Chuyện người chở đá xây Trường Sa năm xưa
(Baonghean) Nếu không hỏi chuyện mà chỉ nhìn cái dáng thoăn thoắt, ít ai dám nghĩ năm nay ông đã ngoài lục tuần và đang ngày ngày chiến đấu với căn bệnh "K" gan quái ác. Ông thương binh Võ Văn Thiêm, xóm 9, xã Lý Thành, huyện Yên Thành hồ hởi kể về cuộc đời mình, thuở mười tám đôi mươi viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ...
Gửi tình vào biển đảo quê hương
Năm 1968, khi vừa tròn 18 tuổi, Võ Văn Thiêm viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào Trung đoàn 27 chiến đấu tại chiến trường B5 Quảng Trị - Thừa Thiên Huế đầy khói lửa. Trong một trận chiến đấu tại cao điểm 544 (đỉnh Pu Lơ), ông bị thương nặng, được chuyển ra vùng hậu cứ chữa trị, rồi phục viên về quê. Võ Văn Thiêm xung phong làm bí thư Đoàn xã, vừa "chặt vừa vác", gian nan vất vả nhưng là cậu trai làng chăm chỉ, lính Cụ Hồ chịu thương chịu khó, lại có nhiều sáng kiến, Võ Văn Thiêm được bà con tin tưởng, cấp trên nể phục.
Ba năm sau, chàng thanh niên ấy lại một lần nữa xung phong sung vào lực lượng Công an huyện để ngày đêm giữ gìn sự bình yên cho vùng đất quê lúa. Sau 8 năm công tác, ông được điều động sang phụ trách công tác tổ chức chính quyền huyện, rồi hoàn thành chương trình ĐH kinh tế. Cuộc đời ông thực sự là những sự trải nghiệm thú vị và dù ở vị trí nào, ông cũng tạo được dấu ấn cho riêng mình. Năm 1988, ông được cử tham gia đội khai thác thương vụ tàu biển mã số 02 của Công ty vận tải Yên Thành. Khi con tàu xấu số gặp nạn tại cảng Quy Nhơn vào giữa năm 1990, ông cùng 3 người bạn đã thuê người trục vớt rồi thương lượng với huyện Yên Thành, mua lại đưa vào cảng 46 Hải quân tu sửa và "khai sinh" tàu Sông Dinh. Năm 1991 - 1992, ông Thiêm và những người bạn liên doanh với Học viện Hải quân để dùng tàu chở đá ra xây đảo Trường Sa...
Đảo Đá Tây. Ảnh: Công Sáng.
Đã hơn 20 năm trôi qua, với ông Thiêm, câu chuyện chở đá xây đảo Đá Đông dường như vẫn còn vẹn nguyên. Chuyến đầu vươn khơi, tàu Sông Dinh mang 400 tấn đá, đè sóng, hướng đảo Đá Đông thẳng tiến mang theo tình cảm dạt dào với thư, quà của người thân gia đình các chiến sĩ ở đất liền. Sau cuộc hành trình lênh đênh 3 ngày 2 đêm trên biển, tàu mới đến gần nhưng phải neo cách đảo Đá Đông chừng nửa km. Lần đầu tiên cưỡi sóng ra đây, ông Thiêm và những người bạn không thể tin nổi đó là đảo, nó chỉ như một hòn đá nhỏ nhô lên giữa mênh mông sóng nước, đất trời bao la mở ra trước mắt ông và "đồng nghiệp". Nơi "cột mốc" đánh dấu chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ông muốn thét lên thật to bởi không nhiều người được một lần đặt chân lên đây. Đảo Đá Đông trong câu chuyện ông Thiêm kể là một vành san hô chìm dưới mặt nước biển, khi thủy triều Trường Sa xuống thì đảo mới nhô lên khỏi mặt nước, tạo thành lá chắn vòng ngoài bảo vệ sườn phía Đông của các tỉnh Nam Trung bộ, có thể phối hợp với các đảo trong cụm và quần đảo Trường Sa tạo thành thế trận liên hoàn chống lại sự xâm chiếm của các lực lượng nước ngoài. Để xây dựng được những nơi đứng chân trên đảo chìm, cần biết bao công sức, tiền của, tâm huyết của cán bộ, lính đảo và nhân dân cả nước!
