Màu xanh dưới chân núi Đại Bần

08/09/2012 16:01

(Baonghean) Nhiều người biết ông Đậu Xuân Trình là chủ trang trại nổi tiếng ở xã Hưng Yên Nam (Hưng nguyên), nhưng ít ai biết ông là CCB khi trở về với quân hàm đại úy, bệnh binh 2/3. Ông đang làm giàu dưới chân núi Đại Bần của dải Đại Huệ. Với ông, làm kinh tế trang trại là phải biết tính toán thì mới bền vững...


Ở huyện Hưng Nguyên bây giờ đã có hàng trăm trang trại, mô hình làm kinh tế giỏi, nhưng theo người dân nơi đây thì trang trại của CCB Đậu Xuân Trình ở xã Hưng Yên Nam, mặc dù thu nhập chưa phải lớn nhất, nhưng ai cũng khâm phục sự tâm huyết của ông.


Từ xa, chúng tôi đã quan sát thấy ngôi nhà 2 tầng dưới chân ngọn núi Đại Bần, xung quanh là bạt ngàn cây xanh. Đại Bần là một trong ngọn núi cao nhất của dải Đại Huệ. Rối rít mời chúng tôi vào nhà, chủ trang trại hồ hởi hỏi han và trải lòng: Sinh năm 1956, trong gia đình bố mẹ làm nông nghiệp, quê gốc ở xã Hưng Khánh. Nhưng vì trận lũ lụt năm 1965 làm sạt lở bờ sông Lam, gia đình phải sơ tán đến xóm 1, xã Hưng Yên Nam sinh sống. Lớn lên, ông nhập ngũ, rồi trở thành sỹ quan quân đội.

Năm 1991, ông trở về quê với bệnh binh 2/3, quân hàm đại úy. Mặc dù đồng lương hưu tạm đủ sống, nhưng không có việc làm khiến ông ngày đêm trăn trở. Đúng thời điểm đó, Nhà nước có chủ trương phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bằng Chương trình trồng rừng 327. Thấy núi Đại Bần toàn những lau lách, sim, mua... ông viết đơn xin xã nhận thầu trồng rừng. Diện tích đất được trồng rừng, xã đo được là 7 ha. Chỉ trong vài năm, mái phía Đông của núi Đại Bần đã được trồng thông. Đến năm 1996, khi rừng thông bắt đầu khép tán, ông nghĩ đến khai hoang đất màu vùng ven chân núi làm kinh tế trang trại. Ý tưởng này, ông đã ấp ủ từ trước, bởi gần 20 năm trong quân đội, ông đã được tham quan rất nhiều mô hình trang trại chăn nuôi, trồng trọt vươn lên làm giàu chính đáng. Vùng đất này có hơn 5 ha, người dân bản địa gọi là khe Lốt. Nghĩ là làm, thời gian đầu ông đầu tư chăn nuôi bò, kết hợp với trồng sắn dây. Thời điểm cao nhất trong tay ông có hẳn 40 con bò, năm 1996, ông được đi báo cáo điển hình làm kinh tế trang trại của tỉnh.



Đàn gà cỏ, nguồn thu nhập chính từ trang trại ông Đậu Xuân Trình.

Có nguồn vốn kha khá, kết hợp với nguồn vốn vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, ông chuyển hướng làm ăn bằng trồng cây ăn quả, kết hợp đào ao nuôi vịt, thả gà. Ông thuê máy múc đào được 7 nghìn m2 ao cá. Vì khe suối nhiều, quanh năm đầy nước, rất thuận lợi cho việc nuôi vịt đẻ. Từ năm 2000 đến nay, đàn vịt đẻ của ông luôn duy trì 1.500 - 2.000 con. Ông cha có câu "muốn giàu nuôi vịt" cũng đúng, thời điểm những năm từ 2000 đến 2006, người nuôi vịt đẻ trúng đậm, vì thời điểm đó ít dịch bệnh. Sau này, dịch bệnh gia cầm xuất hiện liên tục, khiến người chăn nuôi lao đao. Năm 2011, ông quyết định chuyển nuôi vịt sang nuôi gà thả đồi, kết hợp với trồng chanh là cây chủ lực. Khai hoang đến đâu, ông trồng chanh đến đó. Giống ông chọn là chanh Xã Đoài, ra quả 2 vụ/năm, nếu chăm sóc tốt có thêm 1 vụ theo. Năm 2.000, ông đã có 1.000 gốc chanh.


Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, toàn bộ 5 ha đất ven đồi này không còn chỗ trống. Nào ao cá, vườn chanh, chuồng trại... được ông bố trí khoa học. Ông Trình thổ lộ, toàn bộ hệ thống ao này đang nuôi cá lóc tự nhiên. Nghĩa là không thả cá giống, không cho thức ăn, bởi trong ao từ lâu đã có rất nhiều cá lóc tự nhiên. Vườn chanh thời điểm này đang sai quả, cây nào cũng trĩu cành. Vì đất chân đồi có độ dốc, nên ông trồng chanh theo hàng ngang. Mỗi hàng, đào một rãnh nước, nhằm giữ độ ẩm sau mưa. Với cách làm đó, cây chanh nào trong vườn của ông cũng xanh tốt. Kinh nghiệm là trồng chanh phải chú ý đến sâu bệnh. Chanh thường xuất hiện rầy trên lá, sâu đục thân và sâu xanh ăn lá. Cần phải phun thuốc trừ sâu bảo vệ chanh. Giống chanh Xã Đoài mọng nước, vỏ mỏng, hương vị đặc trưng, người tiêu dùng ưa chuộng. Do biết cách chăm sóc, vườn chanh của ông Trình mỗi năm ra quả 3 vụ, bán ra thị trường hàng chục tấn quả. Giá bán hiện nay từ 10 - 15 nghìn đồng/kg, có bao nhiêu cũng hết, thương lái đến tận nơi thu hái, cân tại vườn. Anh Sơn, cán bộ nông nghiệp xã đi cùng, cho hay, không riêng gì ông Trình mà những hộ sống gần chân đồi của xã Hưng Yên Nam đều trồng chanh Xã Đoài. Chanh ở đây đã có "thương hiệu", không những người tiêu dùng ở Vinh mà cả Hà Nội và các tỉnh khác cũng vào mua. Ngày nào Hưng Yên Nam cũng có vài ba xe ô tô từ các nơi đến thu mua chanh đi tiêu thụ.


Khoe đàn gà thả vườn trên nghìn con, ông Trình bốc mấy nắm thóc, ra tín hiệu gọi gà bằng cách gõ vào nồi nhôm. Từng đàn gà to, nhỏ từ khắp nơi kéo về mỗi lúc một đông. Ông Trình nói, toàn bộ gà của tôi nuôi là gà cỏ, không bao giờ cho ăn thức ăn công nghiệp. Mỗi ngày 2 lần cho ăn thóc, hoặc ngô xay, chúng kéo nhau lên đồi bới đất tìm mồi. Nuôi gà cỏ thuận lợi là chúng tự tìm mồi và sức đề kháng cao nên ít khi bị dịch bệnh. Đặc biệt là người tiêu dùng ưa thích, vì thịt chắc, ngon, rất dễ tiêu thụ. Bất kể lúc nào, dù đắt hay rẻ, tôi đều có gà thịt bán. Vào ngày mồng 1 và ngày Rằm hàng tháng, lái buôn đến tận nơi mua. Có những ngày tôi xuất bán 200 con gà, được trên dưới 30 triệu đồng. Với hàng chục gà mái đẻ, ấp nở được bao nhiêu đều để nuôi, nên đàn gà phát triển nhanh, ít dịch bệnh.


Tích cóp được đồng vốn, ông Trình nghĩ đến chăn nuôi lớn hơn. Mới rồi ông đầu tư hàng chục triệu đồng mua 3 con hươu và 7 con chồn lông nhung về nuôi. Chồn lông nhung mới xuất hiện trên thị trường, mỗi con giống có giá 1 triệu đồng. Thức ăn cho chúng là lá cây, cỏ... sinh sản nhanh. Một con cái mỗi năm sinh sản 5 lứa, mỗi lứa từ 3 - 5 con. Thị trường tiêu thụ chồn thịt thường là khách sạn, nhà hàng.


Trang trại 5 ha và 7 ha rừng thông đang thời kỳ khai thác nhựa, đòi hỏi phải có lực lượng lao động hàng ngày. Ngoài tạo việc làm cho 9 lao động trong gia đình, ông còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động trong vùng, những công việc phổ thông, như làm cỏ, bón phân, vun gốc... Song với ông, điều quyết định là ngoài chịu khó, chủ trang trại cần phải biết tính toán. Trồng cây gì, con gì, và làm như thế nào là phải tìm hiểu kỹ, phải biết cách làm và dựa vào điều kiện đất đai của mình. Ví như quả chanh và gà thịt là thị trường lúc nào cũng cần, mặc dù giá cả có lúc lên, lúc xuống. Cả 2 cây trồng, vật nuôi này phù hợp với điều kiện trang trại của mình. Giá cả lên xuống là do thị trường, nhưng xác định cây trồng, vật nuôi chính của mình là lúc nào cũng có hàng để bán, mới tạo được uy tín với khách hàng...


Dám nghĩ, dám làm và đầy tâm huyết, CCB Đậu Xuân Trình đã biến núi Đại Bần trơ trọi ngày nào giờ đã được phủ một màu xanh của rừng thông và vườn cây ăn quả, mỗi năm thu nhập tiền tỷ. Ông còn là "cầu nối" của bà con nông dân với địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, pháp luật Nhà nước, tích cực tham gia vào phong trào văn hóa, xã hội, góp phần xây dựng quê hương của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ngày càng đổi mới!


Xuân Hoàng