Bài học thực tiễn từ doanh nghiệp TH Group

10/08/2012 10:39

(Baonghean) Vừa qua tại Hà Nội, Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông qua Nhóm hỗ trợ Quốc tế (ISG) tổ chức diễn đàn đối thoại chính sách về "Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thông qua đối tác công tư" giữa các cơ quan hoạch định chính sách, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, với mục tiêu tham vấn xây dựng các chính sách khuyến khích và hợp tác đầu tư vào công nghệ cao cho nông nghiệp.

Tại hội nghị, bà Thái Hương - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, Chủ tịch Tập đoàn TH đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình khi tư vấn cho Tập đoàn TH xây dựng thành công mô hình chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp lớn tại miền Tây Nghệ An.


Nghệ An Cuối tuần xin trân trọng giới thiệu nội dung cơ bản trong tham luận của bà Thái Hương.


Trên thế giới, có rất nhiều nước đã ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp và gặt hái được nhiều thành công. Điển hình như Israel - một nước bán sa mạc, khí hậu khắc nghiệt, nhưng chất lượng sữa và các sản phẩm nông nghiệp được đánh giá hàng đầu trên thế giới. Mỗi năm Israel xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD nông sản và là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Kinh nghiệm quan trọng nhất của Israel để xây dựng được một nền nông nghiệp hiện đại là đầu tư cho khoa học kỹ thuật. Một ví dụ khác là Hà Lan - diện tích đất canh tác bình quân mỗi người người khoảng 0,058 ha, là mức thấp nhất của thế giới. Tuy nhiên, hiệu suất sản xuất của đất tại Hà Lan lại đứng đầu thế giới. Vì thiếu đất canh tác, Hà Lan thực thi chiến lược "đầu tư cao-sản xuất nhiều" với việc phát triển thủy lợi và hệ thống nhà kính. Diện tích nhà kính của Hà Lan gần 11.000 ha, chiếm 25% tổng diện tích nhà kính trên toàn thế giới. Trong đó, có tới 40% dùng để sản xuất rau, 35% sản xuất hoa, 20% sản xuất cây ăn quả, hiệu quả tăng 5-6 lần sản xuất ngoài trời...




Phó Thủ tướng nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào Somsavat Lengsavad và lãnh đạo tỉnh thăm Trang trại Tập đoàn TH.

Thành công trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của các nước trên thế giới sẽ là kinh nghiệm quý để Việt Nam nghiên cứu, học tập và phát triển ngành Nông nghiệp. Vì vậy, Ngân Hàng TMCP Bắc Á với tư duy vượt trội, tiên phong, chuyên nghiệp, cải tiến không ngừng, vì hạnh phúc đích thực của mỗi con người, quyết tâm làm giàu chính đáng mang lại giá trị bền vững cho các nhà đầu tư và ấm no hạnh phúc cho cộng đồng, đã tư vấn cho Tập đoàn TH đề xuất với UBND tỉnh Nghệ An xin được cấp đất mở trang trại bò sữa, rau sạch.

Để có được sản phẩm sữa tươi sạch, Tập đoàn TH đã mua toàn bộ bí quyết công nghệ cùng kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của Israel và quy trình chế biến hàng đầu trên thế giới từ các nước tiên tiến. Khi đặt mua quy trình của Israel, để đảm bảo sự tuân thủ đúng quy trình, TH đã mời chuyên gia và đưa nông dân của Israel vận hành máy móc, thiết bị, đồng thời hướng dẫn, đào tạo người Việt Nam. Hiện nay, TH có một hệ thống làm việc trong môi trường chuyên nghiệp ở tất cả các khâu nhờ được quản lý trực tiếp bởi hai công ty đa quốc gia là Công ty Afikim của Israel về quản trị đàn bò và Công ty Totally Vets của New Zealand quản trị về mặt thú y. Bên cạnh đó, họ cũng tư vấn cả việc nhập khẩu bò từ New Zealand, Úc...

Tại trang trại, bò được ăn cỏ ủ chua diệt vi khuẩn, được tắm mát và nghe nhạc mỗi ngày, được gắn chip ở chân để theo dõi sức khỏe một cách chính xác nhất để đảm bảo được sự vẹn toàn của sữa tươi trong suốt quy trình. Hiện tại, dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa của Tập đoàn TH về cơ bản đã hoàn thành giai đoạn 1 của quy trình đầu tư với số vốn đầu tư 350 triệu USD. Tổng thể dự án có quy mô đầu tư là 1,2 tỷ USD trên tổng diện tích 37.000 ha (giai đoạn 1 là 8.100 ha).




Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Trung tâm điều hành chế biến thức ăn.

Vào ngày 26/12/2010, những sản phẩm đầu tiên từ dòng sữa tươi sạch mang tên TH True MILK đã chính thức được phân phối tới tay người tiêu dùng. Đây là một mốc lịch sử đáng nhớ với Tập đoàn TH vì bước đầu đã đi vào thực hiện sứ mệnh của mình là góp phần chăm sóc sức khỏe và nâng cao tầm vóc của người Việt, cải thiện chất lượng cuộc sống qua những sản phẩm chất lượng thật sự tươi, sạch, tinh túy, vẹn nguyên từ thiên nhiên, vì sức khỏe mỗi người. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất sữa ở Việt Nam.


