Gieo sạ - nên hay không ?
(Baonghean) - Do vụ lúa xuân năm nay gặt chậm hơn so với năm bình thường từ 20-25 ngày, kéo theo vụ lúa hè thu phải gieo cấy chậm lại từ 10-15 ngày so với lịch thời vụ quy định của ngành nông nghiệp. Trước thực tế đó, trước vụ lúa hè thu năm nay, Sở NN&PTNT chủ trương không nên gieo sạ mà nên tập trung gieo mạ để cấy nhằm mục đích đẩy thời gian sinh trưởng của cây lúa về trước ít nhất được 10-15 ngày hoặc hơn nữa để thu hoạch cơ bản xong trước ngày 10 tháng 9.
Hiện nay lúa hè thu trên đồng ruộng đi từ Quỳnh Lưu đến Diễn Châu, lên Yên Thành, về Đô Lương, sang Thanh Chương, xuống Nam Đàn, Hưng Nguyên và Nghi Lộc, cho thấy: Ở 3 huyện vùng Diễn - Yên - Quỳnh, nhiều nơi bà con nông dân đã xuống đồng gặt lúa. Tại huyện Yên Thành, vụ lúa hè thu năm nay gieo cấy trên 13.000ha, lúa đã chín vàng, bà con nông dân ở các xã Long Thành, Bảo Thành, Vĩnh Thành, Khánh Thành, Hồng Thành, Thọ Thành, Đô Thành, Nhân Thành,…đã xuống đồng thu hoạch lúa hè thu 2-3 ngày nay. Khả năng toàn huyện sẽ thu hoạch xong cơ bản vụ lúa hè thu này trước ngày 10 tháng 9. Năng suất lúa vụ hè thu dự kiến đạt bình quân 52 - 53 tạ/ha.
Tại huyện Diễn Châu, vụ hè thu này gieo cấy 9.200ha lúa. Đến bây giờ lúa bắt đầu vào giai đoạn thu hoạch. Riêng một số xã gieo cấy được sớm hơn như Diễn Đồng, Diễn Nguyên, Diễn Thái, Diễn Liên,…nông dân đã xuống đồng gặt lúa được vài ngày nay.
Theo ông Phan Xuân Vinh - Trưởng phòng NN & PTNT huyện Diễn Châu thì năng suất vụ lúa hè thu năm nay toàn huyện có khả năng đạt bình quân từ 55-56 tạ/ha. Tại Quỳnh Lưu cũng như 2 huyện nói trên, lúa đã vào giai đoạn chín đồng loạt. Nhưng cái khác ở Quỳnh Lưu là cơ cấu nhiều giống lúa BC15 có thời gian sinh trưởng dài nên thu hoạch chậm hơn 2 huyện Diễn Châu và Yên Thành từ 5-7 ngày.
Trong khi đó, ở các huyện vùng Nam - Hưng - Nghi, TP Vinh và một số địa phương ở huyện Thanh Chương, lúa hè thu đang ở giai đoạn mới trổ xong, thậm chí có nhiều nơi lúa chưa trổ. So với các vụ hè thu trước đây, vụ lúa hè thu năm nay ở các huyện nói trên phải thu hoạch chậm hơn trên dưới 20 ngày và đại bộ phận sẽ thu hoạch vào cuối trung tuần tháng 9 trở đi. Đây là thời điểm mưa to, lụt lớn, bão nhiều thường xảy ra ở tỉnh ta rất dễ gây mất mùa đối với vụ lúa này.
Vì sao có chuyện cũng là vụ lúa hè thu cơ cấu các giống lúa gieo cấy gần như nhau mà nơi thì đã và đang thu hoạch, nơi thì lúa mới trổ xong hoặc đang trổ. Để hiểu rõ vấn đề này, ngay từ đầu Sở NN&PTNT đã chủ trương không nên tiến hành gieo thẳng (gieo sạ) vụ lúa hè thu năm nay với lý do vụ lúa xuân thu hoạch chậm hơn năm bình thường trên dưới 20 ngày, thậm chí có địa phương chậm gần 1 tháng. Vì vậy, chỉ nên tiến hành gieo mạ để cấy nhằm đẩy thời gian sinh trưởng của các giống được từ 15-18 ngày thông qua giai đoạn mạ. Nhưng chủ trương này không được bà con nông dân ở các huyện vùng Nam - Hưng - Nghi, TP Vinh và một số địa phương khác thực hiện mà họ chỉ áp dụng biện pháp gieo thẳng. Khi chúng tôi hỏi nhiều bà con nông dân ở các huyện nói trên vì sao không gieo mạ để cấy nhằm cho thu hoạch sớm hơn để đề phòng mưa to, lụt lớn, bão nhiều làm mất mùa. Câu trả lời gần như rất giống nhau, đó là: Gieo thẳng đơn giản, nhẹ nhàng, nhanh chóng. Còn gieo mạ thì phải xúc để cấy mất nhiều thời gian nên không ai muốn gieo mạ để cấy.
Bây giờ lời giải cho đáp số nên và không nên gieo sạ lúa trong vụ hè thu năm nay đã rõ. Một bên thì lúa đã vào bồ, một bên thì lúa đang trổ hoặc mới trổ xong. Bên nào ăn chắc hơn bên nào trong điều kiện diễn biến của thời tiết, của mùa mưa lụt bão. Trách nhiệm này không nên đổ lỗi hoàn toàn do dân, trong đó có vai trò của lãnh đạo các địa phương từ huyện xuống xã.
Doãn Trí Tuệ