Xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả
(Baonghean) - Quỳnh Lưu là một trong những huyện điển hình trong tỉnh về việc mạnh dạn ứng dụng khoa học & công nghệ (KH &CN) vào sản xuất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm…
Để khuyến khích các thành phần kinh tế và người dân mạnh dạn ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện Quỳnh Lưu đã ban hành cơ chế hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, vật tư thiết yếu cho các mô hình sản xuất có hiệu quả và các mô hình chỉ đạo điểm. Huyện đã rất “mạnh tay” trong việc trích kinh phí, đầu tư cho lĩnh vực này: năm 2011 đã hỗ trợ 2,35 tỷ đồng và năm 2012 là 3,5 tỷ đồng cùng với các nguồn vốn đầu tư của tỉnh, các tổ chức khác, đã giúp Quỳnh Lưu thực hiện nhiều mô hình ứng dụng KH&CN hiệu quả.
Mô hình trồng rau cho thu nhập cao ở xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu)
-Ảnh: Trần Tố
Huyện đã có cách thức hỗ trợ hợp lý cho các mô hình, đó là chỉ hỗ trợ vốn từ 30 – 50%, phần còn lại thành phần kinh tế và người dân phải tự bỏ vốn đầu tư. Cách thức hỗ trợ đầu tư này, lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Nếu huyện đầu tư 100% vốn, thì các thành phần kinh tế và nhất là người dân sẽ không có trách nhiệm với đề tài, thành công hay thất bại thì người thực hiện cũng không ảnh hưởng gì về kinh tế, nhưng nếu hỗ trợ đầu tư một phần, thì các thành phần kinh tế và người dân ngoài việc phải bỏ vốn để làm, còn có trách nhiệm rất cao trong việc triển khai mô hình. Đặc biệt, huyện tạo điều kiện thuận lợi trong việc thanh quyết toán các mô hình công nghệ, giảm các thủ tục phiền hà, tạo được tâm lý thoải mái cho người dân”. Tại Quỳnh Lưu, hầu hết các hoạt động ứng dụng KH&CN trước hết nhằm đưa các tiến bộ công nghệ sinh học vào sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, thâm canh lúa chất lượng cao, phát triển và chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả, rau màu thực phẩm theo hướng chuyển dịch hiệu quả cơ cấu kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.
Các mô hình sản suất ứng dụng KH&CN được lựa chọn và xây dựng khá phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Điển hình như: mô hình trồng cà chua an toàn ở xã Quỳnh Văn và Quỳnh Giang; sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu ở Quỳnh Xuân; mô hình cải bắp, cà chua theo hướng Viet - GAP ở Quỳnh Lương; Chăn nuôi vịt an toàn sinh học tại Quỳnh Hưng; trồng ngô thâm canh mật độ cao tại Quỳnh Thuận; nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh an toàn sinh học ở Sơn Hải; nuôi cá chim trắng vây vàng ở Quỳnh Thuận; sản xuất khoai lang thực phẩm chất lượng cao ở Quỳnh Nghĩa; trồng cây thuốc Kim tiền thảo ở Quỳnh Trang; trồng cây ớt ngọt ở An Hòa; trồng cây ớt cay, ngô ngọt ở Ngọc Sơn… Các mô hình, đề tài sau khi hoàn thành đều đưa ra hội thảo, lấy ý kiến của người dân, đúc rút kinh nghiệm và những mô hình nào tốt thì tiếp tục triển khai nhân rộng. Những đề tài, mô hình không phù hợp được tìm hiểu nguyên nhân, tổ chức rút kinh nghiệm. Cùng với cách làm đó, Quỳnh Lưu còn tổ chức khen thưởng kịp thời đối với những mô hình, công trình sáng tạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời huyện hỗ trợ thêm kinh phí để nhân rộng mô hình trong sản xuất.
Với việc khuyến khích các thành phần kinh tế và người dân mạnh dạn ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Quỳnh Lưu đã tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tiến và đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của Quỳnh Lưu.
Hoàng Vĩnh