Từ hàng ghế khán giả: Đồ rê mí làm tôi lo lắng

14/08/2012 16:32

Cuộc thi đã khép lại, cũng là khép lại một mùa Ðồ rê mí đổi mới với nhiều khen chê. Từ góc nhìn của một người làm cha làm mẹ, một bạn đọc vừa gửi đến Tuổi Trẻ hai nỗi lo.



Nhật Tiến trình diễn ca khúc Trống cơm. Một số khán giả cho rằng màn nhảy minh họa trong tiết mục này không phù hợp với một tiết mục dành cho thiếu nhi

Mùa Ðồ rê mí thứ 6 đã khép lại với chiến thắng chung cuộc thuộc về cậu bé 9 tuổi Nhật Tiến. Ðêm chung kết trên sóng VTV3 (kết thúc lúc hơn 23g ngày 12-8) đã phản ánh đầy đủ và sinh động nhất những điều được lẫn chưa được của chương trình này.
Hát thật là điểm sáng lớn nhất của chương trình ươm mầm tài năng âm nhạc nhí đã đi đến mùa thứ 6 này. Kèm theo đó là không ít những điều khiến các bậc phụ huynh phải lo lắng.

Ðiều lo lắng thứ nhất dành cho các cháu bé dự thi. Lịch trình dày đặc các thể loại biểu diễn từ nhạc kịch, múa đến hát ru làm cả người lớn còn phải e ngại huống hồ trẻ con. Ngay cả những chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc cho người lớn cũng không bắt buộc thí sinh phải thử sức với quá nhiều thể loại âm nhạc như thế. Không ít người đã phải nhăn mặt và không hiểu nổi vì sao ban tổ chức lại cho các bé tuổi bé xíu hát những ca khúc như Rock con diều hay Bạch Ðằng Giang? Các cháu có hiểu gì về những ca khúc ấy để thể hiện được chiều sâu chăng, hay là chỉ nhại theo người lớn?

Bên cạnh đó, cách tổ chức ngày càng nặng tính đối đầu (thể hiện rõ nhất qua đêm chung kết vừa qua) cũng làm không ít người xem lo ngại. Ngoại trừ những bé quá nhỏ và quá hồn nhiên thì không kể, còn lại không ít bé tỏ lộ sự căng thẳng và ganh đua thứ hạng. Những sang chấn tâm lý hậu - thi - cử - gay - cấn liệu có được cân nhắc đầy đủ? Một số bé có sức khỏe không tốt, bị sốt, suốt cả ba ngày liên tục không ăn uống gì nhưng bố mẹ và nhà đài vẫn cho bé hát và dự thi, lại còn vui mừng khi thấy bé hoàn thành "nhiệm vụ". Giả định trong quá trình bé dự thi có sự cố xảy ra thì liệu mọi việc sẽ đi đến đâu?

Một nỗi lo lắng khác cũng lớn không kém chính là việc trang điểm quá đậm, quá liên tục cho các bé. Làn da non nớt của các bé "chịu đựng" phấn son đậm đặc hàng tuần liệu có tốt không? Và vì sao phải trang điểm đến mức như thế mà không để cho các cháu có gương mặt hồn nhiên đúng như tuổi thơ của mình? Câu hỏi này xin được dành cho ban tổ chức!

Ðiều lo lắng thứ hai thuộc về các bậc phụ huynh có con xem chương trình. Không ít câu trả lời khá "ngoại giao" của các bé tham gia chương trình cũng làm người lớn giật mình. Ngoài việc trầm trồ bọn trẻ thông minh quá, khéo léo quá là sự nghi ngại: liệu có phải chính các em nói như thế không hay là các bé được mớm lời trước? Có những câu trả lời mà nội dung lại khác với thái độ của bé thể hiện và điều đó làm không ít người lớn phải quan ngại: tại sao bé không (được) nói thật những xúc cảm của mình?

Ðồ rê mí là một nỗ lực tạo sân chơi cho các thiếu nhi trên sóng truyền hình của Ðài truyền hình VN. Thế nhưng, qua mùa thứ 6, sân chơi này đã bộc lộ những bất cập không đáng có khi không giữ được "sự trong lành" cần thiết cho một chương trình thiếu nhi.


Theo(baomoi)-T.N