Làng văn hóa - Yếu tố quan trọng trong xây dựng nông thôn mới
(Baonghean) Trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, có hai tiêu chí thuộc lĩnh vực văn hoá là cơ sở vật chất văn hoá và làng văn hoá đạt chuẩn. Là một trong những huyện điểm của cả nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng Làng văn hóa được huyện Nam Đàn xác định là nhiệm vụ quan trọng.
Làng văn hóa Nam Bình (Vân Diên) là xóm thuần túy sản xuất nông nghiệp, tổng số 184 hộ, 732 khẩu, số lao động là 341. Tuy nhiên, người dân nơi đây vốn năng động nên trong thời buổi kinh tế thị trường, họ đã nhanh chóng du nhập nhiều nghề nhằm phát triển kinh tế. Trong xóm hiện có 65 lao động đi xuất khẩu các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Malaixia… 3 doanh nghiệp tư nhân, 4 cá nhân làm chủ thầu công trình giải quyết việc làm cho 50 lao động địa phương có thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng… Nhờ vậy, đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc.
Nhà văn hóa xóm Nam Bình (Vân Diên) được xây dựng từ nguồn vốn huy động sức dân.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 xấp xỉ 14 triệu đồng/người/năm. Các thiết chế văn hóa – thể thao được nhân dân ủng hộ xây dựng. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa hoàn chỉnh. Bà Nguyễn Thị Lộc - người dân xóm Nam Bình cho biết: “Để xây dựng làng văn hóa, mỗi người dân chúng tôi đều ý thức được sự đóng góp của mình cho địa phương. Là một người mẹ, người bà, tôi luôn dạy dỗ con, cháu mình sống hòa thuận, hiếu lễ với ông bà, cha mẹ. Gia đình có hạnh phúc thì làng xóm mới yên vui. Tôi nghĩ làng văn hóa phải được bắt nguồn từ chính gia đình văn hóa”.
Từ một vài mô hình điểm ban đầu, đến nay Nam Đàn đã có 160 xóm, khối đạt danh hiệu Làng văn hóa. Phong trào xây dựng làng văn hóa thực sự phát triển mạnh mẽ từ năm 2003 lại nay, khi huyện phát động thực hiện đề án xây dựng, phát triển đời sống văn hóa thời kỳ 2002 – 2010 và UBND huyện có chính sách hỗ trợ khuyến khích xây dựng làng văn hóa: UBND huyện thưởng 5 triệu đồng đối với mỗi làng văn hóa được tỉnh công nhận và 1 triệu đồng đối với mỗi làng văn hóa được huyện công nhận. Đối với việc xây dựng nhà văn hóa xóm, khối, huyện hỗ trợ 15 triệu đồng cho mỗi nhà xây mới; 5 triệu đồng cho mỗi nhà nâng cấp, sửa chữa.
Từ 2008 đến nay, mức hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa khối, xóm được nâng lên 30 triệu đồng cho mỗi nhà xây mới. Tính đến cuối tháng 6/2012, toàn huyện đã có 328 nhà văn hóa. Nhiều xã đã cơ bản hoàn thành hệ thống thiết chế VHTT đồng bộ. Phong trào xây dựng Làng văn hóa đã thực sự có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều xã đã xác định được lộ trình, bước đi cụ thể trong việc xây dựng xóm, khối văn hóa, chỉ đạo, hướng dẫn các khối, xóm đăng ký và tổ chức thực hiện tốt nên đã mang lại hiệu quả thiết thực, như: Nam Cát, Nam Giang, Kim Liên, Xuân Hòa, Nam Thái…
Điều ghi nhận nhất ở các làng văn hóa là đời sống tinh thần, vật chất ngày càng nâng cao, số hộ giàu tăng, hộ nghèo giảm và không còn hộ đói; thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp; an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; tệ nạn xã hội được đẩy lùi; tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt. Nhiều xóm, khối đã duy trì được các lễ hội làng truyền thống như: Hội vật đầu Xuân ở Vân Diên, hội đình Trung Cần - Nam Trung…
Với mục tiêu, đến năm 2015 có 60% số xóm đạt danh hiệu Làng văn hóa và đến năm 2020 là 70%, cái khó nhất trong việc xây dựng Làng văn hoá ở Nam Đàn chính là việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ sinh con thứ ba và tạo lập được các thiết chế văn hoá phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Điều này không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt trong cách làm của mỗi địa phương mà hơn hết còn phải có sự tìm tòi cách tháo gỡ của các cấp, các ngành, để giúp mỗi người dân ý thức được mình vừa là chủ thể đi đầu trong xây dựng nhưng cũng là chủ thể hưởng thụ các giá trị văn hoá do chính mình tạo dựng nên.
Thanh Thủy