Từ thẩm phán trở thành bị cáo

07/09/2012 18:17

(Baonghean) Ngày 29/8/2012, TAND huyện Yên Thành mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội: “Nhận hối lộ xảy ra tại một cơ quan hành pháp huyện Yên Thành”. Bị cáo là Bùi Anh Đức (SN 1975), nguyên quán xã Đức An, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trú khối 16, phường Hưng Bình, TP.Vinh. Điều đáng nói là Bùi Anh Đức nguyên là thẩm phán TAND huyện Yên Thành, đã từng luận tội các bị cáo trước tòa. Chỉ vì lòng tham, giờ đây, Đức cũng phải ra đứng trước “vành móng ngựa” để nghe các đồng nghiệp một thời cùng làm việc luận tội mình.

Tốt nghiệp Đại học Luật, Bùi Anh Đức được phân công đến nhận công tác tại TAND huyện Yên Thành. Sau hơn 2 năm công tác, Đức đã chứng tỏ mình là một thẩm phán có năng lực. Tháng 4/2012, Bùi Anh Đức được chánh án giao nhiệm vụ Chủ tọa phiên tòa hình sự vụ án Ngô Xuân Thảo phạm “Tội tham ô tài sản”.

Ngày 16/4/2012, thông qua Tư pháp xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, Đức nhắn bị can Ngô Xuân Thảo đến trụ sở làm việc để nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử. Biết được vụ án Ngô Xuân Thảo sẽ đưa ra xét xử vào ngày 25/4/2012, do Bùi Anh Đức làm chủ tọa, sáng ngày 23/4/2012, Hoàng Hải (em họ của bị can Ngô Xuân Thảo) đến TAND huyện Yên Thành gặp thẩm phán Bùi Anh Đức đặt vấn đề, nhờ Đức hoãn phiên tòa xét sang một ngày khác, vì lý do ông Thảo bị sốc, đang cấp cứu tại trạm xá của địa phương. Nghe vậy, Đức nói với Hải là chiều nay cho người nhà chở ông Thảo lên cơ quan của Đức, để Đức bày cho cách “chữa”. Nghe Đức nói vậy, Hải ngầm hiểu vị thẩm phán muốn nói gì, liền mời Đức đi ăn cơm trưa. Thấy Đức từ chối, Hải liền rút một phong bì đã bỏ sẵn 4 triệu đồng đưa cho Đức, niềm nở: “Em gửi anh tiền cơm trưa”. Sau đó, Đức lấy phong bì Hải đưa cất vào cặp của mình.



Dẫn giải bị cáo Bùi Anh Đức (áo trắng).

Khoảng 18 giờ ngày 23/4/2012, theo lời hẹn của Bùi Anh Đức, anh Ngô Xuân Ngọc (con trai ông Thảo) chở ông Thảo đến TAND huyện Yên Thành để gặp Đức nhờ “chữa sốc” cho bố mình. Tại phòng làm việc của Đức, ông Thảo trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn và nhờ Đức “giúp đỡ” để được giảm án. Đức nói: “Tôi là người được phân công chủ tọa phiên tòa, nhưng không giúp được gì cả. Ngày mai họp bàn về án, có gì thì cha con ông quan hệ cho tốt với các thẩm phán”. Anh Ngọc hỏi Đức: “Hết nhiều không anh?” Đức trả lời: “Hết khoảng 40 đến 60 triệu đồng”. Ngọc hỏi tiếp: “Phải gặp những ai anh Đức?”. Đức trả lời: “Viện Kiểm sát khoảng vài chục triệu, các thẩm phán họp và hội đồng xét xử 40 triệu đồng”. Cha con ông Thảo trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, số tiền Đức đưa ra quá lớn, hơn nữa thời gian lại gấp nên không thể chuẩn bị kịp. Đức nói: “Có gì đâu mà mặc cả. Bên Viện Kiểm sát lo sau cũng được, riêng bên này là 40 triệu đồng, từ trước đến giờ có ba rem sẵn rồi. Sáng mai có cuộc họp quan trọng, quyết định mức án của bác. Vì vậy, sáng mai phải lo đủ 20 triệu đồng rồi đưa lên đây trước 7h30 phút”.