Đá được các chiến sỹ công binh xếp lên từng chiếc xuồng nhỏ và kéo vào đảo, cẩn trọng, tỉ mẩn như thể di chuyển những vật báu của cuộc đời mình. Phải mất hơn 1 tuần đá trên tàu mới được chuyển hết vào đảo và đó cũng là quãng thời gian ông Thiêm và những người bạn được ở lại và có những trải nghiệm thú vị trên vùng biển đảo thân yêu này.
Sống trên đảo, ông được chứng kiến ý thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Lính đảo luôn trong tình trạng sΩn sàng chiến đấu, cảnh giác theo dõi, ghi nhận mọi động tĩnh trên biển. Có đảo, có các anh, ngư dân ta có chỗ dựa tin cậy khi đánh bắt hải sản gần đấy. Đảo luôn là nơi tìm đến của bà con ngư dân mỗi khi gặp khó khăn, lính đảo luôn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con. Dù rất chật hẹp, đảo vẫn là ngôi nhà chung của những con vật thân thương được đem từ đất liền ra đây trong mỗi chuyến hàng. Lính đảo tận dụng tất cả diện tích có thể, thùng xốp để tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Rau xanh vì thế chẳng phải là thứ xa xỉ ở đảo.
Trong quãng thời gian hoạt động trên biển, tàu Sông Dinh còn nhiều lần chở đá ra đảo Sinh Tồn, đảo Sơn Ca, đảo Song Tử Tây... Nhưng chuyến đi đầu tiên ra đảo Đá Đông để lại nhiều ấn tượng nhất với ông Thiêm: "Tôi thấy mình thật may mắn và tự hào vì đã được ở nhiều ngày trên đảo chìm Đá Đông. Tiếng gà gáy sáng giữa mênh mông sóng biển thật gần gũi thân thương, là sự hiện hữu, minh chứng hùng hồn nhất về chủ quyền biển đảo quê hương. Tôi được sống những ngày thật ý nghĩa cùng người dân, được ăn rau lính đảo trồng trong các giỏ đất đem ra từ đất liền, được hòa cùng tiếng cười với bộ đội hải quân nơi đảo chìm thiêng liêng của Tổ quốc. Có cảm giác như tôi được sống thêm một cuộc đời nữa vậy".
Say trồng rừng và chăm lo công tác Đền ơn đáp nghĩa
Lúc chúng tôi đến nhà chơi, ngỏ ý muốn viết về cuộc đời ông, ông giơ đôi tay sần sùi, bắt tay sởi lởi: "Ngoài kia còn bao nhiêu người đáng tuyên dương. Họ là những thương bệnh binh nặng, những đồng đội của tôi đã bỏ lại một phần cơ thể trên chiến trường... Tôi vừa vào Sài Gòn "đốt gan" (điều trị K gan bằng tia phóng xạ - PV). Về nhà là lại lao vào làm. Đấy, cả mấy ngọn đồi nguyên liệu, con cái đi xa, tôi phải cố làm vì màu xanh núi rừng quê hương, giao lại cho người khác lúc này cũng chưa yên tâm...". Rồi ông cười một tràng sảng khoái, lại lao vào công việc như một thanh niên trai tráng, dù ở tuổi 63.
Ở thời điểm ấy, Nhà nước đang có chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc, đất rừng chẳng mấy ai dám nhận vì biết trồng cây gì, nuôi con gì để đạt được lợi ích kinh tế? Ông bàn với vợ nhận gần 83 ha đất rừng vùng Treo Màn cách nhà vài km để trồng cây nguyên liệu. "Nhiều người bảo tôi khùng, mình có đồng lương, lại đã có đôi đồng tích lũy rồi, việc gì phải bươn chải, con cái đang lo ăn học, ai đứng ra trồng và bảo vệ rừng cho? Tôi nghĩ thầm, rừng là vàng, ít lâu nữa thôi lại có người tiếc nuối vì đã không đầu tư cho rừng. Nghĩ thế, tôi quyết tâm làm và phải cho phép mình thắng lợi chứ không được thất bại. Biết không cản nổi ý chí của tôi, vợ tôi đành dốc hết vốn liếng và vay mượn thêm "đánh một canh bạc" với tôi. Vậy mà bây giờ tôi thắng lớn rồi đấy" - ông Thiêm chỉ tay về phía cánh rừng keo nguyên liệu bạt ngàn sắp đến kì thu hoạch cười mãn nguyện và kể tiếp câu chuyện.
