xây dựng nông thôn mới là xây dựng đời sống cho mình mà”.

Sự đồng lòng của người dân còn thể hiện ở việc huy động ngày công, đóng góp tài sản để xây dựng NTM. Hiện người dân trong xã đã huy động được 5.682 ngày công và hơn 300 triệu đồng kinh phí do người dân tự nguyện đóng góp. Như bản Bãi Sở, mỗi khẩu đóng 500 ngàn đồng, bản Bãi Xa, mỗi hộ đóng 300 ngàn đồng. “Do thực hiện dân chủ nên người dân đồng lòng rất cao và số tiền đóng góp được rất lớn. Nổi bật là bản Bãi Sở đã đóng góp được 224 triệu đồng. Nhờ sự đóng góp của người dân mà xã có điều kiện thực hiện các kế hoạch đề ra”, ông Tống Văn Chiến - Trưởng bản Bãi Sở nhấn mạnh.

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã là hơn 50%. Điều mà cấp ủy, chính quyền xã băn khoăn là phải làm sao để nâng cao đời sống của người dân, có nên nhiều chính sách và biện pháp thiết thực, cụ thể nhằm giúp nhân dân có điều kiện phát triển kinh tế. Hầu hết hộ nghèo trong xã đều đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện tổng dư nợ của xã là hơn 30 tỷ đồng. Mỗi năm, hàng chục gia đình đã thoát nghèo nhờ biết cách sử dụng đúng mục đích nguồn vốn này. Ngoài ra, xã còn tổ chức các mô hình kinh tế để người dân có điều kiện tham quan, học hỏi kinh nghiệm, như mô hình nuôi gà địa phương, trồng dưa hấu, nuôi lợn đen, lợn rừng... Sắp tới, xã sẽ phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Du lịch và Thương mại Nghệ An mở 2 lớp dạy cách trồng rau sạch và chế biến thực phẩm cho lao động trong xã đến học tập.

Ngoài 9 bản nằm sát tuyến Quốc lộ 7, xã Tam Quang hiện có 3 bản nằm ở khu vực biên giới, đời sống người dân rất thấp. Trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xã thường ưu tiên cho 3 bản này. Xã đang vận động người dân tham gia trồng rừng và phát triển chăn nuôi. Cả xã có khoảng 450 ha xoan đâu và gần 600 ha mét. Bên cạnh đó, xã đang có chủ trương tăng diện tích để tăng sản lượng các loại nông sản chủ lực của xã như lúa, ngô, lạc… Hiện toàn xã có 96 ha lúa nước và hơn 200 ha lúa rẫy; 35 ha ngô. Đặc biệt, dù là xã miền núi nhưng Tam Quang đã trồng được hơn 30 ha lạc/2 vụ/năm. Xã đã mạnh dạn đưa giống lạc L26 vào trồng thử nghiệm trên diện tích 12 ha, trong đó có 2 ha làm mô hình và diện tích còn lại là nhân dân tự mua giống về gieo trỉa.

Với những kết quả mà Tam Quang đạt được, kế hoạch đến năm 2015 xã đạt đủ 19 tiêu chí trong xây dựng NTM là điều mà chính quyền và người dân nơi đây hướng đến. Từ sự thành công của Tam Quang là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác trong công tác vận động sức dân để xây dựng NTM ở Tương Dương.


Ph­ạm Bằng