Lật tẩy âm mưu “23.000 tàu cá” của Bắc Kinh
Mượn danh bảo vệ 23.000 tàu cá, Bắc Kinh có thể sớm điều động nhiều tàu vũ trang đến biển Đông để củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp.
Trước khi 23.000 tàu cá Trung Quốc hùng hổ tiến vào biển Đông, Bắc Kinh thực hiện những động thái mang tính chất “thăm dò, mở đường”.
Ngày 26/6, Tân Hoa xã đưa tin Cơ quan Giám sát hàng hải (CMS) Trung Quốc điều động 4 tàu hải giám từ căn cứ ở đảo Hải Nam để thực hiện chuyến tuần tra dài 2.400 hải lý (4.500 km) trên biển Đông.
Ngày 1/7, đội đến bãi Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Một ngày sau đó, các tàu hải giám tổ chức diễn tập tại vùng biển gần bãi Châu Viên thuộc Việt Nam. Khoảng 1 tuần sau, Tân Hoa xã đưa tin các tàu trên kết thúc “chuyến tuần tra”.
Trung Quốc lộ rõ mưu đồ độc chiếm Biển Đông
Chẳng bao lâu sau khi đội tàu hải giám quay về, tờ China Daly đưa tin 30 tàu cá Trung Quốc, dưới sự hộ tống của tàu Ngư chính 310, ngày 12/7 rời đảo Hải Nam để tiến đến khai thác trên biển Đông.
Chưa đầy 1 tuần sau, truyền thông Trung Quốc tiếp tục tung hô rằng đội tàu cá đang đánh bắt trái phép gần bãi Chữ Thập và Su Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đến ngày 25/7, Tân Hoa xã đưa tin 30 tàu cá đã quay về cảng Tam Á trên đảo Hải Nam sau khi đánh bắt tại khu vực cách địa điểm xuất phát khoảng 615 hải lý (gần 1.150 km).
Có thể, “cuộc hải hành” của 4 tàu hải giám rồi 30 tàu cá là những chuyến thăm dò địa điểm cho 23.000 tàu cá Trung Quốc hiện đang tiến đến đánh bắt trái phép trên biển Đông.
Hợp thức hóa hành động phi pháp
Sau khi quay về Hải Nam, 30 tàu cá lập tức lên tiếng “than thở” vì đánh bắt không hiệu quả và bị tàu cá Việt Nam “làm khó”.
Tờ China Daily dẫn lời một đại diện của hiệp hội ngư nghiệp ở Tam Á đề nghị chính quyền hỗ trợ nhiều hơn để họ có thể tận lực khai thác phi pháp trên biển Đông.
Không những thế, người này còn hứa hẹn rằng có thể thu hoạch trái phép đến 5 triệu tấn thủy sản mỗi năm trên ngư trường biển Đông.
Tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở Trường Sa
Như có sự chuẩn bị từ trước, giới chức Trung Quốc lập tức hùa theo, tuyên bố sẽ tăng cường hỗ trợ và đưa lực lượng “bảo vệ” cho tàu cá của họ ngang nhiên đánh bắt trên biển Đông. Hoàn Cầu thời báo ngày 3/8 dẫn lời người tên Đoàn Đắc Đức, Phó giám đốc Cục Nghề cá và đại dương tỉnh Nam Á, tuyên bố: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ tài chính để giúp ngư dân đóng tàu lớn. Chúng tôi sẽ điều động tàu hỗ trợ và tàu tuần tra cho tàu cá”.
Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, sau những động thái trên, Trung Quốc sẽ phái tàu tuần tra đến biển Đông dưới danh nghĩa bảo vệ tàu cá.
Khi đó, như giới chuyên gia từng nhận định, Trung Quốc sẽ dùng lực lượng tàu tuần tra hòng kiểm soát biển Đông, phục vụ cho tuyên bố chủ quyền phi pháp của nước này tại đây.
Hải cảnh, hải quan: Nguy cơ tiềm ẩn
Theo báo cáo của Trường chiến tranh hải quân Mỹ (USNWC), Trung Quốc đã lên kế hoạch phát triển lực lượng tàu hải cảnh và hải quan từ trước năm 2010.
Gần đây, hải cảnh Trung Quốc được bổ sung thêm loại tàu đặc chủng kiểu 718 dài hơn 100 m, độ choán nước khoảng 1.500 tấn, có bãi đáp trực thăng và mang theo pháo 37 ly.
Ngoài ra, lực lượng này cũng được trang bị thêm nhiều tàu tuần tra kiểu 218 có chiều dài 42 m, độ choán nước 150 tấn, mang theo súng cỡ nòng lớn.
Việc tăng cường được xem là sự chuẩn bị để hải cảnh Trung Quốc mở rộng hoạt động ra xa bờ chứ không giới hạn trong các khu vực trước đây.
Tương tự, Trung Quốc cũng đang tăng cường đầu tư cho nhóm tàu hải quan. Báo cáo của USNWC chỉ ra rằng hải quan Trung Quốc có thể tăng cường hoạt động ở vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền bằng cách viện dẫn 2 nhiệm vụ của lực lượng này là chống buôn lậu và kiểm soát bến cảng.
Bằng cách này, tàu hải quan Trung Quốc lấy cớ kiểm tra những tàu thuyền đi lại trên các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Khi đó, Trung Quốc sẽ tăng cường kiểm soát các vùng biển nhằm “khẳng định chủ quyền”. Như thế, Bắc Kinh có thể triển khai lực lượng tàu hải cảnh và hải quan để phục vụ cho âm mưu chiếm đoạt biển Đông
Theo VTC-M