Sau khi mặc cả xong, ông Thảo xin Đức số điện thoại để tiện liên lạc. Đức nói, số điện thoại di động là số nghiệp vụ, không cho được và Bùi Anh Đức cho anh Ngọc số máy bàn trong phòng của Đức là 038…9969. Về đến nhà, ông Thảo thở dài, nói chuyện cho vợ biết là Bùi Anh Đức đòi 60 triệu đồng để được giảm án. Còn Ngọc (con trai ông Thảo) cũng lo lắng, nóng lòng gọi điện thoại cho em gái là Ngô Thị Ngân đang kiếm việc làm ở Vinh, kể lại chuyện Đức đòi tiền và yêu cầu Ngân phải khẩn trương bằng mọi cách vay nóng tiền đem về lo cho cha. Vì lo nghĩ đến sức khỏe của cha, 4 giờ sáng, ngày 24/4, sau khi vay mượn được 5 triệu đồng, Ngân đi xe máy từ Vinh về Yên Thành, cùng anh trai của mình mang theo 10 triệu đồng đến gặp Đức. Khi đến Thị trấn Yên Thành, Ngọc điện cho Đức và nói: “Lúc tối, ông Thảo phải đi cấp cứu cả đêm nên chỉ lo được mười mấy triệu đồng”. Đức trả lời: “Đã nói rồi, cứ thế mà làm”. Khoảng 6 giờ sáng ngày 24/4/2012, hai anh em đếm lại tiền và bỏ vào hai phong bì để đưa cho Đức. Phong bì thứ nhất đựng 5 triệu đồng do Ngân đưa từ Vinh về, có ghi “Ngô Xuân Thảo cùng gia đình nhờ anh tạo điều kiện giúp đỡ”. Phong bì thứ hai đựng 10 triệu đồng là tiền của Ngọc đem từ nhà.

Sáng ngày 24/4/2012, đến 10h Ngọc điện thoại cho Đức, Đức bảo Ngọc lên phòng của Đức. Khi Ngọc và Ngân lên phòng làm việc thì không thấy Đức ở trong phòng. Hai anh em ngồi chờ khoảng 10 phút thì thấy Đức đi vào phòng. Đức nói với Ngọc và Ngân sang phòng Hội thẩm bên cạnh để nói chuyện. Tại phòng Hội thẩm, Đức phân tích cho Ngọc và Ngân biết là tội của ông Thảo rất nghiêm trọng, có khung hình phạt từ 7-15 năm tù, nếu xử nhẹ cũng 7 năm tù, do đó hai anh em phải quan hệ cho tốt để được xử dưới khung với mức án 3-4 năm tù; xử sơ thẩm xong, kháng án, tiếp tục quan hệ để được hưởng án treo.

Ngân hỏi Đức: “Gia đình em đưa cho anh 40 triệu đồng thì anh có thể cho cha em được xử 3-4 năm tù hả anh?”. Đức gật đầu đồng ý. Ngân đưa ra 2 chiếc phong bì (1 chiếc đựng 10 triệu đồng, và 1 chiếc đựng 5 triệu đồng), đặt ngay giữa bàn, trước mặt Đức và nói: “Anh cất đi”. Đức bảo: “Hai anh em về đi” đồng thời Đức cầm hai phong bì đi về phòng làm việc của mình. Ngân và Ngọc ra về, trên đường xuống cầu thang thì lực lượng Công an huyện Yên Thành ập vào bắt giữ Đức. Qua khám xét khẩn cấp, lực lượng công an thu 3 phong bì (trong đó có 2 phong bì của anh em Ngọc đưa đã được Đức cất trong tủ, 1 phong bì 4 triệu đồng cất trong cặp của Đức, đây là số tiền do Hoàng Hải đưa cho Đức “ăn cơm trưa” ngày 23/4/2012). Tại cơ quan điều tra, ban đầu Bùi Anh Đức quanh co chối tội, nhưng sau đó đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình.

Sau đó, hồ sơ vụ án nhận hối lộ trên đã được chuyển giao cho phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh thụ lý. Trong quá trình điều tra, đấu tranh, lời nhận tội của Bùi Anh Đức đều phù hợp với lời khai của các đương sự liên quan và tài liệu đã được thu thập. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An còn nhận được một số thông tin về việc Bùi Anh Đức vòi vĩnh, nhận hối lộ ở một số vụ án mà Đức được phân công làm chủ tọa phiên tòa.


Thành Vinh