Long trọng Lễ giỗ 712 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn
(Baonghean.vn) - Sáng nay 05/10, tại đền Hồng Sơn, UBND TP Vinh đã long trọng tổ chức Lễ giỗ 712 năm ngày mất của đại danh tướng thời Trần - Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (ông mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý, tức ngày 5/9/1300).
Tới dâng hương và tham dự Lễ có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tôn giáo Sở Nội vụ, các đồng chí Nguyễn Xuân Sinh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Vinh; đại diện HĐND, UBND, UBMTTQ, các hội, ban, ngành, đoàn thể thành phố cùng đông đảo nhân dân từ mọi nơi về hành lễ tâm linh tại Đền.
Đ/C Nguyễn Trung Châu - Phó chủ tịch UBND TP Vinh đánh trống bắt đầu Lễ giỗ.
Ông Trần Quốc Tuấn (quê ở làng Tức Mặc, Nam Định) là một Đại danh tướng của dân tộc, ba lần cầm quân đánh đuổi giặc Mông Cổ ra khỏi bờ cõi, bảo vệ nền tự chủ dài lâu cho nước nhà. Ông được phong tước Vương, tự Hưng Đạo, nên dân ta thường kính cẩn gọi là Hưng Đạo Vương. Ông là người đã có nhiều câu nói nổi tiếng thể hiện khí phách của dân tộc trước sự xâm lăng của giặc ngoại bang.
Năm 1284, quân Mông Cổ tràn qua đánh ta lần thứ hai, Hưng Đạo Vương được vua Trần Nhân Tông phong làm Tiết Chế thống lãnh toàn quân chống giặc. Giặc quá mạnh, ông cùng quân sỹ phải lui về Vạn Kiếp. Ông đã để lại câu nói bất hủ : "Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã". Chính là nhờ câu nói đầy khí phách này mà quân dân ta đã đại thắng mấy tháng sau đó. Năm 1287, Mông Cổ lại đem quân đánh ta lần thứ ba, quyết chí rửa mối nhục bại vong hai lần trước. Tại sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương hô tướng sĩ cùng trỏ tay xuống sông Hóa mà thề rằng: Phen này không phá được giặc, thề không trở lại khúc sông này nữa. Cũng nhờ vậy mà sử sách ngày nay còn lưu lại trận chiến Bạch Đằng Giang nổi tiếng muôn đời.
Ngoài kỳ tài dụng binh, Hưng Đạo Vương c̣òn là một người thông minh uyên bác, thuộc làu kinh sử, hiểu rành mưu lược, thông suốt thiên văn địa lý. Ông đã soạn thảo bộ "Binh Thư Yếu Lược" và bộ "Vạn Kiếp Bí Truyền" để dạy các tướng sĩ cách tác chiến, dùng mưu, ông cũng đã ban lời Hịch tướng sỹ, khích động lòng căm thù giặc của binh sỹ với một quyết tâm được thích vào tay bằng 2 chữ “Sát Thát” (quyết giết giặc Nguyên Mông) v.v... Trong cả ba lần quân Nguyên Mông tấn công nước Đại Việt ta, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đều được vua Trần cử làm tướng chống giặc. Đặc biệt ở các cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, dưới tài lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi nước nhà.
Tài năng kiệt xuất của Hưng Đạo Vương còn ở chỗ: ông nhận thức rõ nhân dân mới là nguồn sức mạnh giữ nước, nguồn sức mạnh vô địch, nguồn sức mạnh mà không một kẻ thù tàn bạo nào có thể khuất phục. Chủ trương sâu sắc của ông mà đỉnh cao là tư tưởng: "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc mới là thượng sách giữ nước”. Hiện tại, đền thờ Ngài được nhân dân lập ra ở hầu hết tại các địa phương trên cả nước và suy tôn Ngài là Đức Thánh Trần.
Hành lễ trong lễ Đại tế.
Kết thúc phần lễ Đại tế.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố dâng hương trước bàn thờ chính điện.
Lễ giỗ lần thứ 712 ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được tổ chức trang nghiêm tại Đền Hồng Sơn ( TP Vinh), với các nghi thức: lễ dâng hoa, tiến cỗ, lễ Đại tế, lễ dâng hương của các đoàn đại biểu và của nhân dân khắp mọi nơi. Kết thúc là phần tọa đàm về thân thế về sự nghiệp kiệt xuất của Ông.
Trần Hải