Kỳ cuối: Cần giải pháp quản lý hiệu quả và đồng bộ

21/09/2012 22:03

(Baonghean) - Các hồ đập của Nghệ An hầu hết được xây dựng từ những năm 1970, nay đã xuống cấp, tần suất thiết kế đảm bảo an toàn thấp. Nhiều hồ đập chưa có đường quản lý hoặc đường chất lượng kém không đáp ứng được yêu cầu ứng cứu khi xảy ra sự cố. Đặc biệt, các tổ mối trong thân đập chưa được thăm dò, đánh giá và xử lý đầy đủ, đang là nguy cơ gây vỡ đập khi có mưa, lũ. Để khắc phục được tình trạng này, cần một giải pháp đồng bộ.

>>Kỳ I: Bất cập lớn trong quản lý

Từ năm 2007, bằng nguồn vốn của Nhà nước, tỉnh ta đã tập trung xây dựng nâng cấp các hồ đập ách yếu ở 3 huyện trọng điểm là Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, như hồ Xuân Dương (Diễn Châu), hồ Vực Mấu (Quỳnh Lưu), hồ Vệ Vừng-Quản Hài (Yên Thành), đập Quỳnh Tam-Quỳnh Lưu. Xây dựng hồ đập ở Anh Sơn trị giá 87 tỷ đồng, gồm đập Đồng Quan, đập Cào Cáng-Phúc Sơn, đập Khe Mây ở Đức Sơn, đập Ruộng Xối ở Đỉnh Sơn. Trong năm 2010, tiếp tục đầu tư nâng cấp 5 hồ đập lớn trị giá gần 100 tỷ đồng, bao gồm đập Khe Canh, Đồng Lèn-Nghĩa Đàn, đập Tràng Đen –Nam Đàn, đập Khe Dứa, Tràng Thọ ở Tân Kỳ. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng ưu tiên đầu tư nâng cấp cho Nghệ An khoảng 45 hồ chứa. Đến thời điểm này, tỉnh ta đã nâng cấp, tu sửa được 40 hồ đập lớn nhỏ, tổng trị giá đầu tư gần 400 tỷ đồng.



Các phương tiện máy móc đang đẩy nhanh tiến độ
đắp thân đập Tây Nguyên xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) bị vỡ
-Ảnh: Hồ Thị Quỳnh

Tuy nhiên, theo một cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Toàn tỉnh có 652 hồ chứa thì chỉ mới tu sửa, nâng cấp được khoảng trên 20%. Để tiếp tục nâng cấp, tu sửa các hồ chứa ách yếu trên địa bàn thì cần nguồn vốn khoảng trên 3000 tỷ đồng mới giải quyết được nỗi lo vỡ hồ đập địa phương. Hiện tại, do nguồn vốn hạn chế, nên mặc dù trong năm 2011 đã khởi công các công trình hồ chứa Thanh Tiền ở Hưng Nguyên và Nghi Công-Nghi Lộc nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Không những thế, một số hồ đập lớn tuy đã khởi công xây dựng cách đây đã 2-3 năm nhưng do vướng mắc giải phóng mặt bằng, như đập Khe Lại ở Quỳnh Lưu trị giá trên 100 tỷ đồng, (Sở NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư) nên việc thi công vẫn dậm chân tại chỗ.

Theo ông Nguyễn Quang Hoà - Nguyên Giám đốc Chi cục Thuỷ lợi Nghệ An, trong giai đoạn biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết “cực đoan” không theo quy luật tự nhiên, để ứng phó đòi hỏi phải đào tạo những cán bộ chuyên sâu về quản lý hồ chứa. Đặc biệt, cần tăng cường cán bộ chuyên sâu ở các phòng nông nghiệp huyện để tham mưu cho UBND huyện và hướng dẫn vận hành, sử dụng hồ đập cho các xã. Thực tế cho thấy, khi xảy ra vỡ hồ chứa ở các địa phương quản lý thì một số địa phương rất lúng túng trong khâu ứng phó.

Đối với các vùng hồ đập chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa việc ứng cứu thường khó khăn nên cần quán triệt phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời xử lý sự cố trong mùa mưa lũ. Theo dõi thường xuyên diễn biến, đánh giá hiện trạng công trình để có kế hoạch ứng phó với thiên tai. Đối với các hồ đập do doanh nghiệp nhà nước quản lý phải đánh giá tài liệu đo đạc, quan trắc đập và bằng trực quan tại hiện trường. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương bổ sung phương án phòng chống lụt cho cả vùng hạ du.

Các địa phương muốn khai thác sử dụng nguồn nước từ hồ chứa hiệu quả thì phải đi vào “khoán, quản”. Khoán có nghĩa là giao khoán để người vận hành nước tính toán hợp lý tưới đủ cho diện tích đã được giao, không để tình trạng tháo nước tràn lan theo yêu cầu của dân, coi hồ chứa là một “kho” nước, phải có “lệnh” xuất kho mới được mở nước cho từng đợt tưới. Phải tính toán nước để đủ cho cả 2 vụ lúa và phục vụ dân sinh. Khôi phục những cánh rừng đầu nguồn để vừa giữ được nguồn nước, mùa mưa lũ cần giảm lưu lượng nước tràn vào hồ chứa ồ ạt tiềm ẩn nguy cơ gây vỡ thân đập. Khi xây dựng và nâng cấp hồ chứa, cần thi công đắp đúng mặt cắt, thiết kế, nâng cấp tràn đủ lưu lượng. Cần xử lý các chỗ thẩm lậu, rò rỉ, tổ mối để giảm thiểu nguy cơ vỡ đập.

Nguy cơ vỡ thân đập do các địa phương quản lý trong mùa mưa lũ là rất cao, bởi hầu hết các loại đập này đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài việc quản lý bảo vệ hồ chứa, đơn vị quản lý chủ yếu là các xã và HTX cần phải tích nước hợp lý trong mùa mưa lũ đang diễn ra, đây cũng là giải pháp hữu hiệu tránh nguy cơ vỡ đập.

Nghị định về quản lý hồ đập của Chính phủ số 72/2007/NĐ-CP Điều 10, Điều tiết nước hồ chứa quy định: 1. Chủ đập phải lập quy trình điều tiết nước hồ chứa, quy định việc tích nước, xả nước hồ trong điều kiện bình thường và trong tình huống khẩn cấp, trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện. 2. Việc điều tiết nước hồ chứa tuân theo các quy định sau đây: a) Không được tích trữ nước trong hồ vượt trên mức do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định; b) Trường hợp đập bị hư hỏng hoặc sự cố, có yêu cầu tháo nước để hạ thấp mức nước hồ, phải khống chế tốc độ hạ thấp mức nước sao cho không gây sạt trượt mái thượng lưu đập; c) Trong mùa lũ, các hồ chứa có nhiệm vụ điều tiết lũ, việc vận hành tích nước, xả lũ phải ưu tiên đảm bảo an toàn đập, thực hiện điều tiết cắt lũ và tích trữ nước hồ theo nhiệm vụ công trình.


Văn Trường