Day dứt ...Truông Bồn
(Baonghean.vn)- 31/10/1968. Sự kiện Truông Bồn xảy ra, tôi chưa đầy 10 tuổi. Ký ức còn lại của những năm tháng ấy là đi học đội mũ rơm, nghe tiếng kẻng báo động của đội phòng không trên núi Hòn Dài thì ngay lập tức cô trò tản ra hầm đào đắp ngay bên cửa sổ lớp học. Sau mỗi trận bom pháo, không ai dám ra khỏi hầm vì miểng bom, miểng đạn rơi veo véo, cả tiếng sau nhặt lên còn nóng rẫy và sắc lẹm…Trận bom xảy ra buổi sáng ấy ở Truông Bồn, thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương chỉ cách làng tôi độ 15 km theo đường chim bay. Vậy mà phải mấy chục năm sau tôi mới hiểu rõ rành về sự kiện ấy. Càng hiểu càng thôi thúc tâm can…
Tiểu đội thép Truông Bồn lúc đó chủ yếu là thanh niên xung phong từ Yên Thành, Đô Lương. Các anh, các chị tình nguyện nhận nhiệm vụ đảm bảo giao thông ở trọng điểm đánh phá ác liệt nhất trên quê hương mình. Chỉ một ngày nữa, 01.11.1968, địch sẽ ngừng ném bom phá hoại Miền Bắc. Còn một ngày cuối cùng ở đơn vị, họ vẫn tình nguyện ra mặt đường, chỉ dẫn cho xe bộ đội hành quân ra tiền tuyến.
Chỉ một ngày nữa, nhưng các anh, các chị vĩnh viễn không về.
Anh Hòa, chị Tâm run trên tay những phút giây hạnh phúc đầu tiên với tấm Giấy kết hôn! Chị Đang, chị Doãn, chị Nhung, chị Dung… khấp khởi, cất vào balo Giấy báo nhập học. Vậy mà các anh, các chị không thể đi qua ngày 31.10.1968 đầy bi thẫm và nước mắt khôn tả đó..
Không hiểu sao khi tìm hiểu về sự kiện Truông Bồn, tôi cứ bị ám ảnh về câu chuyện Giấy kết hôn và Giấy báo nhập học của các anh, các chị. Tôi cũng như nhiều người ở miền đất hiếu học, học giỏi này từng phấn khởi, tự hào cầm trên tay, khoe ầm ĩ với bạn bè về tấm giấy nhập học và mọi việc trót lọt, ổn thỏa sau 4 năm ở giảng đường đại học. Nhưng người cùng quê tôi, lứa trước tôi như chị Đang, chị Doãn, chị Nhung, chị Dung…thì không bao giờ có được điều đơn giản đó. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ các anh, các chị đã nhường cho tôi, cho chúng ta hôm nay một cách lặng lẽ, không đòi hỏi, không kêu ca gì!
Tôi cũng như nhiều người khác, đến duyên, đến thì rồi thì run run cầm trên tay chiếc giấy kết hôn ngập tràn hạnh phúc. Lấy vợ rồi sinh con, thuận lợi thì mua xe, làm nhà, như cuộc sống vẫn thế. Nhưng anh Hòa, chị Tâm… thì mãi mãi dừng lại ở giây phút ngượng ngùng lên ủy ban hành chính xã xin giấy kết hôn, rồi lo lắng chuẩn bị mọi việc, hồi hộp chờ đợi và vẫn không quên nhiệm vụ ngày cuối cùng 31.10.1968!
Có người đồng nghiệp cùng cơ quan nói rất khẽ với tôi rằng “Mẹ em cũng từng tham gia thanh niên xung phong ở Truông Bồn, may mắn lành lặn trở về. Nhiều lúc tự dưng vùng vằng với mẹ: sao không có lấy một mảnh giấy chứng nhận để hưởng chế độ như nhiều người. Mẹ chỉ im lặng. Giờ thì em hiểu, sống qua được những trận bom ấy đã là may mắn nhất rồi!”.
Cũng người đồng nghiệp ấy trong một lần được giao nhiệm vụ đi tìm tuổi tên, gia đình những người ngã xuống ở Truông Bồn, khi về kể lại rằng, nếu anh, chị nào bố mẹ còn sống, thì được thờ phụng cẩn thận, nhưng có chị cả bố và mẹ đều qua đời, anh em họ hàng tản mát, hiện vẫn chưa biết rõ nơi thờ cúng. Đồng nghiệp ấy không thể nói tiếp, mắt ngấn nước, ngậm ngùi. Tôi không biết nên nói gì lúc đó nhưng rồi cũng kịp nhắc mọi người, rằng, tuổi tên các anh, các chị ấy đã được ghi vào sử sách, được khắc rõ rành trên Bia tưởng niệm Truông Bồn bất tử.
Ngày ngày nơi ấy vẫn khói hương nghi ngút. Không biết tự lúc nào trên chiếc bàn thờ linh thiêng ấy luôn có đầy đủ những chiếc lược chải đầu, những chiếc gương soi xinh xắn, những chùm bồ kết, những lọ dầu xoa…Đúng rồi, tất cả đều đúng và cần cho các anh, các chị. Nhưng hình như còn thiếu, thiếu tấm Giấy kết hôn của anh Hòa, chị Tâm và Giấy báo nhập học của chị Đang, chị Doãn, chị Nhung, chị Dung..Không có những kỷ vật đặc biệt và thiêng liêng đó, tôi tin không thể làm nên Truông Bồn chiến thắng như nhiều người đã biết...!
Bùi Nam Sơn