Được bao nhiêu tiền, ông mua bạch đàn giống, thuê bà con trong thôn trồng ròng rã suốt 1 năm trời mới khép kín toàn bộ diện tích. Không chỉ thuê trồng và thu hoạch, ông còn giao khoán hẳn cho các gia đình các khoảnh rừng, trả chi phí bảo vệ, chăm sóc cho họ nên rừng phát triển tươi tốt. 83 ha đất trống đồi trọc quanh năm mưa nắng xói mòn nay đã khép tán, màu xanh đã hiện hữu báo hiệu một cuộc sống bắt đầu khởi sắc. Ở một xã miền núi còn nghèo nhất nhì huyện, việc ông Thiêm thuê mướn nhân công trồng rừng, tạo việc làm cho hàng chục lao động, lại tích cực tham gia công tác từ thiện, ủng hộ quê hương làng xóm bắt đầu được mọi người ca tụng.
Ông Võ Văn Thiêm được Nhà nước thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba cùng nhiều bằng khen. Ảnh: V.D
Thời điểm những năm cuối thế kỉ XX, phong trào trồng cây nguyên liệu ở Nghệ An chưa phát triển, chưa có nơi nhập trong tỉnh nên ông phải thuê xe chở ra tận Hải Phòng để bán. Bán được đồng nào, ông lại tái đầu tư để trả lại màu xanh cho núi rừng. "Thời điểm tôi nhận và trồng rừng, danh từ trang trại ít khi xuất hiện, vì cả nước lúc đó cũng chỉ mới có mấy mô hình. Bạch đàn lúc đó cũng là cây nguyên liệu "thời thượng" nên tôi thu hoạch được cũng khấm khá. Nhưng được đồng nào lại tái đầu tư, thuê máy múc san nền, gạt đường vòng xoáy trôn ốc từ chân lên đỉnh núi để xe ô tô có thể lên tận đỉnh, tiện cho việc thu hoạch gỗ sau này. Đến nay, bạch đàn "hết thời", keo nguyên liệu lên ngôi và dù có rớt giá đi chăng nữa tôi cũng thấy mãn nguyện vì màu xanh đã phủ kín toàn bộ diện tích" - ông Thiêm tâm sự... Ngoài việc đam mê trồng rừng, ông còn có cơ duyên với cây cảnh. Trong vườn ông hiện có hàng trăm cây cảnh các loại, có những cây trị giá hàng tỉ đồng, được nhiều người hỏi mua nhưng ông vẫn giữ lại làm kỷ niệm, lúc nhàn rỗi lại ra chăm bẵm vườn cây.
Được may mắn trở về sau chiến tranh, thương binh Võ Văn Thiêm không chỉ lao vào lao động sản xuất, cải thiện cuộc sống, làm giàu cho gia đình, quê hương, trả lại màu xanh cho núi rừng mà còn tích cực tham gia công tác Đền ơn đáp nghĩa. Với ông, đó lẽ sống, là việc làm có ý nghĩa giáo dục con cháu sống có ích, có trách nhiệm với cuộc đời, với Tổ quốc, quê hương. Chính xuất phát từ ý nghĩ, mình may mắn hơn những đồng đội đã ngã xuống, năm 1995, ông bàn với vợ nhận chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ VNAH Lê Thị Em tại xã Bảo Thành, có chồng và 2 con trai là liệt sỹ. Cuối năm 2009, mẹ Em mất, ông Thiêm tiếp tục thờ phụng, an ủi vong linh mẹ... Bản thân và gia đình ông nhiều lần được UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào Đền ơn đáp nghĩa.
Khi bài viết này hoàn thành, tôi vẫn có cảm giác mình mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ trong nhân cách, nghị lực của thương binh Võ Văn Thiêm. Ông bộc bạch hết nỗi lòng, ông sống hết mình với một niềm tin và tâm niệm: "Tôi thấy mình còn khỏe chán, chắc ông trời sẽ giúp tôi chiến thắng bệnh tật. Tôi sống để tiếp tục được dành tình yêu cho núi rừng quê hương, để làm giàu cho gia đình, quê hương và đất nước".
Võ Dũng