Khí thế mới, niềm tin mới

10/10/2012 20:57

(Baonghean) - Xác định chuyển đổi ruộng đất là khâu quan trọng nhất để từng bước đưa cơ giới hoá vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo tiền đề thực hiện thành công mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Anh Sơn đã ra nghị quyết chuyên đề, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai nên đã thu được những kết quả tích cực.

Chúng tôi lên xã Cẩm Sơn, đúng vào dịp cơn mưa chuyển mùa vừa ngớt, bà con đang lần lượt ra đồng để chăm sóc cây trồng vụ thu đông. Vén ngọn bí xanh vừa bò ra phía ngoài, chị Nguyễn Thị Hải ở xóm Hội Lâm cho biết: Gia đình chị trước đây có đến 6 thửa trên 3 xứ đồng thì nay chỉ còn lại một thửa nên gia đình đã tập trung đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mỗi năm 2 vụ bí và 1 vụ rau bước đầu cải thiện cơ bản cuộc sống gia đình. Tâm trạng phấn khởi của chị Hải cũng là tâm trạng chung của các hộ dân trong xóm khi thực hiện xong chuyển đổi ruộng đất.



Thu hoạch bí tại Cẩm Sơn

Là một trong 2 xã điểm triển khai thực hiện chuyển đổi ruộng đất của huyện, sau Đại hội Đảng bộ xã Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Cẩm Sơn xác định xây dựng đề án vận động nông dân chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn là điều kiện tiên quyết để triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án còn lại trên lĩnh vực kinh tế. Cẩm Sơn có 11 đơn vị thôn bản, trong đó có 1 thôn ở tả ngạn sông Lam, có 4 bản đồng bào dân tộc thiểu số, đất đai sản xuất manh mún, tập trung vào 3 loại đất chính: đất màu bãi, đất màu đồng và đất ruộng 2 lúa. Làm cách nào để có sự đồng thuận, đảm bảo sự công bằng cho các hộ dân giữa các vùng là điều mà BCH đảng uỷ xã, ban Chi uỷ các xóm rất trăn trở. Nhiều cuộc họp bàn đã được tổ chức, lấy ý kiến dân chủ từ các hộ dân, cuối cùng giải pháp mà xã đưa ra căn cứ vào điều kiện thực tế để phân chia đất đai theo tỷ lệ 11 đất vệ - 15 đất ruộng - 8 đất bãi, cán bộ đảng viên gương mẫu nhận trước nên cơ bản đã được các hộ dân đồng tình ủng hộ. Xóm nào người dân chưa thông, đảng uỷ xã chỉ đạo tiếp tục họp nhiều lần, tuyên truyền làm rõ ý nghĩa, chủ trương và lợi ích của các hộ dân. Nhờ đó, Cẩm Sơn cơ bản đã triển khai thực hiện xong việc chuyển đổi ruộng đất. Hiện số hộ dân còn 1 thửa chiếm tỷ lệ 81,5%, chỉ còn 18,5% số hộ 2 thửa, cả xã không còn hộ 3 thửa đất. Sau chuyển đổi ruộng đất, để có đối chứng trực quan về hiệu quả, đảng uỷ xã tiếp tục chỉ đạo các xóm căn cứ vào điều kiện thực tế, phát triển các mô hình kinh tế như mô hình trồng măng tây xanh, chuyển đổi trồng dưa sang trồng bí, phát triển trang trại chăn nuôi…

Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, Anh Sơn xác định rõ tình trạng ruộng đất manh mún và phân tán là lực cản lớn cho quá trình CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn trên địa bàn. Sau Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ XIX, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 03 NQ/HU về việc tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi ruộng đất, xác định đây là khâu đột phá để thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hai xã được chọn làm điểm là Cẩm Sơn và Hùng Sơn có đội ngũ cán bộ dám đổi mới và đã có hiệu quả, kinh nghiệm từ chuyển đổi đợt 1. Các xã cũng đã chọn thôn, chọn địa điểm, chọn vùng làm theo phương châm “ dễ làm trước, khó làm sau”, chuyển đổi đất bãi trước, đất ruộng chuyển đổi sau. Do đó, tại 2 xã làm điểm, ngoài xã Cẩm Sơn (đã nói ở trên) thì xã Hùng Sơn tuỳ từng chân đất bố trí loại cây trồng và căn cứ vào đó để chuyển đổi ruộng đất. Nhờ đó, toàn bộ diện tích đồng vệ, bãi của xã hơn 172 ha đã được chuyển đổi, sau chuyển đổi bình quân số thửa đất nông nghiệp/hộ giảm từ 6 thửa/hộ xuống còn 2 thửa/hộ, diện tích bình quân mỗi thửa sau khi chuyển đổi tăng từ 488 m2/thửa tăng lên 1.429 m2/ thửa. Không phải là xã điểm nhưng xã Tam Sơn cũng rất tích cực trong việc vận động nhân dân chuyển đổi ruộng đất. Đảng uỷ xã chỉ đạo kiểm kê quỹ đất, ghép nhóm phân loại hộ, lên phương án nhận đất và bốc thăm để nhận ruộng nên diện tích bình quân sau chuyển đổi 1.724 ha, mỗi hộ nhận 2 thửa…

Ngay sau chuyển đổi ruộng đất, huyện đã chỉ đạo các xã căn cứ vào tình hình thực tế để hướng dẫn các hộ dân đầu tư thâm canh, chuyển đổi cây trồng hợp lý, nên trên địa bàn đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh có giá trị kinh tế cao như: vùng rau màu 40 ha xã Cẩm Sơn, trồng mía thuộc các xã vùng Tả ngạn, hay hình thành những vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung hàng trăm ha trên vùng đất trước đó kém hiệu quả do ngập úng. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy nhanh quy hoạch hệ thống thuỷ lợi, giao thông nội đồng để tạo cơ sở đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện cũng đã có 50 km đường giao thông nội đồng, 10 km kênh mương được tu sửa, làm mới. Có thể nói, từ kết quả ban đầu của Nghị quyết số 03- NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện Anh Sơn về vận động nông dân chuyển đổi ruộng đất đang tạo khí thế mới, niềm tin mới trong toàn dân, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên để Anh Sơn thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX, phấn đấu trở thành một trong những huyện khá vùng miền Tây.


Hữu Nghĩa