Chỉ đạo sát để đạt hiệu quả cao sản xuất vụ đông

25/09/2012 14:56

(Baonghean) Thực tế sản xuất vụ đông trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu những năm qua cho thấy, một số địa phương đầu tư sản xuất vụ đông theo hướng thâm canh; áp dụng phương thức canh tác, kỹ thuật đầu tư ngày càng hiện đại, áp dụng công nghệ cao và thể hiện rõ tính chất hàng hóa đã phát huy hiệu quả.

Hàng chục mô hình với diện tích rau, đậu hàng hóa có giá trị kinh tế cao, được đánh giá thành công với giá trị thu lãi lên đến 30 - 50 triệu đồng/ha, một số vùng đất hàng trăm triệu đồng cho mỗi ha đất như: Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng, Quỳnh Liên, Quỳnh Hồng, Quỳnh Văn. Những sản phẩm lợi nhuận cao tập trung vào rau củ và hoa.

Ông Hồ Chí Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lương cho biết: “Ở Quỳnh Lương, nông dân tập trung thâm canh rau màu, xã chủ động tìm nguồn bao tiêu sản phẩm. Nên nghề trồng rau, dưa trở thành nghề chính, tính ra mỗi sào đất cũng cho thu lãi gấp 4 - 5 lần trồng lạc và 6 - 7 lần trồng lúa. Và vì thế, vụ đông cũng là 1 vụ sản xuất chính”. Ở Quỳnh Diện, phát huy vai trò đảng viên, đảng ủy xã khuyến khích đảng viên tích cực đi đầu trong sản xuất, trực tiếp đồng chí bí thư đảng ủy và nhiều cán bộ, đảng viên không có đất làm vụ đông, phải mượn từ 1 đến 2 sào đất của hộ khác để làm vụ đông. Nhờ đó, diện tích, sản lượng vụ đông của xã đạt chỉ tiêu huyện giao, góp phần ổn định kinh tế, giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương.



Sản xuất rau vụ đông ở Quỳnh Lưu. Ảnh: Trần Tố

Tuy nhiên, trong chỉ đạo sản xuất vụ đông đang bộc lộ những vấn đề cần quan tâm giải quyết. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở đang chỉ đạo sản xuất theo kiểu hành chính, cứng nhắc. Thông thường, sau khi tiếp thu kế hoạch sản xuất ở huyện về, xã cũng xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị bí thư, xóm trưởng, đại diện các tổ chức trong hệ thống chính trị. Nhưng xóm trưởng sau khi tiếp thu về, triển khai đến dân thường kết quả đạt thấp. Trong đó, có một lý do cơ bản là tỷ lệ dân họp xóm hiện nay ở một số địa phương thường rất thấp (khoảng trên dưới 50%), nên thông tin đến được với người dân có mặt hạn chế. Tâm lý một số bà con nông dân không muốn làm vụ đông; đối với số bà con muốn làm lại sợ mình làm đơn lẻ, trâu bò, thiên tai, địch hại phá hoại nên thường theo tâm lý số đông, nhiều nhà không làm, mình cũng không làm. Hơn nữa, trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, trâu bò, sức kéo, ngày càng giảm dần, làm gì cũng thuê làm, vừa thiếu sức kéo, vừa thiếu phân bón hữu cơ, lệ thuộc phân vô cơ là nhiều, nên chi phí lại càng lớn; tư tưởng một số người dân không thực sự chịu khó, dễ làm, khó bỏ.

Để có một vụ đông thắng lợi, huyện Quỳnh Lưu tập trung chính sách hỗ trợ và xác định vai trò chỉ đạo cụ thể, sâu sát của các cấp ủy, chính quyền. Theo đó, tỉnh trợ giá ngô giống 30%, hỗ trợ 100% tiền giống đối với diện tích ngô phải gieo lại do bão lụt; cây lạc, hỗ trợ 10.000đ/kg nilon loại 0,007mm và 100.000đ/ha thuốc diệt cỏ để xử lý cỏ trước khi phủ nilon. Huyện hỗ trợ 100% giá giống bí xanh, bí đỏ Đông Anh và 40% giá ngô giống trồng trên đất 2 lúa.

Một số xã, ngoài chính sách hỗ trợ của huyện, tỉnh còn hỗ trợ thêm cho nông dân 30% giống ngô, hộ nghèo được hỗ trợ thêm 100.000đ/sào như Quỳnh Hưng; xã Quỳnh Văn ngoài chính sách hỗ trợ giống ngô cho dân 100%, còn đề ra quy định khen thưởng xóm nào vượt diện tích được giao trên một ha sẽ được khen thưởng 1 triệu đồng; xã Ngọc Sơn có cách làm riêng là hỗ trợ trên đơn vị diện tích sản xuất, nếu hộ gia đình nào làm 500m2, xã hỗ trợ 10.000đ, từ 1000m2 trở đi hỗ trợ 100.000đ. Theo lý giải của lãnh đạo các xã, cách hỗ trợ như vậy vừa khuyến khích nhân dân sản xuất, vừa tránh tình trạng nhân dân mua giống ngô được trợ giá về, không sản xuất theo kế hoạch, để sang vụ sau sẽ không hiệu quả.

Bên cạnh đó, vai trò của kinh tế hợp tác tập thể trong việc liên kết với nhau sản xuất và cung ứng giống, phân bón, cũng như bao tiêu sản phẩm cho nông dân là hết sức cần thiết. Để sản xuất vụ đông bảo đảm diện tích, có hiệu quả, các cấp chính quyền không chỉ đạo chung chung mà cần có kế hoạch cụ thể, tìm hiểu nhu cầu thực tế của người dân, ai thực sự có nhu cầu làm, ai không làm, tác động của chính quyền thế nào để có thể canh tác hết diện tích đất sản xuất, theo chỉ tiêu trên giao. Sản xuất vụ đông với tinh thần nhằm giải quyết tốt vấn đề hiệu quả kinh tế chứ không làm theo phong trào. Ngoài ra, huyện cần quan tâm đầu tư mô hình sản xuất vụ đông theo hướng mô hình công nghệ cao, kết hợp đầu mối bao tiêu sản phẩm cho nông dân; tránh để tình trạng tư thương mua giống trợ giá bán ra ngoài địa bàn. Có kế hoạch giải quyết cụ thể, chứ năm nào cũng nêu ra khó khăn vướng mắc giống nhau, nhưng không có cách giải quyết cụ thể.

Tinh thần sản xuất vụ đông năm nay cần được khơi dậy trên toàn huyện, đa chủng loại nhưng vẫn cần mang màu sắc riêng của từng địa phương; góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất.


Nguyễn Anh Văn