Ngao biển khổng lồ ở Trường Sa

19/09/2012 18:31

Trong một lần ghé núp bãi tại cảng Đá Bạc - Cam Ranh (Khánh Hòa), ông Nguyễn Bởi, chủ tàu câu cá bò-gù (cá ngừ đại dương) ở Bình Định kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện giáp mặt, đánh bắt cá mập ly kỳ giữa ngàn khơi. Biển Đông thuộc hải phận Việt Nam có rất nhiều sản vật quý và các loại tôm, cá, ốc, mực... đều thuộc dạng khổng lồ. Nhưng ác liệt nhất là loài trai tai tượng bí hiểm, có con nặng hơn 100kg, ngậm ngọc to bằng quả trứng gà mà cánh thương buôn kim hoàn sẵn sàng trả bạc tỷ để mua.




Du khách chiêm ngưỡng ngao biển khổng lồ tại Viện hải dương học Nha Trang


SỮNG SỜ VỚI LOÀI ỐC KHỦNG


Năm năm trước, ông Bởi cùng bạn nghề đánh bắt bò-gù ở khu vực quần đảo Trường Sa, lúc đang neo tàu ở tuyến Nam của quần đảo thì nhận được tín hiệu bão cấp 10 đang hình thành, ngày một lớn mạnh và xuất hiện trong nay mai. “Nghe đến bão là chúng tôi sợ lắm, vội tìm chỗ ẩn núp ngay. Lúc đó điểm gần nhất mà chúng tôi ghé trú ẩn là đảo Đá Lát, một đảo chìm thuộc chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông”, ông Bởi kể.


Trong ba ngày lưu lại đảo Đá Lát, ông Bởi cùng nhóm bạn biển bảy người đã được những người lính hải quân làm nhiệm vụ giữ đảo giúp đỡ tận tình và khoản đãi nhiều chuyện kỳ thú về “muông thú” nơi đảo xa. Lính Trường Sa kể rằng Đá Lát là “vương quốc ốc khổng lồ”, có con nặng hàng chục ký lô, thậm chí cả trăm ký. Có anh em lúc đi tuần vì sơ ý đã bị sụp bẫy ốc khủng, bị nó kẹp chân. Để chứng minh mình không kể chuyện phịa, anh em lính đảo đã tặng ông mấy cái vỏ ốc khổng lồ làm kỷ niệm.



Xuồng chuyên dụng cập đảo Đá Lát...



... và những vỏ ngao biển quanh đảo


“Khi được mấy anh lính đảo tặng cho cái vỏ ốc nặng khoảng 20kg, tôi rất bất ngờ. Sau này khi tiếp cận với anh em chuyên đi lặn hải sâm, săn trai ngọc ở biển Đông, tôi mới biết vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam ốc khổng lồ nhiều lắm, nó còn được gọi là “ngao biển”, sách vở gọi là “trai tai tượng”. Có con ngao biển khi nạy miệng người ta bắt gặp viên ngọc to như quả trứng gà. Ngọc cỡ đó nghe nói bán được tiền tỷ”, ông Bởi nói.

Câu chuyện về loài ngao biển khổng lồ ấy đã kích thích chúng tôi. Chẳng thể vượt sóng để đến quần đảo Trường Sa, đành “săn lùng” loài ốc này qua các tài liệu chuyên ngành và phát hiện cùng với trai ngọc môi vàng, trai ngọc môi đen, ngao biển hay trai tai tượng khổng lồ cũng có mặt trong Sách đỏ Việt Nam. Sách đỏ Việt Nam ghi rằng mẫu vật trai tai tượng khổng lồ thu được tại đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa dài đến 0,95m, rộng 0,51m. Trên thế giới có con dài 1,35m, nặng gần 300kg.

Những con số về hình dáng, trọng lượng đến khó tin của loài trai tượng trong Sách đỏ Việt Nam gây tò mò trong chúng tôi đến cao độ. Thật may là khoảng nửa tháng kể từ lúc gặp ông Bởi tại cảng Đá Bạc - Cam Ranh, chúng tôi có cuộc hải trình đến Trường Sa với thủy thủ tàu Trường Sa 22 thuộc Lữ đoàn 146 (Hải quân vùng 4). Trong chuyến này, tàu Trường Sa 22 đã đến không chỉ đảo Đá Lát mà cả những đảo chìm khác.

