Phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ.

26/09/2012 18:00

(Baonghean.vn) - Hiện tại, 90.000 ha lúa vụ Mùa đang ở thời kỳ cuối làm đòng-ôm đòng - trỗ - chín sáp. Ngoài ra, các địa phương cũng đang tích cực triển khai gieo trồng các loại cây trồng vụ đông như lạc, ngô, vừng. Tuy nhiên, trên đồng ruộng, các loại sâu bệnh hại vẫn đang tiếp tục phát sinh gây hại.

Trưởng chi cục BVTV tỉnh- ông Nguyễn Tiến Đức cho biết: Hiện trên diện tích lúa mùa đang ở thời kỳ cuối làm đòng-ôm đòng - trỗ - chín sáp, rầy nâu, rầy lưng trắng đang phát sinh gây hại với mật độ phổ biến 50-100 con/m2, nơi cao 700 - 1.500 con/m2, cá biệt tại huyện Yên Thành có điểm lên đến 3.000 - 5.000 con/m2. Hiện diện tích nhiễm rầy trong toàn tỉnh là 108 ha, trong đó có 4 ha nhiễm nặng, tập trung tại huyện Yên Thành, Quỳ Hợp, Quế Phong. Bệnh khô vằn cũng phát sinh gây hại trên 2.367 ha, trong đó có 50 ha nhiễm nặng, tỷ lệ bệnh phổ biến 3 – 5 %, nơi cao 30 – 50%. Ngoài ra, bệnh lùn sọc đen cũng đã xuất hiện tại các huyện Yên Thành, Tân Kỳ, Quỳ Châu với tỷ lệ bệnh phổ biến 3-5%, nơi cao 15-20%, tổng diện tích nhiễm hiện có 2,3ha.

Cùng với trên 118,5 ha bị chuột phát sinh gây hại, diện tích lúa mùa trên toàn tỉnh cũng đang chịu sự tác động các loại sâu bệnh khác như đốm sọc vi khuẩn (nhiễm trên 162 ha lúa tại huyện Quỳ Hợp, trong đó có 58 ha nhiễm trung bình) ; bệnh bạc lá (69 ha, trong đó có 8,5 ha nhiễm nặng tập trung tại các huyện như: Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn,...); Ngoài ra, bọ xít gây hại trên 117 ha lúa giai đoạn trỗ ngậm sữa với mật độ phổ biến 3-5 con/m2,, nơi cao trên 10-12 con/m2; Bệnh lem lép hạt gây hại trên 404,6ha, trong đó có 37,7ha nhiễm nặng. Một số đối tượng như châu chấu, đục thân, đốm nâu, sâu cuốn lá nhỏ ... phát sinh gây hại cục bộ tại một số vùng.

Các địa phương đã tổ chức phun phòng, trừ bệnh được 887 ha nhiễm rầy các loại, trên 54 ha bị bệnh đốm sọc vi khuẩn.Tuy nhiên, theo dự báo của ngành BVTV, trong thời gian tới, các loại sâu bệnh hại sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến diện tích lúa Mùa của tỉnh. Bệnh lùn sọc đen, rầy nâu- rầy lưng trắng sẽ tiếp tục phát sinh gây hại, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 sẽ phát sinh gây hại cục bộ trên một số diện tích lúa mùa giai đoạn làm đòng - ôm đòng; sâu đục thân 2 chấm lứa 5 sẽ phát sinh gây hại cục bộ trên một số diện tích lúa Mùa. Đặc biệt, bệnh khô vằn sẽ gia tăng cả về mức độ và phạm vi gây hại, nhất là trên những chân ruộng cấy dày, bón nhiều đạm,...Bệnh đốm sọc vi khuẩn và bệnh bạc lá vi khuẩn có khả năng gia tăng về tỉ lệ và mức độ gây hại đặc biệt trên các giống lúa lai, những chân ruộng sâu, ruộng bón phân không cân đối, bón thừa đạm; Bọ xít dài tiếp tục phát sinh gây hại trên một số diện tích lúa đang giai đoạn trỗ - ngậm sữa.

Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo cụ thể của ngành nông nghiệp đối với từng loại sâu bệnh hại. Với sâu cuốn lá nhỏ, phải phân công cán bộ bám sát cơ sở, phân trà theo sát diễn biến của sâu non lứa 6 trên đồng ruộng để tham mưu và phối hợp chỉ đạo phòng trừ khi trên những diện tích có mật độ sâu cao. Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, cần khuyến cáo, chỉ đạo nông dân phòng trừ trên những diện tích có mật độ rầy từ 1.500 con/m2 đối với diện tích lúa từ thời kỳ trỗ trở về trước và 2.000 con/m2 trở lên đối với lúa ở thời kỳ trỗ bằng các loại thuốc có tác dụng nội hấp, lưu dẫn như: Elsin 10EC, Oshin 20WP, Dantotsu 16 WSG, Chess 50 WG, Sutin 50 SC,…Riêng đối với những diện tích sau trỗ đến chắc xanh có mật độ rầy cao trên 3.000 con/m2 trở lên cần sử dụng các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc, xông hơi như Bassa 50 EC, Victory 585 EC, Penalty gold 40 EC,…để phun trừ. Khi phun thuốc cần chú ý đảm bảo lượng nước thuốc theo khuyến cáo và phun ướt đều toàn bộ thân, lá lúa. Đặc biệt, khi phát hiện có triệu chứng bệnh lùn sọc đen gây hại cần tiến hành kiểm tra, bao vây phun trừ rầy (nếu có mật độ rầy cao) và nhổ tiêu hủy cây bệnh để hạn chế sự lây lan của bệnh. Những diện tích lúa nhiễm bệnh khô vằn với tỷ lệ từ 10% trở lên cần hướng dẫn nông dân phòng trừ bằng một trong các loại thuốc như: Valydacin 3-5L, Cavil 50SC, Vida 5WP, Jinggangmeisu 5-10 WP,... Những ruộng bị bệnh nặng phun tiếp lần hai cách lần một 5-7 ngày.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức, ở thời kỳ lúa trỗ đến ngậm sữa nếu có mật độ bọ xít dài từ 5 – 6 con/m2 trở lên thì các địa phương va nông dân cần tổ chức phun trừ bằng một trong các loại thuốc Bassa 50EC, Pastac 5EC, Ofatox 400EC; Decis 2,5EC,... vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Đối với bệnh bạc lá, đốm sọc, phải chủ động phun phòng khi có dọt dịch vi khuẩn xuất hiện (vết bệnh chưa hình thành rõ) bằng một trong các loại thuốc Xanthomix 20WP, Sasa 20WP, Kasumin 2L, Bonny 4SL... và phun lại lần 2 sau 7-10 ngày để hạn chế bệnh phát sinh, phát triển. Đồng thời, phun phòng bệnh lem lép hạt trên những diện tích lúa trỗ gặp điều kiện trời âm u, mưa kéo dài,.. bằng một trong các loại thuốc: Tiltsuper 300ND, Nativo 750WG, Folicur 250EC, Picoraz 490EC,… ở thời kỳ lúa bắt đầu trỗ (trỗ1-3%), nếu thời tiết tiếp tục bất thuận nên tiến hành phun lại lần 2 sau khi lúa trỗ thoát.


Phú Hương