Mạc Ngôn và danh tác “Báu vật của đời”

16/10/2012 17:46

(Về Giải thưởng Nôben văn học 2012)

(Baonghean.vn) - Nói chuyện về cuốn Báu vật của đời tại Trường Đại học Côlômbia (Mỹ), nhà văn người Trung Quốc Mạc Ngôn, đã bật mí về xuất xứ ban đầu của tiểu thuyết này...

Đấy là một buổi chiều mùa Thu năm 1990. Nhà văn vừa ra khỏi tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, bước lên các bậc đá để đi lên, lúc ngẩng đầu thì bắt gặp một phụ nữ vẻ người nông thôn, đang ngồi ở cửa ra. Chị cho con bú, hai đứa trẻ gầy đen ngồi hai bên đùi chị, mỗi đứa ngậm một đầu vú và vân vê bầu ngực mẹ. Khuôn mặt gầy khô của chị ta dưới ánh mặt trời chiều bừng sáng lên như bức tượng đồng, trang nghiêm và thiêng liêng như Đức Mẹ đang chịu tội. Mạc Ngôn cứ thế đứng nhìn như bị thôi miên. Một người bạn thấy vậy ngạc nhiên, kéo áo nhà văn hỏi vì sao lại đứng nhìn rồi khóc vậy? Ông bảo: “Tôi nhớ tới mẹ và tuổi thơ ấu. Không chỉ vậy, tôi còn nhớ đến tất cả các bà mẹ của chúng ta và tuổi thơ của chúng ta!”.

Năm 1994, người mẹ của nhà văn Mạc Ngôn qua đời. Ông muốn viết một bộ sách dâng tặng mẹ. Sau mấy lần cầm bút do dự, chợt hình ảnh người mẹ và hai đứa con ở bến tàu điện ngầm hiện về. Và nhà văn đã biết mình phải bắt đầu từ đâu.



Nhà văn Mạc Ngôn ( bên phải) tại quê nhà bên chiếc cối xay bằng đá thời niên thiếu

Bộ tiểu thuyết "Báu vật của đời" dài hơn 50 vạn chữ, do Nhà xuất bản Nhà Văn ấn hành, đã ra mắt bạn đọc nước ông vào tháng 12 năm 1995. Thông qua việc miêu tả tỉ mỉ, tài tình và thuyết phục số phận của một gia tộc và quê hương Cao Mật Đông Bắc, Mạc Ngôn thể hiện quan điểm lịch sử của mình. Đó là lịch sử đã được truyền kì hóa trong dân gian, là lịch sử tượng trưng mang dấu ấn của tính cách Mạc Ngôn, chứ không phải hoàn toàn là lịch sử có thật ngoài đời... Bởi vậy, theo ông lịch sử ấy mới càng gần với chân thật. Nhà văn nhặt nhạnh những chuyện đã xảy ra ở khắp mọi nơi để mang về cho thôn Cao Mật Đông Bắc của mình.

Điều này rất phù hợp với quan niệm nghệ thuật của Mạc Ngôn. Có lần ông phát biểu: “Tôi nghĩ, đầu thế kỉ XXI, một nhà văn có trách nhiệm và hoài bão sẽ đứng ở vị trí cao hơn, nhìn xa hơn. Họ sẽ sáng tác trên lập trường của nhân loại, họ sẽ suy nghĩ và lo lắng cho tiền đồ của nhân loại. Điều mà họ trăn trở sẽ là số phận của nhân loại. Họ sẽ nâng sáng tác của mình lên độ cao của triết học. Chỉ có sáng tác như vậy, tác phẩm mới có giá trị!”.

Trước Báu vật của đời (1995), nhà văn Mạc Ngôn đã có Củ cà rốt trong suốt (truyện ngắn, 1986), Gia tộc Cao Lương Đỏ (tiểu thuyết, 1987), Quốc tửu (tiểu thuyết, 1993), Tuyển tập Mạc Ngôn (nhiều tập, 1996)... Sau đó, ông còn cho ra đời Đàn hương hình (tiểu thuyết, 2001), Mạc Ngôn và những lời tự bạch (tiểu luận, 2002)... Những tác phẩm vừa nêu đã được dịch sang tiếng Việt, góp phần làm nên gương mặt sáng giá của nhà văn Mạc Ngôn, người vừa được công nhận Giải thưởng Nôben văn học năm 2012 !



Nhà văn Mạc Ngôn tại Nhật Bản (1999)

Sinh ngày 17/2/1955 tại thôn Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, Mạc Ngôn xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo. Thủa nhỏ, ông chưa tốt nghiệp tiểu học do phải bỏ học đi tìm việc làm. Rồi đi bộ đội, chuyển sang làm báo, làm nghiên cứu sinh... Từ năm 1980, ông mới bắt tay vào sáng tác. Thời gian Mạc Ngôn cầm bút không nhiều, nhưng có thể nói ông đã làm cho thế giới phải kinh ngạc và khâm phục qua những tác phẩm để đời của mình, trong đó có Báu vật của đời.


Kim Hùng