Mỗi năm nước ta nhập 70 -100.000 tấn gà loại thải của Trung quốc

27/10/2012 15:02

Báo cáo của Cục Chăn nuôi tại hội nghị phòng chống dịch trên gia súc gia cầm và gia cầm nhập lậu tổ chức ngày 26/10 cho thấy mỗi ngày đang có 100-300 tấn gia cầm nhập lậu vào VN.



Mua bán gà Trung Quốc ở chợ gà thôn Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội)
- Ảnh: Ng.Khánh

Với gia cầm giống, ước tính riêng tại Móng Cái và Lạng Sơn mỗi ngày có 40.000-100.000 gà giống từ Trung Quốc vào VN. Gia cầm nhập lậu đang đẩy chăn nuôi trong nước vào thế cực kỳ khó khăn khi tổng đàn gà, lợn, trâu bò 10 tháng đầu năm 2012 đều giảm so với cùng kỳ năm 2011, giá trứng gà công nghiệp có thời điểm hạ xuống trên 900 đồng/quả.

Ồ ạt nhập gà loại thải

Theo một phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, chín tháng đầu năm 2012 tỉnh đã tiêu hủy trên 3 tấn nội tạng gia súc gia cầm, trên 8,6 tấn nầm lợn, 405kg chân gà vịt cùng nhiều thịt trâu, bò, gia cầm. Tuy nhiên đó chỉ là bề nổi của tảng băng gia cầm nhập lậu vào VN, bởi riêng khu vực thành phố Hạ Long, chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Ninh Đoàn Duy Ái cho hay đã có chín xe chuyên chở gia cầm lậu.

Báo cáo của Cục Chăn nuôi tại hội thảo cho biết cao điểm mỗi ngày gà loại thải từ Trung Quốc nhập qua Quảng Ninh 100-200 tấn, Lạng Sơn 100 tấn. Ước tính mỗi năm có 70.000-100.000 tấn gà loại thải vào VN riêng từ Trung Quốc. Trứng và nội tạng vào không thường xuyên, chỉ khi nào Trung Quốc loại thải nhiều và giá rẻ hàng mới tràn vào. Đó là chưa kể trên 10.000 tấn gà đông lạnh nhập từ Hàn Quốc với giá nhập khẩu 17.000 đồng/kg, trong đó có một số lô sắp hết hạn sử dụng.

Virút gây dịch cúm gia cầm đã biến đổi

Theo ông Phạm Văn Đông - cục trưởng Cục Thú y, virút gây bệnh đã có biến đổi và chưa có văcxin tiêm phòng. Về cơ bản các nhánh virút mới đã lưu hành hầu khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên và Đông Nam bộ, nhánh virút cũ lưu hành ở Tây Nam bộ. Ngoài ra có một nhóm virút mới gây chết nhanh và nhiều thủy cầm xuất hiện khắp các tỉnh từ Lạng Sơn tới Quảng Ngãi. Tại hội nghị, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho biết Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ sớm có hàng rào kỹ thuật để giảm nhập thực phẩm chất lượng kém vào VN.

“Giá gà loại thải tại Móng Cái là 30.000-35.000 đồng/kg, nhưng bên Trung Quốc chỉ 15.000 đồng/kg. Ngay tại Thái Lan họ cũng không dùng gà loại thải mà coi là phụ phẩm dùng cho gia súc, giá rất rẻ chỉ 10.000 đồng/kg. Người Trung Quốc cũng không ăn hoặc rất ít ăn gà loại thải do có thể trong thịt gà tồn dư một số chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe” - đại diện Cục Chăn nuôi cho hay.

Không chỉ có gà thải loại sống gây hại, phụ phẩm gia cầm đông lạnh và trứng gia cầm được vận chuyển lậu vào VN rất nhiều để bán cho quán ăn và chợ cóc. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần, các phụ phẩm này đều bị để đông lạnh quá lâu, có thể được bảo quản bằng hóa chất độc hại, thậm chí đã bị phân hủy vẫn được các đầu nậu chế biến đưa vào quán ăn, trường học và nhiều trường hợp đã bị ngộ độc.

“Đây là việc của ngành nông nghiệp, đừng đổ thừa trách nhiệm của quản lý thị trường, hải quan rồi chấp nhận đại họa nguy hiểm. Anh em hãy tự rà soát, ngành nào, cấp nào chịu trách nhiệm ở khâu nào, có thể nhờ báo chí tạo dư luận ủng hộ cái đúng” - ông Tần nói.

Chưa làm hết trách nhiệm

Khảo sát của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công bố tại hội nghị cho biết ở phía Bắc, giá gà thịt công nghiệp lông trắng 29.000-30.000 đồng/kg, phía Nam từ 25.000-26.000 đồng/kg, với giá này người chăn nuôi đang lỗ 2.000-4.000 đồng/kg. Giá lợn thịt ở miền Bắc đang đứng ở mức 43.000-44.000 đồng/kg, ở miền Nam dao động quanh 39.000-42.000 đồng/kg. Với giá này người chăn nuôi đang lỗ 1.000-3.000 đồng/kg. Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, tổng đàn gia cầm, lợn và trâu bò chín tháng đầu năm 2012 đều giảm hơn so với cùng kỳ năm 2011, do giá thương phẩm giảm nhưng giá thức ăn lại tăng 5-10%.

Theo ông Đoàn Duy Ái, khi nào bộ, cục có văn bản, các lực lượng vào cuộc thì gia cầm lậu giảm ngay, chứng tỏ không phải chúng ta không chống được mà đã thật sự muốn chống hay chưa?

“Đừng đổ lỗi cho khách quan, đường biên dài. Chúng tôi đi dọc đường biên, kể cả đi đêm, đã xác định được địa điểm tập kết hàng. Phải nói thẳng là các lực lượng chức năng chưa làm hết trách nhiệm, trong khi trách nhiệm đã rõ: ở cửa khẩu là việc của hải quan, trên thị trường là của quản lý thị trường, kiểm dịch là của thú y” - ông Ái nói.


Theo (Tuoi tre)-L.T