Việc Tập đoàn TH đưa công nghệ cao vào sản xuất tại Nghĩa Đàn đã mang đến cho miền Tây Nghệ An một diện mạo hoàn toàn mới: Một đô thị du lịch sinh thái trong tương lai, đời sống người dân được nâng lên và chất lượng sống được cải thiện rõ rệt. Công nghệ cao đã giúp nâng cao hiệu suất canh tác, biến 1ha đất nơi đây trước đó chỉ cho thu hoạch trung bình khoảng 50 triệu đồng/năm, bây giờ, nhờ trồng cỏ, trồng cao lương... theo phương thức áp dụng công nghệ cao đã cho thu hoạch từ 500 triệu đồng - 1,5 tỷ đồng/năm


Hiện tại, Công ty Thực phẩm sữa TH đang tiến hành xây dựng nhà máy chế biến sữa hiện đại bậc nhất Đông Nam Á với công suất 500 triệu lít/năm. Hiện nay, sau gần 2 năm hoạt động, TH đã trở thành nhà cung cấp sữa tươi sạch hàng đầu Việt Nam và với sự tăng trưởng này, dự kiến đến năm 2015, TH sẽ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sữa tươi sạch trên thị trường nhờ tự chủ về nguồn nguyên liệu. Tổng số bò sữa hiện tại của TH là hơn 20.000 con, đến hết năm 2012 là khoảng 45.000 con và sẽ đạt con số 137.000 con vào năm 2017, chiếm khoảng 50% tổng đàn bò trong cả nước. Doanh thu thuần của TH True Milk năm 2011 là trên 1.000 tỷ đồng; năm 2012 kế hoạch là 3.700 tỷ đồng, nhưng do khủng hoảng kinh tế trong nước và thế giới, nên dự kiến chỉ số doanh thu 3.700 tỷ đồng sẽ đạt được vào đầu năm 2013.


Trước khi TH tham gia thị trường, người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu hiểu biết hơn về tầm quan trọng của sữa tươi. Các hãng sữa Việt Nam cũng bắt đầu xây dựng chiến lược tự chủ về nguồn nguyên liệu thông qua việc phát triển đàn bò. Nhưng việc chăn nuôi bò sữa để tự chủ nguồn nguyên liệu vẫn theo quy mô nhỏ lẻ và họ vẫn chủ yếu thu mua sữa từ nông dân. Khi TH tham gia thị trường đã khiến việc tự chủ nguồn nguyên liệu sữa trong nước có bước phát triển nhảy vọt. Điều này đã thể hiện rõ nét qua các con số tăng trưởng đàn bò sữa Việt Nam. Trước năm 2009, tốc độ tăng trưởng đàn bò sữa chỉ ở mức 7-9%/năm. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2010, đàn bò sữa tăng đều 15% mỗi năm. Và tốc độ tăng trưởng này sẽ được giữ vững cho đến năm 2015, trong đó có sự đóng góp rất lớn là từ Tập đoànTH.



Cánh đồng hướng dương làm thức ăn cho bò sữa.

Sự thành công của Tập đoàn TH sẽ là bước tiến quan trọng để phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này, cần có cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp, hấp dẫn được nhà đầu tư và đặc biệt, cần thu hút được nhà đầu tư có đủ Tâm - Trí - Lực. Cùng với đó, các cấp, ngành và người dân cần có cách nhìn nhận đúng về cuộc cách mạng công nghệ cao và có chiến lược truyền thông phù hợp. Khi áp dụng công nghệ cao, phải đủ nguồn lực là đất đai, do đó, chính quyền cần bàn giao cho doanh nghiệp đất sạch để thực hiện dự án. Phải đào tạo được đội ngũ lao động chất lượng cao và có chính sách đào tạo lại lao động cho những vùng đưa công nghệ cao vào nông nghiệp.

Cần ban hành quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ cao trong nông nghiệp đối với sản phẩm hàng hóa. Khi đã có một mô hình công nghệ cao thành công, thì bộ chủ quản phải ban hành quy chuẩn, định nghĩa thế nào là sản phẩm từ công nghệ cao, nếu là sản phẩm về thực phẩm như sữa, thì có sự phối hợp liên ngành với Bộ Công Thương, Bộ Y tế... để quy định và phân biệt thế nào là sạch, thế nào là sữa tươi, thế nào là sữa hoàn nguyên... Cần áp dụng nguyên tắc quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm theo chuỗi đối với sản phẩm sản xuất theo quy trình công nghệ cao: Tất cả nhãn mác của sản phẩm phải ghi đầy đủ các yếu tố như: Xuất xứ đầu vào của nguyên liệu trên bao bì sản phẩm để tránh tranh cãi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần theo dõi sát sao các sản phẩm công nghệ cao, từ nguồn nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất cho đến lúc sản phẩm được đưa vào lưu thông trên thị trường và sΩn sàng cùng doanh nghiệp phối hợp giải thích để người tiêu dùng hiểu sản phẩm.


Ứng dụng công nghệ cao sẽ tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong nông nghiệp, góp phần không nhỏ vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.