BÁU VẬT ĐẠI DƯƠNG


Nằm ở hướng đông bắc, cách đảo Trường Sa Lớn 14 hải lý, cách đường hàng hải quốc tế 7 hải lý, Đá Lát là đảo chìm có điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt. Điểm đóng quân của các chiến sĩ hải quân nằm giữa rạn san hô mênh mông. Để tiếp cận đảo, thuyền trưởng tàu Trường Sa 22 phải chẻ sóng, cắt gió mới cập được mép đảo, nơi bên này là rạn san hô có thể lội bộ nhưng chỉ cách đó vài mươi bước chân là độ sâu cả ngàn mét. Hải sản ở Đá Lát rất phong phú, có hầu như mọi sản vật quý hiếm của đại dương, trong đó có loài ngao biển.


Khi xuồng đến Trung tâm chỉ huy đảo, thiếu úy Nguyễn Hữu Có (23 tuổi, quê Nam Định, công tác được một năm tại đảo Đá Lát) kể chuyện “ngao biển khổng lồ”. Tháng 4-2011, con ngao biển lần đầu anh giáp mặt có chu vi cỡ mâm ăn cơm, nặng chừng trên 50kg. “Không thể mang về được, tôi dùng dao khoét miệng nó để moi lấy thịt. Bự là vậy nhưng thịt của nó chỉ hơn một ký lô. Sau bận đó, mỗi khi đi săn cá cách đảo hơn 1 hải lý (tương đương 1,8km) là tôi và đồng đội gặp la liệt ngao biển, con nào con nấy bự tổ chảng”, anh kể.

Rời đảo Đá Lát, khi đến cụm đảo Thuyền Chài (gồm Thuyền Chài A, Thuyền Chài B, Thuyền Chài C), chúng tôi cũng được những người lính hải quân cho xem tận mắt và kể nhiều chuyện về loài ngao biển khổng lồ. Đại úy Triệu Tiến Huy - chính trị viên đảo Thuyền Chài A, cho biết ngao biển hay trai tai tượng khổng lồ thực chất không ngậm ngọc. Chúng cứ nằm yên một chỗ và lớn dần theo thời gian: “Trong những lúc đi tuần tra,
chúng tôi vẫn thường gặp trai tai tượng, có con to như chiếc mâm và còn hơn thế nữa”.




Dưới biển sâu, loài ngao biển khi hé miệng như bông hoa ngũ sắc đẹp đến kỳ lạ

Sách đỏ Việt Nam ghi rằng trai tai tượng không phải là loài cho ngọc như trai ngọc môi vàng và trai ngọc môi đen. Chúng có giá trị bởi vùng phân bố hẹp và đặc biệt ở cái dáng vẻ khổng lồ khó tin ấy.

Bề ngoài loài ngao biển khổng lồ có cấu tạo là những cánh mỏng, trông như nghìn con sóng liên tục vỗ bờ. Bên trong trắng muốt, phần lõi ánh màu xà cừ ngọc ngà quyến rũ. Thật đúng là một tuyệt tác của tạo hóa. Khi biết chúng là sinh vật đặc hữu, là báu vật quý hiếm, lính đảo Trường Sa gìn giữ, bảo vệ nghiêm ngặt.
“Trai tai tượng khổng lồ có đặc tính lạ không khác gì loài cá voi là bắn nước. Có những lúc đang tuần tra, chúng tôi bất ngờ thấy chúng há miệng bắn tia nước lớn, khá mạnh lên cao. Sau đó chúng từ từ há miệng chừng như lọc lấy thủy sinh trong nước làm thức ăn. Lúc ấy nhìn chúng như một bông hoa ngũ sắc đẹp tuyệt” - một anh lính hải quân trên đảo Thuyền Chài B nói.

Sách đỏ Việt Nam ghi nhận tại Việt Nam, chỉ phát hiện được ngao biển hay trai tai tượng khổng lồ ở quần đảo Trường Sa với hai mẫu vật thu được tại đảo Sinh Tồn. Đây là loài trai quý hiếm, phạm vi phân bố hẹp, mức độ đe dọa bậc R (gồm những chi - giống đơn loài mà sự tồn tại lâu dài của chúng là mỏng manh). Nguyên nhân bởi loài này đang bị các tay chơi đồ độc không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà cả thế giới dòm ngó, sẵn sàng trả giá cao để có được cái vỏ khổng lồ của nó để làm vật trang trí trong tư gia.


Theo CATP-M