Cần có chế tài trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

20/08/2012 18:27

(Baonghean) Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài vẫn còn không ít những khó khăn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Nhâm - Chánh Thanh tra tỉnh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh đã tiếp 2.553 lượt công dân; nhận 3.409 đơn thư các loại, trong đó các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước các cấp là 230 vụ việc, đến nay đã giải quyết được 206/230 vụ, đạt tỷ lệ 89,6%. Các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân phần lớn tập trung vào lĩnh vực quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng; việc thực hiện chính sách xã hội, chính sách đối với người có công; thu thuế và các khoản đóng góp của dân... Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện sai phạm số tiền 59,25 triệu đồng, 21.497m2 đất các loại. Đã tiến hành xử lý thu hồi được 11,2 triệu đồng, trả lại cho công dân 21.497m2 đất, đề nghị các cấp có thẩm quyền xử lý hành chính 6 cá nhân sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 2 vụ việc với 4 đối tượng.



Cảnh sát môi trường kiểm tra, xác minh vấn đề người dân phản ánh về ô nhiễm môi trường trong hoạt động khoáng sản tại Quỳ Hợp.

Có được kết quả đó, có thể nói, thời gian qua, công tác tiếp công dân ở các cấp, các ngành đều được lãnh đạo quan tâm, tổ chức thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật; có lắng nghe, tiếp thu ý kiến của công dân và chỉ đạo giải quyết đơn theo thẩm quyền; việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo bảo đảm nhanh chóng, kịp thời ngay khi mới phát sinh tại cơ sở. Đối với những vụ việc được giải quyết nhiều lần nhưng công dân vẫn chưa nhất trí, tiếp tục khiếu kiện, UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành để rà soát và chỉ đạo xử lý. Một số vụ việc phức tạp, đã xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan Trung ương nên hạn chế được đơn thư vượt cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn gặp không ít khó khăn. Tại một số địa phương, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo còn hạn chế nên một số công dân còn gửi đơn khiếu kiện đi nhiều nơi, vượt cấp. Một số cơ quan, đơn vị, tại địa điểm tiếp công dân cơ sở vật chất chưa được trang bị đầy đủ, cán bộ làm công tác tiếp dân luôn luôn biến động theo nhiệm kỳ, còn hạn chế về trình độ chuyên môn và kiến thức pháp luật nên chậm giải quyết những khiếu nại, tố cáo của công dân hoặc giải quyết không đầy đủ, không trọng tâm nội dung đơn thư, gây bức xúc cho người khiếu tố... Đơn cử như việc ông Trương Minh Đức trú tại khối 5, phường Lê Lợi, TP. Vinh khiếu nại vì cho rằng UBND tỉnh đã lấy 65m2 đất tại thửa số 34, bản đồ số 41, đo đạc năm 2000, mà gia đình ông đang sử dụng để cấp cho gia đình ông Phạm Mậu Cơ là không đúng. Vụ việc đã được các cấp, ngành không chỉ ở địa phương mà Trung ương giải quyết, trả lời nhiều lần, đảm bảo khách quan, đúng quy định của pháp luật và khẳng định khiếu nại của ông Trương Minh Đức là không có cơ sở. Tuy nhiên đến nay, dù không cung cấp thêm được tư liệu, tình tiết nào mới để chứng minh được khiếu nại, tố cáo của mình là đúng, song ông Đức vẫn liên tục gửi đơn.

Ngoài ra, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đất đai vẫn còn hạn chế trên một số mặt nên dễ dẫn đến phát sinh đơn thư như: Bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách pháp luật chưa đồng bộ, nhiều quy định không sát với thực tế nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời, đặc biệt là trong quản lý đất đai, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý vốn và tài sản của Nhà nước. Hơn nữa, pháp luật cũng chưa có quy định chấm dứt khiếu kiện, nên các cơ quan hành chính nhà nước thiếu cơ sở pháp lý để chấm dứt hiện tượng tiếp khiếu, tiếp tố không đúng pháp luật, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài.


Đặng Nguyễn